Cấp tín dụng kịp thời, không làm lỡ cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, Cà Mau lại là khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh diễn biến phức tạp, tình trạng cháy rừng, sụt lún, sạt lở vẫn còn xảy ra gây ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động sản xuất của người dân.
Từ đầu năm đến nay, sản lượng chế biến tôm giảm so cùng kỳ kéo theo chỉ số sản xuất công nghiệp giảm; các doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, thận trọng trong các phương án đầu tư…
Do tính thời vụ của ngành nghề, dư nợ những tháng đầu năm thường tăng chậm, ước đến 31/5/2024, dư nợ trên địa bàn toàn tỉnh đạt 70.201 tỷ đồng, tăng 843 tỷ đồng (tương đương 1,22%) so với đầu năm; lãi suất cho vay mới ngắn hạn khoảng 6,9%/năm (bình quân giảm 1,94%/năm so với đầu năm); lãi suất cho vay mới trung, dài hạn khoảng 9,7%/năm (giảm 1,21%/năm so với đầu năm). Tín dụng đối với các ngành nghề, lĩnh vực chủ lực, thế mạnh của tỉnh tiếp tục được các chi nhánh ngân hàng tập trung đầu tư; các chương trình, giải pháp, chính sách tín dụng được toàn Ngành trên địa bàn triển khai quyết liệt, các chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp được NHNN Chi nhánh tỉnh và các chi nhánh ngân hàng tích cực triển khai bằng hình thức phù hợp, mang lại hiệu quả thiết thực.
Đánh giá cao sự nỗ lực của ngành Ngân hàng tỉnh Cà Mau, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng, Ban Lãnh đạo NHNN Chi nhánh tỉnh và các TCTD, chi nhánh trên địa bàn đã nắm chắc tình hình, nhận định được những khó khăn, chỉ ra nguyên nhân, đồng thời đã triển khai các giải pháp cụ thể hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Phó Thống đốc yêu cầu các TCTD, chi nhánh TCTD nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm, nêu cao tinh thần hỗ trợ, giúp khách hàng vượt qua khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế địa phương; Đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các giải pháp, chương trình, chính sách tín dụng. Lãnh đạo NHNN lưu ý, các TCTD mạnh dạn cấp tín dụng kịp thời, đầy đủ cho các dự án, phương án khả thi, không làm lỡ cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.
Mặt khác, tiến hành rà soát danh sách khách hàng hiện hữu, qua đó phân loại, đánh giá từng nhóm khách hàng để có các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ phù hợp; Kịp thời báo cáo UBND tỉnh, NHNN Chi nhánh tỉnh những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền. Bên cạnh đó, tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng; Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo không hạ chuẩn tín dụng, đảm bảo chất lượng tín dụng.
Phó Thống đốc đề nghị, NHNN chi nhánh tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các TCTD trên địa bàn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, đảm bảo hoạt động của các TCTD lành mạnh; Tích cực tham gia và triển khai có hiệu quả, thiết thực các Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp; Đẩy mạnh công tác truyền thông trên địa bàn, bám sát các cơ quan ngôn luận của tỉnh chủ động xử lý các kiến nghị, phát sinh đối với hoạt động ngân hàng.
Tiếp tục tổ chức các Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp theo từng phân khúc
Báo cáo với đoàn công tác về hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, ông Ngô Hồng Phước, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Kiên Giang cho biết, bám sát các trụ cột mục tiêu, kết quả hoạt động ngân hàng trên địa bàn luôn đáp ứng yêu cầu của địa phương, được lãnh đạo tỉnh ghi nhận và đánh giá cao, góp phần quan trọng vào sự phát triển KT-XH của tỉnh.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, ngành Ngân hàng Kiên Giang đã nỗ lực triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng qua tăng cường chỉ đạo, giám sát theo phương châm không để tổ chức, cá nhân có phương án, dự án khả thi, đủ điều kiện vay vốn không tiếp cận được vốn vay; phối hợp các ngành để tập trung khơi thông các kênh tiềm năng như kinh tế nông nghiệp, nông thôn, sản phẩm OCOP…; tăng cường truyền thông lãi suất, các chương trình tín dụng ưu đãi, sản phẩm tín dụng ưu đãi và đẩy mạnh thực hiện Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp thường xuyên, xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành.
Nhờ vậy, tín dụng trên địa bàn tăng 1,3% so cuối năm 2023, đạt 117.312 tỷ đồng, đảm bảo cung ứng kịp thời, thông suốt, tập trung vốn phục vụ sản xuất kinh doanh tại địa bàn (chiếm trên 78% tổng dư nợ, tăng 2,86% so cuối năm 2023), các lĩnh vực ưu tiên, các cơ chế, chính sách tín dụng, các động lực tăng trưởng của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá (tín dụng nông nghiệp nông thôn tăng 1,1%; xuất khẩu tăng 2,97%; tín dụng chính sách xã hội tăng 3,56% ).
Các TCTD trên địa bàn tích cực triển khai các chương trình tín dụng trọng điểm theo ngành, lĩnh vực và đạt được một số kết quả nhất định; các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng như cơ cấu lại lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, tiếp tục giảm lãi suất cho vay (mức giảm khoảng 0,5%/năm so cuối năm 2023).
Đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu trên địa bàn tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác thanh tra, giám sát tiếp tục được tăng cường nhằm phòng chống ngăn ngừa vi phạm pháp luật, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng trên địa bàn. Thông qua đó, nổi lên một vấn đề đáng lưu ý và kịp thời đưa ra khuyến cáo, cảnh báo đối với các TCTD trên địa bàn.
Các dịch vụ thanh toán được chú trọng phát triển, tiến trình thực hiện Đề án thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số trong ngành ngân hàng trên địa bàn gắn với xây dựng xã hội số tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt; công tác quản lý nhà nước về chấp hành hoạt động ngoại hối, kinh doanh vàng theo hướng tăng cường kiểm tra giám sát, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và thị trường vàng trên địa bàn; tăng cường hiệu quả truyền thông và phối hợp; công tác cải cách hành chính được triển khai thực hiện tốt, giúp tổ chức tín dụng, doanh nghiệp thuận lợi trong hoạt động, tiết kiệm thời gian, chi phí.
Về nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới, Phó Thống đốc yêu cầu các TCTD trên địa bàn cần nhận thức trách nhiệm của bản thân từng TCTD, trách nhiệm đối với doanh nghiệp (bao gồm doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hộ nông dân, cá nhân…) và trách nhiệm đối với xã hội (trách nhiệm cộng đồng).
Đồng thời, thấm nhuần quan điểm hành động của Thủ tướng “Biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”, mạnh dạn hành động tập trung tín dụng, tăng cường tín dụng cho vay nhưng không hạ chuẩn tín dụng, hỗ trợ cho doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo an toàn. Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của NHNN trong việc phân loại, đánh giá khách hàng để có hành xử đúng và kịp thời có đề xuất với chính quyền địa phương, NHNN và Hội sở chính.
Tiếp tục giảm lãi suất và các loại phí công khai, minh bạch bằng cách tiết kiệm chi phí, chủ động tích cực, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Tiếp tục tổ chức các Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp theo từng phân khúc cụ thể.
Nhóm PV