Xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang nằm trong một thung lũng nhỏ với bốn bề là đá. Xã Lùng Tám nằm dưới chân những dãy núi, bên dòng sông Miện.

Đến với làng dệt thủ công Lùng Tám, du khách sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh tất bật trong cuộc sống hằng ngày của người dân bản địa nơi. Người phụ nữ Mông khéo léo ngồi trước khung cửi, cần mẫn làm nên những tấm vải đẹp, những sản phẩm thổ cẩm độc đáo. Với người phụ nữ Mông, làm ra được một tấm vải lanh tốt chính là một niềm tự hào.

Nguyên liệu chính để dệt vải ở Lùng Tám là sợi lanh. Hầu hết những người phụ nữ Mông đến tuổi trưởng thành đều có những mảnh nương riêng để trồng lanh. Cây lanh sau khi thu hoạch được lựa chọn kỹ, đem đi ngâm và tuốt ra thành từng sợi nhỏ. Tiếp theo, sợi lanh sẽ được cuộn lại vào các khung quay. Để sợi lanh mềm, phụ nữ Mông thường đem đi luộc hoặc hấp. Người dân Lùng Tám tạo màu cho sợi lanh bằng màu nhuộm có nguồn gốc từ tự nhiên như lá cây rừng, các loại gỗ và đảm bảo không dùng hóa chất công nghiệp.

W-detlanh.png

Việc se sợi được làm mọi lúc mọi nơi trong thời gian nhàn rỗi nên phụ nữ người Mông luôn mang theo sợi lanh bên mình. Ngày trước, vải làm ra chỉ để phục vụ nhu cầu trong gia đình. Vì quá trình làm ra sản phẩm hoàn toàn thủ công nên rất vất vả, năng suất không cao. Hơn nữa, do thiếu sự quan tâm biến sản phẩm thành hàng hóa khiến "cánh cửa" để vải lanh, trang phục truyền thống của đồng bào Mông xã Lùng Tám ra với thị trường rất hẹp. 

HTX dệt Lanh Lùng Tám được thành lập từ năm 2001 do bà Vàng Thị Mai làm Chủ nhiệm và nay là Giám đốc theo quy định của Luật Hợp tác xã 2012. Bà Mai cho biết: Trồng lanh, dệt vải không chỉ là nghề mà còn là nét văn hóa của người dân nơi đây. Ngay từ khi còn nhỏ phụ nữ Mông đã được bà, được mẹ hướng dẫn xe sợi, dệt vải. Đời sau nối tiếp đời trước, dệt lanh trở thành một phần cuộc sống của bà con.

Khi nhận thấy nghề truyền thống có dấu hiệu bị mai một, được sự hỗ trợ của các tổ chức phi Chính phủ bà Mai đã mạnh dạn nhận vai trò trưởng nhóm và vận động bà con trong làng tham gia nhóm sản xuất từ khi mới sơ khai. Lúc đầu, bà chỉ nghĩ làm sao để nghề dệt vải lanh tồn tại, nhưng qua quá trình làm và kiên trì học hỏi, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, cải tiến mẫu mã, hợp tác xã đã phát triển được nhiều mặt hàng mà thị trường trong nước và quốc tế có nhu cầu, qua đó vừa tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho bà con, vừa góp phần gìn giữ được nghề truyền thống của cha ông.

Đến nay, Hợp tác xã dệt Lanh Lùng Tám có 9 tổ sản xuất, với 130 xã viên, trong đó nhiều xã viên là nghệ nhân có tuổi đời từ 80 đến trên 100 tuổi. Các xã viên tại đây đa phần là người địa phương và 100% là dân tộc Mông.

Ngoài những sản phẩm váy áo truyền thống, người phụ nữ Mông còn năng động tạo ra nhiều mẫu sản phẩm mới phục vụ khách du lịch như: Khăn quàng cổ, ví, túi xách, vỏ gối, khăn trải bàn, tấm nệm,... từ lanh với nhiều màu sắc và các hoạ tiết hoa văn tinh tế. Kết quả những năm trở lại đây, sản phẩm lanh của HTX đã có thương hiệu được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng, tiêu dùng. Tiêu biểu như đã có mặt tại các thị trường lớn và khó tỉnh như: Pháp, Mỹ, Nga , Canada , Thụy Sỹ, Nhật Bản v.vv..

Để hỗ trợ bà con Lùng Tám, chính quyền huyện Quản Bạ và tỉnh Hà Giang đã đưa Lùng Tám vào tuyến du lịch. Hàng ngày, hợp tác xã thu hút nhiều đoàn khách du lịch đến thăm quan mua sắm, học hỏi truyền thống văn hoá của nhóm. Từ đó hỗ trợ tốt cho bà con tiêu thụ sản phẩm và tăng thêm thu nhập ngay tại cộng đồng.

Ngô Huyền và nhóm PV