Toàn cảnh hội thảo |
Hội thảo được tổ chức với mục tiêu mang đến cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam những giải pháp xây dựng Nhà máy thông minh ứng dụng công nghệ 4.0 theo hướng chuẩn hóa các quy trình sản xuất, hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin (cơ sở dữ liệu lớn, các giải pháp thiết kế, mô phỏng), tự động hóa hệ thống điều khiển máy móc nhằm mục tiêu tiếp cận cuộc CMCN 4.0.
Phát biểu hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Giám đốc Công ty Hitachi Systems Việt Nam cho biết, trước làn sóng chuyển đổi mạnh mẽ của thế giới trong cuộc CMCN 4.0, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đứng trước cơ hội và thách thức mà cuộc cách mạng này đem lại.
CMCN 4.0 mở ra kỷ nguyên mới cho việc xây dựng các nhà máy thông minh với cấu trúc hạ tầng đa dạng và hệ thống điều khiển linh hoạt, các giải pháp vật lý, sử dụng không gian ảo để xác định rủi ro, giảm thiểu các yếu tố liên quan đến các lỗi kỹ thuật trong giai đoạn thiết kế nhằm tạo ra các sản phẩm công nghiệp với độ chính xác cao nhằm ứng dụng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp đặc biệt phục vụ cho các nhà máy sản xuất các thiết bị mang tính chất đặc thù và yêu cầu độ chính xác cao.
Gia nhập thị trường Việt Nam từ 2015, Hitachi Systems hiện đang hoạt động với nhiều lĩnh vực như giải pháp tự động hóa dựa trên nền tảng Siemens kết hợp với nhiều giải pháp của Hitachi, CNTT, cơ sở dữ liệu lớn, gia công phần mềm và điện toán đám mây. Công ty cũng đang cung cấp nhiều phần mềm, giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số cho các doanh nghiệp sản xuất và chuẩn bị đầy đủ cho việc tiếp cận cuộc CMCN 4.0.
Giải pháp máy in 3D |
Trong khuôn khổ hội thảo, ông Võ Hồng Kỳ, đại diện Siemens Việt Nam, một đối tác của Hitachi Systems cho biết việc nhận thức và đầu tư sớm vào công nghệ sẽ giúp cho các doanh nghiệp nắm được thế chủ động và chuyển đổi số dễ dàng hơn. Tuy nhiên, ông Kỳ cũng cho hay không chỉ đầu tư công nghệ mà còn phải đặc biệt quan tâm đến giáo dục và đào tạo. “Chúng tôi tin rằng giáo dục là yếu tố then chốt cho thành công của việc ứng dụng công nghệ chứ không phải việc mua sắm. Đào tạo kỹ năng nguồn lực vẫn là yếu tố quan trọng nhất”, ông Kỳ cho biết.
Theo chia sẻ của ông Võ Hồng Kỳ, Siemens và Hitachi Systems đang phối hợp đẩy mạnh các hoạt động tài trợ công nghệ phần mềm phục vụ cho các ngành công nghiệp 4.0 để các bạn học sinh sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng có cơ hội trải nghiệm và được đào tạo trên hệ thống phần mềm này.
Cũng tại hội thảo, Hitachi Systems đã giới thiệu hàng loạt giải pháp phần mềm như: Giải pháp chuyển đổi công nghệ sản xuất cho phép các doanh nghiệp nâng cao ý tưởng sản phẩm, quá trình phát triển và sản xuất. Giải pháp này đã và đang được triển khai tại các doanh nghiệp kỹ thuật lớn nhất thế giới trong sản xuất.
Giải pháp sản xuất thông minh, nhanh chóng, tinh gọn với giải pháp mô phỏng kỹ thuật số trên ba cấp độ: mô phỏng nhà máy, mô phỏng robot và tự động hóa, và mô phỏng con người.
Giải pháp liên kết và phát triển sản phẩm giúp các doanh nghiệp quản lý dữ liệu tập trung, thực thi và quản lý các quy trình công việc lặp đi lặp lại, đồng thời quản lý dữ liệu CAD đa dạng nền tảng.
Giải pháp quản lý sản xuất với trí thông minh nhân tạo và tích hợp với các hệ thống PLM và ERP, các doanh nghiệp có thể chuyển đổi các đơn đặt hàng sản xuất và sản xuất ảo thành thực thi sản xuất thực sự.
Giải pháp thiết bị tính toán vùng biên trong các nhà máy thông minh cùng với internet kết nối vạn vật thiết lập một chu kỳ kết nối chặt chẽ khi dữ liệu được ghi nhận, sau đó việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, cùng với các mô hình và ứng dụng mới sẽ giúp chuyển đổi dữ liệu thông minh hơn, mang lại những giá trị cao hơn.