Kể từ giải U23 châu Á, công chúng yêu bóng đá ngày càng tự hào với thành tích "kỳ diệu" mà đội tuyển Việt Nam giành được. Ngay cả những người xưa nay không quan tâm nhiều đến môn thể thao này cũng được truyền một "ngọn lửa" tinh thần lớn.

Với họ, cổ vũ đội tuyển quốc gia chẳng khác nào thể hiện sự đoàn kết và niềm tự hào dân tộc.

Thế nhưng, một thực tế đáng suy ngẫm là sau các trận đấu, việc "làm loạn", chửi bới, bình luận quá khích trên trang cá nhân của cầu thủ đội bạn hay của trọng tài sau trận đấu trở thành thói quen được hình thành trong một bộ phận người hâm mộ.

Chỉ cần thấy trọng tài xử lý trận đấu không công bằng, gây bất lợi cho đội nhà hay cầu thủ đối phương phạm lỗi, ngay lập tức dân mạng sẽ tìm kiếm trang cá nhân của họ hay vào các fanpage của đội bóng đó và để lại những ý kiến bức xúc, bình luận không hay.

Không thể phủ nhận rằng mạng xã hội đã có tác động lớn giúp người hâm mộ tiếp cận gần hơn với bóng đá, bày tỏ cảm xúc của mình với cầu thủ. Song việc hùa nhau "làm loạn" trên Facebook, Instagram khiến hình ảnh fan Việt trở nên xấu xí trong mắt những người yêu thể thao chân chính.

Đám đông thích nhảy vào 'nhà người ta' chửi bới

Ngày 14/2, Công Phượng chính thức ra mắt CLB ở Hàn Quốc - Incheon United. Hơn nửa tháng sau, ngày 2/3, CLB này đã nhận hàng loạt chỉ trích, bức xúc của dân mạng Việt vì trong trận mở màn của đội bóng này tại K-League do tiền đạo xứ Nghệ không được ra sân.

Trong gần 1.000 bình luận dưới bài đăng trên fanpage của Incheon United khi trận đấu kết thúc, chủ yếu là của fan Việt, số lượng người Hàn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo đó, họ bày tỏ mong muốn đội bóng cho Công Phượng được thi đấu, trong đó có không ít lời lẽ không hay dành cho đội bóng và huấn luyện viên của CLB xứ sở kim chi.

'Ho ra la lam loan' tren mang, CDV Viet dang ngay cang xau xi hinh anh 1
Dân mạng Việt Nam bày tỏ sự bức xúc khi Công Phượng không được ra sân thi đấu tại đội bóng Hàn Quốc. Ảnh chụp màn hình.

Đến nay, fanpage của đội bóng Hàn Quốc tiếp tục nhận nhiều lần nhận "bão" bình luận từ dân mạng Việt Nam.

Khắp các bài đăng, kể cả thông tin không đề cập gì đến cầu thủ Việt Nam vẫn có đầy rẫy những dòng bình luận tiếng Việt liên tục "kêu gào" đòi cho Công Phượng ra sân.

"Trả lại Công Phượng cho chúng tôi", "Nếu không cho anh ra sân, hãy để anh về nước", "Định lừa 90 triệu dân Việt Nam à?"... là một vài trong những bình luận hô hào.

Trận tiếp theo, bên cạnh thông báo bằng tiếng Hàn, Incheon United đã để kèm theo dòng chữ tiếng Việt: "Vòng 2 chúng ta sẽ gặp đội Gyeongnam FC ngay tại sân nhà. Chúng ta phải giành một chiến thắng trong trận đấu đầu tiên này. Công Phượng sẽ không có mặt trong danh sách đá chính ngày hôm nay".

Phải chăng họ không muốn cổ động viên Việt Nam chờ cầu thủ của mình ra sân rồi cảm thấy "bị lừa" như lần trước?

Sự phẫn nộ, bất bình của người hâm mộ Công Phượng từng được phóng viên Jing-dao lý giải trên tờ Sports Seoul.

"Khi dịch sang tiếng Hàn, tôi thấy các bình luận chủ yếu bày tỏ sự không hài lòng về việc Công Phượng được sử dụng. 'Hãy để Công Phượng ra sân' là nội dung chính. Đa phần là bình luận tiêu cực nhưng cũng có những bình luận mang tính tích cực hơn", Jing-dao viết.

