Cỏ dại phủ kín 

Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ (phường Hoà Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) được phát hiện năm 2011. Sau đó tiếp tục được khai quật vào năm 2012, 2018, làm phát lộ khá rõ ràng và chính xác toàn bộ quy mô và cấu trúc nền móng của một toà tháp Chăm. Nhiều cổ vật thời Chăm đã được tìm thấy và đưa về bảo quản.

Di chỉ khảo cổ này được công nhận là di tích văn hoá cấp thành phố vào năm 2021. Đến tháng 3/2023, HĐND TP đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 tại Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ với vốn đầu tư 140 tỷ đồng (giai đoạn 1), thực hiện từ năm 2023-2027. Việc xây dựng Bảo tàng Chăm không chỉ mang ý nghĩa bảo tồn mà còn được kỳ vọng là điểm đến du lịch thu hút khách.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, hiện tại khu di chỉ khảo cổ vẫn “án binh bất động”. Ngoài khu vực hố thiêng (khu vực lõi của di tích) được lợp mái tôn che chắn thì xung quanh cỏ dại phủ kín.

W-di-tich-khao-co-7-1.jpg
Cảnh hoang phế tại di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ.
W-di-tich-khao-co-3-1.jpg
Khắp nơi đều là cỏ dại.

Gần 1 năm trôi qua, dự án này vẫn chưa được triển khai. Người dân xung quanh xót xa khi di tích đã được phát lộ nhưng không có biện pháp giữ gìn, lâu dài sẽ xuống cấp, hư hỏng.

Vì sao chưa thể triển khai?

Dự án do Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng làm chủ đầu tư, quản lý.

Liên quan đến tiến độ dự án, trao đổi với VietNamNet, ông Lê Văn Tuyết, Phó Giám đốc Ban quản lý cho biết, Ban đang chuẩn bị phát hành hồ sơ thi tuyển kiến trúc. Theo quy trình thi, chấm tuyển khoảng 4 tháng nữa (cuối tháng 4/2024) sẽ hoàn thành việc thi tuyển kiến trúc.

“Đó mới chỉ là thi tuyển phương án, còn phải thiết kế, thi công… chúng tôi sẽ cố gắng để dự kiến đến hết năm 2024 sẽ kết thúc công tác chuẩn bị đầu tư và đầu năm 2025 sẽ khởi công công trình”, ông Tuyết cho hay.

W-di-tich-khao-co-5-1.jpg
Gần 1 năm kể từ ngày được thông qua chủ trương đầu tư, đến nay di tích vẫn "án binh bất động".

Nói về nguyên nhân chậm triển khai dự án, ông Tuyết cho rằng, vì dự án liên quan đến di tích, lĩnh vực văn hoá nên phải lập hồ sơ thi tuyển kiến trúc, phải thận trọng, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử.

W-di-chi-khao-co-12-1.jpg
W-di-tich-khao-co-2.jpg
Hiện tại chỉ có khu vực hố thiêng (khu vực lõi của di tích) được lợp mái tôn che chắn.
W-di-tich-khao-co-4-1.jpg
Theo Ban quản lý dự án, dự kiến đến đầu 2025 mới có thể khởi công dự án Bảo tàng Chăm cơ sở 2.

Về những lo lắng khu di tích sẽ xuống cấp, hư hỏng nếu không có biện pháp giữ gìn, ông Tuyết cho hay, sắp tới Ban sẽ làm việc với UBND phường Hoà Thọ Đông để có biện pháp bảo vệ, giữ gìn khu di chỉ Chăm Phong Lệ.

“Hiện tại, khu di chỉ Chăm Phong Lệ đang được phường quản lý, bảo vệ. Còn Ban quản lý chưa nhận bàn giao mặt bằng. Vừa rồi tại Kỳ họp thứ 15, HĐND TP Đà Nẵng khoá một số đại biểu cũng phản ánh, bức xúc việc này. Chúng tôi sẽ sắp xếp, gặp phường để bàn bạc phương án bảo vệ hoặc có các giải pháp hỗ trợ”, ông Tuyết cho hay.

W-di-tich-khao-co-10-1.jpg
Sau hơn 10 năm khai quật, di tích chưa có biện pháp giữ gìn tổng thể.
W-di-tich-khao-co-9-1.jpg
Trước đó, tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, cho rằng khi đề xuất quyết định chủ trương đầu tư thì phải rõ các phương án. Việc để 9 tháng sau mới thi tuyển phương án kiến trúc là có vấn đề về mặt quy trình, thủ tục. Ông yêu cầu các ban của HĐND rút kinh nghiệm trong thẩm tra dự án, đồng thời đẩy nhanh tiến độ công việc.

Dự án được HĐND Đà Nẵng thông qua gồm khu vực 1 (khu vực bảo tồn, lõi di tích) có diện tích 2.653m2 và khu vực 2 là khu vực bảo vệ di tích có diện tích 4.279m2 với các công trình bảo tồn như kiến trúc tháp, miếu Bà, 2 ngôi mộ cổ…

Khu vực 3 là khu vực hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật có diện tích 15.461m2, quy hoạch các hồ sen, nhà trưng bày, khu vực cây xanh, cảnh quan tạo không gian mở phục vụ cộng đồng dân cư và du khách tham quan, thư giãn, giải trí…