Hộ chiếu hay passport, là loại giấy tờ để nhận dạng quốc tịch và danh tính cá nhân của người nhập cảnh vào nước khác. Trong nhiều chục năm trở lại đây, hộ chiếu của hầu hết các quốc gia trên thế giới đều ở dạng sổ nhỏ, có nhiều trang để lưu trữ thị thực (visa).
Dù là cuốn sổ nhỏ bé hay đơn giản là tấm thẻ, hộ chiếu song hành với lịch sử phát triển của con người.
Lịch sử hộ chiếu
1. Một trong những loại giấy tờ sơ khai nhất, đóng vai trò tương tự hộ chiếu ngày nay được nhắc tới trong Kinh Thánh Hebrew (khoảng năm 450 TCN).
Trong đó nhắc tới Nehemiah, vị quan dưới trướng vua Ba Tư Artaxerxes I đã xin phép được đến xứ Judea. Vua Artaxerxes I đồng ý và trao cho Nehemiah bức thư "gửi các thống sứ bên kia sông" nhằm giữ mạng cho vị quan ham xê dịch khi ông ta đi qua những vùng đất xa lạ.
2. Hộ chiếu cũng là 1 phần quan trọng trong bộ máy cai trị của Trung Quốc từ thời nhà Tần cho tới Tây Hán trở đi.
Nó là tờ khai tên, tuổi, chiều cao và đặc điểm nhận dạng để kiểm soát hành tung của dân chúng. Đặc biệt, trẻ em trên 2 tuổi cũng cần dạng "hộ chiếu" này.
3. Trong triều đại Hồi giáo Caliphate, có 1 dạng giấy tờ tương tự hộ chiếu gọi là bara'a.
Về cơ bản, nó là tờ khai đóng thuế. Chỉ những ai đã đóng thuế đầy đủ và đem theo bara'a mới được đi qua các vùng lãnh thổ của Caliphate.
4. Vua Henry V của Anh được ghi nhận là người phát minh ra thứ được coi là hộ chiếu đầu tiên theo nghĩa hiện đại - nó là phương tiện để thần dân chứng minh họ là ai ở những vùng đất xa lạ.
Bạn hoàn toàn có thể mua quốc tịch, hộ chiếu của quốc gia khác nếu có đủ... tiền
Nếu cho rằng giới siêu giàu chỉ đổ tiền vào chuyên cơ, biệt thự và đồ hiệu... Thì bạn đã lầm. Thứ mà họ khát khao hướng tới trong nhiều năm trở lại đây, chính là sở hữu tấm hộ chiếu thứ 2.
Nuri Katz, Chủ tịch Apex Capital Partners, công ty tư vấn nhập tịch theo đầu tư (CIP) cho biết: Khác với các chương trình thường trú thì quốc tịch gần như là vĩnh viễn, không thể tước đoạt trừ khi nó bị làm giả hoặc không hợp pháp.
Bên cạnh đó, cấp quốc tịch thông qua hoạt động đầu tư không phải điều quá mới mẻ. Chúng đã diễn ra hàng chục năm qua. Đưới đây là một số quốc gia và vùng lãnh thổ mà hộ chiếu có thể mua được bằng tiền hoặc, rất nhiều tiền:
Thái Lan, từ 350 triệu đồng
Xứ sở chùa Vàng có nhiều "option" cho các công dân nước ngoài:
- Elite Easy Access: Visa cư trú 5 năm, mức phí 15.253 USD.
- Elite Family Excursion: Visa cư trú 5 năm cho 2 người với mức phí 24.405 USD, thêm 9.152 USD cho mỗi thành viên tiếp theo trong gia đình.
- Elite Ultimate Privilege: đây là lựa chọn đắt nhất, trong đó công dân nước ngoài chịu chi phí 65.283 USD cho visa cư trú 20 năm.
Latvia, từ 1,7 tỷ đồng
Để cư trú ở Latvia, chính phủ Latvia yêu cầu:
- Khoản tiết kiệm ít nhất 333.064 USD trong thời gian 5 năm tại một tổ chức tín dụng, hoặc
- Đầu tư vốn cổ phần ít nhất 41.924 USD trong năm đầu tiên và 33.306 USD trong năm tiếp theo.
Bạn cũng có thể trở thành đăng kí cư trú thông qua đầu tư bất động sản hoặc trái phiếu nhà nước lãi suất 0%. Sau 5 năm, bạn cũng có thể thi công dân sau khi trải qua các bài kiểm tra về lịch sử, ngôn ngữ…
Saint Lucia, từ 2,3 tỷ đồng
Saint Lucia là đảo quốc nằm trong Khối Thịnh vượng chung Anh. Có 2 điều khiến nơi này trở nên rất tuyệt vời trong mắt giới siêu giàu:
- Công dân mới không bắt buộc phải đặt chân tới Saint Lucia.
- Thuế áp trên lợi nhuận đầu tư là 0%.
Và để có được ưu đãi trong mơ này, bạn cần:
- Quyên góp ít nhất 77.113 USD cho quỹ kinh tế Saint Lucia (tùy thuộc vào số lượng người phụ thuộc), hoặc;
- Đầu tư ít nhất 300.000 USD vào một dự án phát triển bất động sản được chính phủ chỉ định, hoặc đầu tư 3,5 triệu USD vào dự án kinh doanh được chính phủ chỉ định
Đảo Síp (Cyprus), từ 2,5 triệu USD (gần 58 tỷ đồng)
Theo hãng thông tấn Al Jazeera, đảo Síp (Cyprus), quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu có chương trình cho phép mua hộ chiếu bằng cách đầu tư ít nhất 2,5 triệu USD vào quốc gia này.
Sở dĩ có cái giá trên trời như vậy, vì người sở hữu hộ chiếu Síp có thể đi lại tự do đến 174 quốc gia trên thế giới. Và cố vẻ như, đảo quốc này không yêu cầu quá khắt khe về độ tuổi, trình độ học vấn và đặc biệt là khối tài sản của nhà đầu tư.
Thậm chí, người mua quốc tịch Síp không cần chứng minh chi tiết nguồn gốc tài chính, không phải thanh toán phí chuyển nhượng.
(Theo Phụ Nữ Việt Nam)