Nam phóng viên bày tỏ lòng cảm thông trước sự gay gắt của cổ động viên Việt Nam nhắm vào HLV Jorn Andersen và Incheon United. Anh cho biết những việc như vậy cũng thường xuyên xảy ra ở Hàn Quốc, khi người hâm mộ nước này ủng hộ các cầu thủ Hàn đang thi đấu ở châu Âu.

Bên cạnh những lời lẽ tiêu cực, khiếm nhã, không ít cổ động viên khác cảm thấy "muối mặt" khi đọc những bình luận không hay, khuyên mọi người nên bình tĩnh và tôn trọng quyết định của những người cầm còi trận đấu.

Candy Nguyen bày tỏ: "Công Phượng đã rất nỗ lực để hòa nhập với đội bóng, hãy gửi đến cậu ấy những lời động viên cổ vũ thay vì chỉ trích CLB mà cậu ấy đã chọn! Đừng làm xấu đi hình ảnh người hâm mộ Việt Nam trong mắt cổ động viên Hàn Quốc, đừng làm mất đi thiện cảm của cổ động viên Hàn dành cho Phượng".

Không ít dân mạng Hàn Quốc cũng tỏ ra mệt mỏi trước nhiều lời chỉ trích bằng tiếng Việt.

"Người hâm mộ Việt Nam đừng làm tôi thất vọng nữa. Đây mới chỉ là trận đầu tiên thôi mà. Son Heung-min của chúng tôi khi mới ra nước ngoài thi đấu cũng đâu được ra sân ngay. Các bạn cần phải biết chờ đợi", một tài khoản Hàn Quốc bình luận.

Mới đây, sau trận cuối bảng K vòng loại U23 châu Á ngày 26/3, trang cá nhân cầu thủ số 9 Supachai cũng bị dân mạng Việt "làm loạn" vì tiền đạo Thái Lan đã có pha phạm lỗi với hậu vệ Đình Trọng.

Nam cầu thủ xứ chùa vàng phải nhận thẻ đỏ từ trọng tài ngay lúc đó. Song nhiều cư dân mạng vẫn cảm thấy bất bình.

Họ vào trang cá nhân thả "phẫn nộ" và để lại lời lẽ chửi bới bằng tiếng Việt dưới các bài đăng công khai của anh. Trên tài khoản Instagram của Supachai, tình trạng tương tự cũng xảy ra.

'Ho ra la lam loan' tren mang, CDV Viet dang ngay cang xau xi hinh anh 2
Tiền đạo Thái Lan phạm lỗi với Đình Trọng bị dân mạng Việt Nam vào trang cá nhân "làm loạn". Ảnh: Việt Hùng.

Nhiều bình luận của fan Việt còn xuất hiện trên các page đăng tải kết quả trận đấu này như Thailand Football, Fox Sports Asia...

Nổi bật lên giữa hàng trăm bình luận trên trang Thailand Football là dòng thắc mắc của một dân mạng người Thái: "Làm cách nào mà có nhiều bình luận của người Việt Nam trên một trang bóng đá Thái Lan thế này?".

Đó có lẽ cũng là câu hỏi chung của những cầu thủ, trọng tài người nước ngoài, sau khi kết thúc trận đấu, mở trang cá nhân của mình lên và thấy ngập tràn những dòng bình luận bằng tiếng Việt.

Chuyện cổ động viên Việt Nam tìm Facebook các trọng tài, cầu thủ, fanpage đội bóng nước ngoài, cho mình quyền "đòi lại công bằng" cho cầu thủ đội nhà nhanh chóng trở thành "thói quen" mà dường như sau trận đấu nào cũng có.

Thậm chí, người ta còn lập các tài khoản giả mạo để lừa dân mạng vào "tương tác".

Còn nhớ năm ngoái, trọng tài Christopher Beath - người điều khiển trận đấu giữa U23 Việt Nam và U23 Iraq ngày 20/1/2018 - đã phải khóa tài khoản Facebook sau trận đấu vì cổ động viên Việt Nam tìm vào chửi bới quá nhiều.

Trong trận đấu này, "vị vua áo đen" đã thổi quả penalty trong một tình huống được cho là không thật sự rõ ràng, khiến U23 Iraq có bàn gỡ hòa 1-1. Quyết định của ông Beath gây nhiều tranh cãi trên mạng. Ông nhận nhiều chỉ trích trên mạng vì bị cho rằng quyết định thổi phạt đền không đúng.

Phần lớn những lời bình kèm theo đó dành cho trọng tài người Australia có nội dung không tốt đẹp, thậm chí chửi rủa, xúc phạm cá nhân.

