Nghề đan lát thủ công vốn là nét đẹp truyền thống bao đời nay của đồng bào dân tộc vùng Tây Nguyên. Có lẽ vì thế, đan lát là 1 trong 4 nghề truyền thống được lựa chọn hỗ trợ và bảo tồn theo Đề án “Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh Kon Tum”.

W-anhdanlat.png
Nghề đan lát thủ công là nét đẹp truyền thống bao đời nay của đồng bào dân tộc vùng Tây Nguyên.

Đối với người Rơ Ngao, đan lát không chỉ là nghề truyền thống đã gắn liền với bà con nơi đây từ rất lâu đời, mà còn là bản sắc văn hóa của cả cộng đồng dân tộc. Hầu hết trong nhà của mỗi người dân đều có các vật dụng bằng đan lát như chiếc gùi, rổ, nia, đơm cá… Những sản phẩm đan lát được người dân trong làng xem là tài sản quý và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Song đã có lúc, nghề đan lát ở làng Đăk Tiêng Ktu tưởng chừng mai một, thế nhưng bằng tình yêu, sự nhiệt huyết và cả nỗi trăn trở với nghề, những người già trong làng đã vận động người dân tộc Rơ Ngao giữ gìn và truyền lại nghề cho thế hệ đi sau.

Để bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của ngành nghề truyền thống, người dân Rơ Ngao chọn sử dụng các vật dụng bằng đan lát trong sinh hoạt, lao động, sản xuất và chú trọng phát triển các sản phẩm để phục vụ du lịch. Đầu năm 2020, tổ hội nghề nghiệp đan lát được thành lập, bắt đầu mở lớp truyền dạy nghề cho lớp trẻ.

Trải qua những “nốt trầm”, giờ đây, nghề đan lát dần được tiếp nối và trở thành điểm tựa về mặt vật chất lẫn tinh thần cho đồng bào Rơ Ngao. Hiện làng Đăk Tiêng Ktu có 150 hộ dân, trong đó có gần 40 hộ giữ nghề đan lát. Các sản phẩm đan lát thủ công từ tre, nứa không chỉ được sử dụng trong mỗi gia đình mà đã trở thành sản phẩm được nhiều người ưa chuộng, đem lại thu nhập đáng kể, giúp đồng bào dân tộc vượt qua những lúc khó khăn nhất của cuộc sống. Đây cũng chính là động lực để người dân bản Đăk Tiêng Ktu tiếp tục gắn bó với nghề.

Nhóm PV