Sau khi có thông tin 189 cá nhân, tổ chức Việt Nam được hé lộ trong hồ sơ Panama, nhiều người rất bất ngờ, thậm chí không biết việc mình bị “bêu tên”. Đặc biệt, rất nhiều địa chỉ trong hồ sơ này tại TPHCM không có thật hoặc không hề tồn tại.

Bất ngờ vì bỗng nhiên nổi tiếng

Ngày 11/5, liên hệ nhiều địa chỉ tại TPHCM có tên trong danh sách “Hồ sơ Panama” công bố để tìm hiểu thông tin, chúng tôi phát hiện địa chỉ và tên doanh nghiệp không tồn tại. Tại địa chỉ 68C Nguyễn Văn Trỗi, Q.Phú Nhuận, TPHCM, ghi nhận đây là một cửa hàng chăn ga, gối nệm thuê lại của một người khác.

Còn tại số nhà 253 cũng trên đường này là một nhà hàng. Tìm đến địa chỉ 357A/21 Nguyễn Trọng Tuyển, Q.Tân Bình thì đây là một khu dân cư, một bảo vệ cho biết: “Ở khu này có rất nhiều số nhà 21 gồm có cá nhân và công ty, có cả người Việt lẫn người nước ngoài sinh sống nên phải biết rõ mới tìm được”.

Ở số nhà 343/64 Nguyễn Trọng Tuyển, Q.Tân Bình có tên trong Hồ sơ Panama là nơi đóng đô của công ty Trang trí nội thất Sen. Trao đổi với phóng viên, Đại diện Ban giám đốc công ty này tỏ ra bất ngờ và không hiểu vì sao địa chỉ công ty lại có tên trong danh sách Hồ sơ Panama.

{keywords}

Biếm họa: Núi lửa hồ sơ Panama. Tranh: Hasan Bleibel (Li-băng).

“Công ty chúng tôi mới thành lập được 8 năm, số lượng nhân viên chỉ vài chục người, chuyên nhận thiết kế, sửa chữa những công trình có quy mô nhỏ nên làm gì có nhiều tiền nên khá bất ngờ khi có tên trong hồ sơ đó. Có thể có một sự trùng hợp nào đó về địa chỉ?”, người này nói.

Trên tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa có tới ba địa chỉ có tên trong “Hồ sơ Panama” nhưng chẳng nơi nào biết gì việc mình có tên trong hồ sơ này. Cụ thể, địa chỉ số 305/5A, Q.3 thì đây là ngôi nhà 4 tầng đóng cửa kín mít; số nhà 350/54 Q.3 không tồn tại. Ở địa chỉ số 134 thuộc Q.1 là một nhà hàng.

Khi chúng tôi liên hệ, được quản lý ở đây chỉ đến công ty mẹ nằm trên đường Lê Thánh Tôn, Q.1. Đại diện của công ty này cho biết: “Công ty cũng bất ngờ khi có tên trong danh sách Hồ sơ Panama bởi số nhà 134 Nam Kỳ Khởi Nghĩa là do công ty thuê của một người khác chứ vài năm trở lại đây và khẳng định không liên quan gì đến Hồ sơ Panama”.

Đại diện Phòng marketing khách sạn Sheraton ở 88 Đồng Khởi, Q.1, địa chỉ cũng có tên trong hồ sơ, cho biết: “Sheraton có nhiều công ty thuê văn phòng, tất cả đều lấy địa chỉ này nên không biết hồ sơ Panama muốn nói đến công ty thuê lại hay chính Sheraton. Chúng tôi cần thông tin cụ thể thì mới có thể trả lời báo chí được. Chúng tôi cũng không biết địa chỉ của khách sạn là có tên trong hồ sơ này”.

Không nên vội vàng phán xét

Theo TS Doãn Hữu Tuệ - Chuyên gia Kinh tế cao cấp, không nên vội vàng kết luận hay phán xét bất kỳ điều gì chỉ vì các cá nhân, tổ chức có tên trong danh sách của Panama.

