Hôm 10/6 vừa qua, HMD Global đã chính thức cho ra mắt bộ ba smartphone có tên gọi Nokia 3, 5 và 6 tại thị trường Việt Nam. Đây là sự trở lại của một thương hiệu vốn đã rất quen thuộc với nhiều người dùng Việt Nam, nhưng với lần này, những chiếc smartphone Nokia đã mang “linh hồn” khác khi sử dụng hệ điều hành phổ biến Android thay vì Windows Phone như dưới thời Microsoft trước đây.

Đại diện HMD Global nhận định Nokia là thương hiệu được nhiều người dùng tại Việt Nam yêu mến và sự trở lại này mở ra một chương mới - kỷ nguyên của những chiếc smartphone Nokia tại Việt Nam với Android, hệ điều hành phổ biến nhất trên thế giới, giúp người dùng dễ dàng sử dụng.

Các sản phẩm vừa được HMD Global ra mắt có màn hình từ 5 - 5.5inch, giá bán từ 3 - 5,59 triệu đồng và HMD Global chưa hé lộ bất cứ thông tin nào liên quan đến việc sản phẩm nằm ở phân khúc cao cấp hơn.

Đánh giá của giới truyền thông cho thấy, đây được xem là bước đi thận trọng của HMD Global với các sản phẩm ban đầu mang thương hiệu "tượng đài" Nokia chỉ ở phân khúc giá rẻ sau chiếc điện thoại feature phone Nokia 3310 (giá hơn 1 triệu đồng) đã được bán từ cuối tháng 5/2017 và nhanh chóng “cháy hàng” (số lượng cụ thể HMD Global không tiết lộ - PV).

Trao đổi với ICTnews, đại diện HMD Global nhận định Việt Nam là thị trường quan trọng tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và hãng này bày tỏ tham vọng sẽ đưa Nokia trở thành thương hiệu hàng đầu tại Việt Nam với smartphone chạy hệ điều hành Android.

“Nokia 3310 là một phép thử và ngay trong những ngày đầu bán ra đã ghi nhận những phản ứng tích cực từ thị trường, được nhiều người dùng đánh giá 5 sao. Ngoài ra trong quý I/2017, khi Nokia 6 được bán ra đầu tiên tại Trung Quốc, hãng cũng ghi nhận số lượng bán ra khả quan với hơn 70% khách hàng là giới trẻ. Đây là những tín hiệu khả quan và HMD Global sẽ thúc đẩy các giải pháp tiếp theo để gia tăng thị phần”, đại diện HMD Global nói.

Cụ thể hơn, HMD Global lên kế hoạch phát triển bằng việc đẩy mạnh chất lượng sản phẩm, thiết kế cũng như mức giá bán ra thị trường. Hãng tập trung cho dịch vụ sau bán hàng, phát triển hệ thống hậu mãi. Có 3 công cụ để người tiêu dùng kết nối trực tiếp với hãng (để giải quyết tất cả các vướng mắc, câu hỏi liên quan đến sản phẩm) gồm có ứng dụng có sẵn trên điện thoại, website của Nokia hỗ trợ trả lời trực tiếp bằng tiếng Việt. Ngoài ra, Nokia cũng thiết lập hệ thống chăm sóc khách hàng trên toàn quốc.

Trao đổi thêm, phía HMD Global cho hay hiện tại tập đoàn cũng chưa có quyết định rõ ràng về vai trò của nhà máy sản xuất đặt tại Bắc Ninh. Do nhà máy này mới được mua lại từ Microsoft và hãng đang tập trung đầu tư phát triển dây chuyền sản xuất sản phẩm.

Trước đó, tháng 5/2016, Microsoft ký thỏa thuận bán mảng điện thoại phổ thông cho FIH Mobile, một công ty con thuộc tập đoàn Hồng Hải/ Foxconn. Còn HMD Global là một doanh nghiệp mới được thành lập năm 2016, trụ sở chính tại Espoo, Phần Lan, giành được giấy phép độc quyền để sản xuất điện thoại và tablet mang nhãn hiệu Nokia trong 10 năm. Giao dịch cho phép Foxconn và HMD chế tạo cũng như bán điện thoại phổ thông, smartphone và tablet mang thương hiệu Nokia.