Mới đây, ông Đào Đông Hà - ở P.14, Q.10, TP.HCM - đã gửi đơn tố cáo đến nhiều cơ quan, phản ánh việc bị cán bộ tín dụng của một ngân hàng lớn chiếm đoạt tiền vay. 

Vay tiền mua nhà, phải ký “hợp đồng thấu chi”

Cụ thể, đầu tháng 5/2018, ông Hà đến phòng giao dịch của ngân hàng trên tại Q.11 để làm thủ tục vay vốn mua nhà dự án bằng hình thức thế chấp tài sản. Giám đốc phòng giao dịch này cử nhân viên tín dụng tên Đ.M.H. gặp ông Hà để hướng dẫn lập hồ sơ vay số tiền 4,7 tỷ đồng.

Qua nhiều lần làm việc, nhân viên H. đưa ông Hà ký ba hợp đồng gồm: hợp đồng thế chấp tài sản nhà ông Hà đang ở, hợp đồng tín dụng vay mua nhà trả góp 20 năm với số tiền 3,7 tỷ đồng và hợp đồng cấp hạn mức thấu chi 1 tỷ đồng. “Tôi không có yêu cầu hợp đồng thấu chi và cũng không hiểu tài khoản thấu chi là gì” - ông Hà nói. 

Ngày 6/6/2018, ông H. gọi điện thoại kêu ông Hà đến phòng giao dịch để nhận hợp đồng thế chấp bất động sản, đồng thời hướng dẫn ông Hà đến phòng giao dịch của ngân hàng, chi nhánh Bình Trị Đông làm thủ tục chuyển 1 tỷ đồng từ tài khoản vay thấu chi của ông Hà vào tài khoản của Nguyễn Thành Long tại tỉnh Sóc Trăng.

Thấy lạ, ông Hà thắc mắc thì ông H. giải thích là để làm thủ tục đáo hạn giải chấp. Nhưng sau đó, ông H. đổi ý, đề nghị ông Hà chuyển tiền vào tài khoản của ông H. Do bận việc, ông Hà hẹn ngày hôm sau sẽ làm thủ tục và đề nghị ông H. phải ghi giấy biên nhận tiền. 

Ngày 7/6/2018, ông Hà đến phòng giao dịch chi nhánh Bình Trị Đông làm thủ tục chuyển 1 tỷ đồng. Tại đây, cô nhân viên làm thủ tục chuyển tiền cho biết, tài khoản thấu chi của ông Hà chưa có tiền, bảo ông Hà ngồi chờ để liên hệ với phòng giao dịch Q.11.

Khoảng 15 phút sau, cô nhân viên này thông báo đã chuyển, yêu cầu ông Hà đóng phí 330.000 đồng. Hai ngày sau, ông H. gọi ông Hà đến phòng giao dịch để đưa hợp đồng tín dụng số 01/2018/11114595/HĐTD (không ghi ngày) và hợp đồng cấp hạn mức thấu chi số 02/2018/11114595/HĐTD (không ghi ngày). Ông H. nói rằng ông Hà có thể ký hợp đồng mua nhà dự án được rồi (3,7 tỷ đồng), còn 1 tỷ đồng từ tài khoản thấu chi thì một tuần nữa mới được nhập lại. 

10 ngày sau, ông Hà gọi điện hỏi tài khoản thấu chi của mình đã có tiền chưa thì ông H. lại tiếp tục hẹn vài ngày nữa. “Tôi nói với ông H. rằng ngày mai sẽ đến phòng giao dịch làm lại hợp đồng vay thì tối đó (27/6/2018), ông H. nhắn tin cho tôi, nói rằng số tiền đó ông ta cho bạn mượn rồi tắt điện thoại, không liên lạc được. Sáng hôm sau, tôi đến gặp giám đốc phòng giao dịch để hỏi sự việc thế nào thì được biết, ông H. xin nghỉ phép, biểu tôi khoan báo với công an và ngân hàng. Nhưng sau đó tôi được biết, ông H. bị cho thôi việc” - ông Hà kể. 

{keywords}

Do nhân viên ngân hàng có âm mưu chiếm đoạt tiền, nên những giấy tờ vay vốn đều bất lợi  cho chính khách hàng

Ông Hà cho biết thêm, qua tìm hiểu các quy định pháp luật về vay tín dụng, ông thấy phòng giao dịch này và ông H. có dấu hiệu cố ý làm không đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước để chiếm đoạt tài sản của người vay, vì các hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp tài sản giữa ông và chi nhánh ngân hàng đều không ghi ngày ký.

Ông Hà không yêu cầu vay thấu chi nhưng phòng giao dịch tự tách số tiền 1 tỷ đồng thành hợp đồng riêng. Mục đích vay tiền của ông Hà là để mua nhà nhưng theo yêu cầu của ông H., ông Hà chuyển tiền không đúng mục đích vay mà vẫn được phòng giao dịch giải ngân. Sau khi ông Hà làm đơn tố cáo ông H. đến công an thì giám đốc phòng giao dịch này mới mời ông Hà đến ký bổ sung một số giấy tờ để hợp thức hồ sơ vay của ông Hà trước đây. 

Ngân hàng nói “tố cáo không có căn cứ”

Trả lời đơn của ông Đào Đông Hà, đại diện chi nhánh ngân hàng trên tại TP.HCM cho rằng, các nội dung phản ánh việc cán bộ tín dụng ngân hàng chiếm đoạt tiền vay của ông Hà là không có căn cứ và không đảm bảo tính chính xác.