“Đây chỉ đơn thuần là một danh sách những tổ chức, cá nhân hoặc cổ đông của những công ty có sử dụng dịch vụ của Mossack Fonseca để thành lập doanh nghiệp (DN) ở nước ngoài chứ không hẳn đây là “danh sách trốn thuế” hay “danh sách rửa tiền”- ông nói.

“Về việc DN có tên trong hồ sơ Panama có bị ảnh hưởng tên tuổi, thương hiệu hay không thì chủ yếu tùy thuộc vào khả năng xử lý thông tin của từng DN. Nếu DN chủ động công khai, minh bạch thông tin một cách kịp thời để dư luận hiểu rõ thì sẽ không có vấn đề gì”

TS Tuệ nói

Tài liệu Panama mới chỉ đưa ra một danh sách, chứ không có bất kỳ tài liệu đi kèm nào về các hoạt động của các cá nhân hay tổ chức này. Theo ông Tuệ, chính Tổ chức ICIJ, đơn vị cung cấp tài liệu Panama cũng khẳng định rằng, không phải cứ có tên trong danh sách này thì đều có các hành vi vi phạm pháp luật. Bởi, việc thành lập các công ty và quỹ tín thác là hoàn toàn hợp pháp và là điều bình thường trên thế giới.

TS Tuệ cho biết, các công ty offshore (các công ty hoạt động ở một nước nhưng được đăng ký thành lập ở nước ngoài, thường là tại các thiên đường thuế trên thế giới) là hiện tượng phổ biến với hoạt động kinh doanh thương mại và được coi là bình thường và đã tồn tại hàng chục năm nay trên toàn cầu. Chuyện đó không sai và phù hợp với luật pháp quốc tế. Không ai cấm một cá nhân, tổ chức thành lập công ty ở nước ngoài nếu họ làm đúng các quy định.

“Tại Việt Nam các DN được quyền đầu tư ra nước ngoài nhưng phải xin phép (theo Nghị định 83/2015/NĐ-CP) cả Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước. Một số dự án còn phải xin phép cả Thủ tướng Chính phủ. Nếu chưa được chấp thuận thì không thể chuyển tiền hợp pháp để đầu tư ra nước ngoài”-ông Tuệ cho hay.

Như vậy, vấn đề mấu chốt để biết DN có minh bạch hay không thì cần làm rõ: các DN ở Việt Nam khi đầu tư mua sở hữu các công ty đăng ký ở các thiên đường thuế này thì có đăng ký khai báo, có làm thủ tục xin đầu tư ra nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Việt Nam hay không.

Để xác định là các tổ chức, cá nhân có tên trong danh sách này có vi phạm pháp luật hay không thì các cơ quan có thẩm quyền cần phải thu thập thông tin, tài liệu, hồ sơ để đánh giá, phân tích xem có dấu hiệu trốn thuế hay không. Theo ông Tuệ cơ quan thuế cần phải làm rõ các giao dịch giữa các cá nhân, tổ chức có tên trong danh sách với các đối tác ở các nước “thiên đường thuế” để đối chiếu với pháp luật Việt Nam xem có hành vi trốn thuế, rửa tiền.

Theo các chuyên gia, vấn đề được nhiều người quan tâm tại hồ sơ này nằm ở chỗ có sự chuyển giá. Tức là thay vì để DN mình có lãi ở Việt Nam thì họ thông qua các hợp đồng cung ứng hàng hóa và dịch vụ (giá cả được đội cao lên) ký với các pháp nhân ở thiên đường thuế, họ sẽ làm cho DN của họ ở Việt Nam không có lãi hoặc lãi ít. Lợi nhuận thật được chuyển ra các công ty đăng ký ở thiên đường thuế, nơi mà họ không phải trả thuế thu nhập DN. Đây cũng là hoạt động phổ biến của các DN trên thế giới.

(Theo Tiền phong)