'Ho ra la lam loan' tren mang, CDV Viet dang ngay cang xau xi hinh anh 3
'Ho ra la lam loan' tren mang, CDV Viet dang ngay cang xau xi hinh anh 4
Việc cổ động viên Việt Nam tìm kiếm trang cá nhân trọng tài, cầu thủ đối phương để bình luận tiêu cực thường xuyên diễn ra. Ảnh chụp màn hình.

Bóng đá vốn là môn thể thao đặc biệt - môn thi đấu tập thể thu hút sự quan tâm của hàng triệu người - nên sẽ luôn "đem lại nhiều cung bậc cảm xúc, khó tránh khỏi sự cực đoan, thái quá", TS Đỗ Anh Đức - Trưởng Bộ môn Truyền thông đa phương tiện, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, ĐH KHXH&NV - nói với Zing.vn.

Không chỉ ở Việt Nam mà cả nước ngoài, các nền bóng đá phát triển, không hiếm gặp những trường hợp cổ động viên la lối, chửi rủa cầu thủ, trọng tài đối phương, và kể cả đội nhà, nếu trận đấu diễn ra không như mong đợi của họ.

Một ví dụ là mới đây, cầu thủ Marcos Alonso đã buộc phải khóa tính năng bình luận Instagram khi liên tục bị người hâm mộ quá khích dùng lời lẽ chửi bới, nhất là sau trận thua 6-0 trước Manchester City ngày 24/2.

Từ ngày 16/1 đến nay, đã có 8 bài đăng được hậu vệ trái Chelsea tắt tính năng bình luận. 

Ở Việt Nam nói riêng và trong làng thể thao thế giới nói chung, các hành vi phá hoại, ảnh hưởng đến thể thao fair-play như đốt pháo sáng, ném đồ vào cầu thủ, ném đá xe bus chở đội bóng... đều đáng bị xử phạt bằng các chế tài. Nhưng đối với những hành vi quấy rối trên mạng xã hội rất khó kiểm soát và vẫn chưa có hình thức xử lý nào cụ thể và hiệu quả.

Vì đâu người hâm mộ có tâm lý bất bình, 'làm loạn'?

Sau những trận thua của đội nhà, dù kết quả có thuyết phục hay không, luôn có một bộ phận người hâm mộ Việt tìm kiếm lý do để "đổ lỗi", hơn là nhìn nhận thế trận một cách khách quan. Dường như sự thất vọng của họ cần nơi nào đó để "trút" vào.

Bằng chứng là nhiều lần tuyển Việt Nam thua, dân mạng đã không ngần ngại "chĩa mũi dùi" công kích về phía cầu thủ đội nhà.

Kể cả những người được coi là "người hùng", "thủ môn quốc dân" như Nguyễn Quang Hải, Bùi Tiến Dũng hay Đặng Văn Lâm cũng từng trở thành "nạn nhân" chịu sự chỉ trích từ dân mạng.

"Quang Hải đừng bao giờ sút 11 m nữa", "Quả đá 11 m ấy làm mình quá thất vọng", "Có thế mà cũng không bắt được bóng nữa", "Đừng cho Chinh 'chân gỗ' vào sân trận sau"... là loạt bình luận của những người được coi là "fan phong trào".

Có khá nhiều người bình luận, phán xét như thể mình là huấn luyện viên đội bóng, nhưng không hề đưa ra được lập luận hợp lý mà lại chăm chăm công kích cá nhân và đổ lỗi cho cầu thủ.

'Ho ra la lam loan' tren mang, CDV Viet dang ngay cang xau xi hinh anh 5
Nhiều dân mạng chửi bới cầu thủ vì hùa theo đám đông. Ảnh chụp màn hình.

Nguyễn Phương Phương - quản trị viên diễn đàn mạng - cho rằng: "Việc đông đảo dân mạng cùng nhau 'làm loạn' là tâm lý đám đông không chỉ trong bóng đá mà trong tất cả sự kiện khác diễn ra hàng ngày trên mạng xã hội. Tức là sao? Là nhiều lúc họ chẳng cần biết cụ thể sự việc ra sao, cứ thấy người ta chửi là mình chửi theo, hùa vào bất chấp hậu quả".

