- Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội khẳng định do lớp đào tạo 500 công chức sắp thí điểm là để tạo "nguồn" nên chỉ nhận cử nhân chính quy. Thi tuyển công chức bình thường không hạn chế bằng cấp.
Hà Nội 'đóng cửa' với tại chức, dân lập
Trao đổi với báo chí chiều nay (21/1), Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng cho biết UBND TP năm 2013 sẽ mở lớp đào tạo cán bộ nguồn với 500 học viên, năm sau tiếp tục đào tạo số học viên tương tự. Đầu vào là các thí sinh đã tốt nghiệp ĐH chính quy, tập trung, có bằng khá trở lên.
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy HN Hồ Quang Lợi: Hà Nội cần nhiều hơn, dồi dào hơn, tốt hơn nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh: Chung Hoàng |
Ông Sáng khẳng định đây không phải biểu hiện Thủ đô đang đi theo phong trào của một số địa phương gần đây như Đà Nẵng, Nam Định "nói không" với tại chức, dân lập trong tuyển dụng công chức.
"Hà Nội vẫn chủ trương thi tuyển công chức đúng như quy định của Trung ương, năm 2013 đang bắt đầu tổ chức, không hề có chuyện hạn chế các loại bằng cấp", ông Sáng nói.
Còn đề án thí điểm đào tạo 1.000 công chức nguồn giai đoạn 2012-2015 là theo chủ trương chung của TP về nâng cao chất lượng công chức và cải cách hành chính, nên đòi hỏi chất lượng đầu vào cao hơn.
Nguyên nhân sâu xa của việc này là kết quả hạn chế của các biện pháp thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của Hà Nội trong nhiều năm qua.
"Từ năm 2002 Hà Nội đã mở rất rộng cửa, tôn vinh, tuyển thẳng và tạo nhiều điều kiện cho các thủ khoa, nhưng họ ít về các cơ quan nhà nước của TP mà đến những nơi có thu nhập cao hơn, hoặc về một thời gian ngắn rồi lại đi", ông Sáng chỉ ra.
Do đó, đề án lớp đào tạo cán bộ nguồn là để có "nhiều hơn, dồi dào hơn, tốt hơn nguồn nhân lực chất lượng cao để xây dựng Thủ đô" như Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hồ Quang Lợi nhận định.
Ông Trần Huy Sáng cho biết quá trình chiêu sinh sẽ được tiến hành công khai. Được biết, 500 chỉ tiêu đào tạo chia cho 5 chức danh cụ thể gồm văn phòng - thống kê; tư pháp - hộ tịch; địa chính - xây dựng; văn hóa - xã hội; và tài chính - kế toán.
Các học viên trúng tuyển sẽ được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, kỹ năng xử lý tình huống trong 18- 24 tháng, rồi về công tác tại xã, phường trong 5 năm để học thêm kiến thức thực tiễn ở cơ sở.
"Khi đủ thời gian, họ sẽ được đưa lên các cấp cao hơn thay thế cho số công chức về hưu. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, nếu làm tốt và được tín nhiệm, họ có thể được bầu ngay vào các chức danh ở phường, xã", ông Sáng nói.
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cũng khẳng định các lớp đào tạo cán bộ nguồn của TP mở cho cả thí sinh tỉnh ngoài, chỉ cần học giỏi và đúng chuyên ngành.
Chung Hoàng