Cụ thể, việc ký hợp đồng cấp tín dụng 1 tỷ đồng theo phương thức vay thấu chi được chi nhánh thực hiện trên cơ sở giấy đề nghị vay vốn và phương án vay đã được vợ ông Hà ký xác nhận gửi đến ngân hàng. Về việc ông Hà đến phòng giao dịch Bình Trị Đông ký ủy nhiệm chi để yêu cầu ngân hàng thực hiện giao dịch chuyển 1 tỷ đồng từ tài khoản thấu chi sang người thụ hưởng là ông Đ.M.H., ủy nhiệm chi thể hiện rõ nội dung giao dịch là “cho mượn”, có đầy đủ chữ ký xác thực của ông Hà. 

Việc thực hiện giao dịch chuyển tiền từ tài khoản thấu chi nêu trên là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật (khoản 6, điều 7 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng) cũng như nội dung thỏa thuận trong hợp đồng cấp hạn mức thấu chi đã được ký kết giữa khách hàng và ngân hàng. 

Liên quan đến giao dịch chuyển tiền giữa ông Hà và ông H., trước đây ông H. là cán bộ phòng giao dịch tại Q.11, do vi phạm kỷ luật lao động nên ngân hàng đã có quyết định sa thải từ ngày 25/7/2018. Ngân hàng đã yêu cầu ông H. đến làm việc và có báo cáo giải trình rõ giao dịch liên quan, ông H. cam kết vay mượn tiền giữa ông H. và ông Hà là giao dịch cá nhân, có sự đồng thuận của ông Hà và không liên quan đến chi nhánh. Tuy nhiên, do ông Hà và ông H. không đưa ra được bằng chứng cụ thể nên chi nhánh không có cơ sở để làm rõ. 

Đối với phản ánh hợp đồng tín dụng, thế chấp cho khách hàng không ghi ngày tháng ký, qua rà soát hồ sơ tại ngân hàng, các hợp đồng tín dụng, thế chấp được ký giữa ngân hàng và khách hàng đều đã ghi đầy đủ thông tin ngày tháng. 

Theo giải trình của ông H. - nguyên cán bộ phòng giao dịch tại Q.11 - việc không ghi ngày tháng trên các hợp đồng giao dịch cho khách hàng là sơ suất của ông H. do chưa kiểm tra lại khi trả hồ sơ, nhưng thiếu sót này không phải là yếu tố quan trọng làm ảnh hưởng đến hiệu lực pháp lý cả giao dịch giữa khách hàng và ngân hàng. 

Thực tế, hợp đồng thế chấp đã được công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nội dung hợp đồng thế chấp bàn giao cho khách hàng đã có nội dung dẫn chiếu đến hợp đồng tín dụng với đầy đủ thông tin, thời điểm ký kết. 

Đối với phản ánh ngân hàng yêu cầu khách hàng ký chứng từ vay để hợp thức hóa hồ sơ, làm thủ tục đáo hạn, giải chấp, theo xác nhận của giám đốc phòng giao dịch Q.11, ngày 1/8/2018, ngân hàng mời ông Hà lên để đề nghị đóng lãi vay thấu chi và không yêu cầu ông Hà ký chứng từ nào nhằm hợp thức hóa hồ sơ tín dụng, vì tại thời điểm đó, hồ sơ đã đầy đủ theo quy định. Mặt khác, do phía ông Hà không cung cấp được bằng chứng cụ thể nên chi nhánh không có cơ sở để đối chiếu, xác minh. 

Thiếu chứng cứ, người vay mất trắng

Sau khi đơn tố cáo của ông Hà bị ngân hàng phản bác, ông Hà làm đơn tố cáo đến Công an TP.HCM. 

Trung tá Trần Văn Phú - Phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM - cũng cho biết, qua xác minh, ngày 6/9/2018, cơ quan này đã quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo tố giác của ông Đào Đông Hà. Ngày 20/9/2018, Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đã phê chuẩn quyết định này. Nguyên nhân là do ông Hà không cung cấp đủ chứng cứ cho thấy ông H. và giám đốc phòng giao dịch trên lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Luật sư Nguyễn Hà Phong (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, trong vụ này, cho dù ông Hà là người bị hại, nhưng ông lại không có chứng cứ rõ ràng. Chẳng hạn, ông Hà cho rằng hợp đồng thấu chi là do giám đốc phòng giao dịch gợi ý nhưng ông không có bằng chứng chứng minh bị gợi ý. Ông Hà đồng ý ký vào hợp đồng vay thấu chi nghĩa là ông tự nguyện. Ông Hà cũng không có bằng chứng cho thấy giám đốc phòng giao dịch đề nghị ông ký bổ sung một số giấy tờ để hợp thức hóa hồ sơ. 

Giả sử nếu lúc đó, ông Hà không vội vàng ký bổ sung vào các giấy tờ này, sẽ có được bằng chứng. Nhưng trên thực tế, khi bị mất tiền, khách hàng sẽ mất bình tĩnh, ngân hàng biểu sao làm vậy với hy vọng lấy lại được tiền.

“Chúng tôi nhận được nhiều đơn tố cáo của khách hàng về việc cán bộ, nhân viên ngân hàng chiếm đoạt tài sản. Khách hàng là người bị hại nhưng do không có bằng chứng nên kết quả đều bị xử thua” - luật sư Nguyễn Hà Phong nói. 

(Theo Phụ nữ TP.HCM)