Cụ thể ở đây trong bóng đá, dân mạng hay có thói quan thấy bạn bè của mình chia sẻ link Facebook của một đối tượng nào đó lỡ gây ra bất công cho đội nhà trong trận cầu vừa qua. Thấy hay đó, vui đó, vậy là vào góp vui mấy câu, mặc dù thậm chí không hề xem trận đấu diễn biến ra sao.

Nhưng khách quan mà nói, chúng ta cũng không thể khẳng định việc CĐV "ném đá" trên mạng đều là hùa theo đám đông. Bởi bản thân ai cũng xem mình là fan trung thành, cuồng nhiệt và "máu lửa", không ai nhận mình là a-dua bao giờ.

"Các cá nhân có xu hướng tìm đến những quan điểm giống mình và tập hợp thành đám đông, để củng cố cho sự tự tin và thỏa mãn về 'sức mạnh' mà họ đang sở hữu, và 'yên tâm chặt' là hành vi và phát ngôn của mình không phải chịu trách nhiệm gì cả", TS Đỗ Anh Đức phân tích.

Có nhiều trường hợp phơi bày sự hiếu thắng, hiếu chiến bất chấp lý lẽ của một số đám đông người hâm mộ - đây là điều đáng lên án. Nhưng cũng có trường hợp tiết lộ cái ẩn ức của họ về sự "không-có-công-bằng-tuyệt-đối" trong thể thao nói chung, và bóng đá nói riêng.

Và rằng, có một niềm tin đầy "tự ti" bấy lâu về việc đội nhà Việt Nam của chúng ta thường xuyên bị "xử ép" trong nhiều trận cầu quốc tế.

Ngoài ra, cũng phải đề cập đến cái mâu thuẫn khó tránh khỏi, thậm chí là hai cực đối kháng, giữa một bên là tình yêu thể thao của đa số người hâm mộ về cơ bản là vô tư, trong sáng và rất cảm tính, với một bên là những toan tính, chiến lược luôn phải thực dụng, duy lý và vị lợi ích.

Khi người ta nghi ngờ hoặc "linh cảm" về sự thiếu trong sáng nào đó, chẳng hạn như cố tính giữ chân cầu thủ yêu thích của họ quá lâu không cho ra sân, thì họ có thể phản ứng, bức xúc.

Bên cạnh đó, anh Đức cho rằng cái cần quan tâm ở đây là cơ chế nào khiến những bức xúc, nổi loạn, lăng mạ dễ dàng được thổi bùng lên và liệu có một căn tính văn hóa nào chi phối điều này, dẫn đến mức độ "làm loạn" ở các nhóm xã hội khác nhau thì khác nhau hay không.

Theo Nguyễn Phương, cổ động viên "gây rối" trên mạng xã hội là thực trạng khá đáng buồn, nếu không muốn nói là lệch lạc về mặt nhận thức và cư xử của một bộ phận không nhỏ dân mạng Việt Nam.

Đặc biệt trong thời đại 4.0 này, các kênh digital (kỹ thuật số) như Facebook, Twitter... ngày càng phát triển mạnh, nó trở thành con dao hai lưỡi. Chúng ta có thể nhờ nó để quảng bá hình ảnh đất nước thì cũng có thể vì nó mà làm bộ mặt của nước nhà tệ đi rất nhiều.

Cổ động viên quấy rối cầu thủ, đội bóng, dùng lời lẽ lăng mạ trên mạng xã hội rất khó kiểm soát, trở thành "vấn nạn" đau đầu của nhiều quốc gia trên thế giới.

Tháng 10/2018, tiền vệ đội tuyển nữ quốc gia Anh - Karen Carney (31 tuổi), người ghi bàn thắng duy nhất giúp Chelsea giành chiến thắng trước Fiorentina trong khuôn khổ Champions League - đã nhận được loạt tin nhắn dọa từ fan. 

Nội dung tin nhắn đe dọa cô sẽ bị giết và hiếp dâm vì đã để lỡ một số pha ghi bàn cho đội nhà trong hiệp 2.

Sự việc nghiêm trọng đến mức Liên đoàn bóng đá Anh (FA) đã phải yêu cầu cảnh sát và các công ty công nghệ vào cuộc, tìm ra thủ phạm giải quyết. 

Vẫn biết rằng cảm xúc, hành vi quá khích của người hâm mộ thể thao là không tránh khỏi. Nhưng chúng ta không cổ súy cho những hành vi không đẹp, cả trong thực tế hay trên mạng xã hội. Hãy là người hâm mộ bóng đá có hiểu biết và bày tỏ tình yêu ấy một cách văn minh.