Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025. Một trong mục tiêu của kế hoạch là xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức.
Cụ thể, cần hoàn thiện môi trường pháp lý, phát triển hạ tầng số. Trong đó, triển khai hạ tầng truyền dẫn đáp ứng nhu cầu triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số tại Bộ Giao thông vận tải; tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi hạ tầng công nghệ thông tin thành hạ tầng số ứng dụng công nghệ điện toán đám mây phục vụ kết nối, quản lý các nguồn lực và dữ liệu của Bộ Giao thông vận tải một cách an toàn, linh hoạt, ổn định và hiệu quả; phát triển hạ tầng Internet vạn vật (IoT) phục vụ các ứng dụng nghiệp vụ, chuyên ngành trong triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số tại Bộ Giao thông vận tải.
Phát triển các hệ thống nền tảng và hệ thống số: Tiếp tục triển khai mở rộng, hoàn thiện nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu (LGSP) của Bộ Giao thông vận tải bảo đảm kết nối thông suốt với nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) để phục vụ phát triển Chính phủ số. Bảo đảm an toàn, an ninh mạng (SOC) cho các hệ thống thông tin của Bộ Giao thông vận tải; Phát triển các nền tảng tích hợp, kết nối liên thông dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, CSDL chuyên dùng để hình thành nên hệ sinh thái trong giao thông thông minh.
Về phát triển dữ liệu số, cần phát triển các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ ứng dụng, dịch vụ Chính phủ số trong nội bộ của ngành giao thông vận tải; thực hiện chia sẻ hiệu quả dữ liệu chuyên ngành của Bộ Giao thông vận tải với các địa phương; mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước trực thuộc Bộ Giao thông vận tải theo quy định của pháp luật.
Xây dựng kho dữ liệu để lưu trữ dữ liệu điện tử của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch trực tuyến với các cơ quan nhà nước trực thuộc Bộ Giao thông vận tải trên Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử Bộ Giao thông vận tải. Xây dựng Hệ thống phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp Bộ Giao thông vận tải nhằm lưu trữ tập trung, tổng hợp, phân tích, xử lý dữ liệu số từ các nguồn khác nhau, từ đó tạo ra thông tin mới, dịch vụ dữ liệu mới phục vụ Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.
Thành phố thông minh là xu thế phát triển hạ tầng đô thị của tương lai, xây dựng trên nền tảng công nghệ thông tin và tạo nên hệ thống tổng thể, bao gồm mạng viễn thông số, hệ thống nhúng thông minh, cảm biến, phần mềm. Thành phố thông minh sẽ giải quyết các vấn đề căn bản như quản lý đô thị, giao thông thông minh, giáo dục thông minh, nông nghiệp thông minh. Giao thông thông minh gồm nhiều thành phần như camera giám sát đường phố, camera đếm và kiểm soát tốc độ xe, kiểm tra trọng tải xe, hệ thống biển báo thông minh.
Mới đây, hai Bộ Giao thông vận tải và Bộ TT&TT đã thống nhất chương trình phối hợp gồm 6 nội dung, trong đó có xây dựng chương trình phát triển các hệ thống quản lý, điều hành giao thông; thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu và tự chủ từng phần, hướng tới tự chủ hoàn toàn trong công nghệ chế tạo, phát triển các hệ thống điều khiển, điều hành giao thông như: hệ thống giao thông thông minh; hệ thống điều hành đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao; hệ thống giám sát, nhận dạng phương tiện hàng hải. Thúc đẩy xây dựng, triển khai các nền tảng số trong GTVT, trong đó ưu tiên đối với các nền tảng: quản lý thu phí, thanh toán điện tử trong giao thông; Nhận diện, kiểm soát phương tiện tự động; Giám sát, điều hành giao thông thông minh; Liên thông vé vận tải hành khách; Dịch vụ vận tải và logistics.
Hai Bộ cũng cũng thống nhất phát triển hạ tầng số, hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IOT) phục vụ hạ tầng giao thông thông minh.
Hải Lam