Đầu tháng 10, 95 hộ nghèo, cận nghèo tại 2 xã Ia Dom và Ia Đal thuộc huyện Ia H'Drai (Kon Tum) đã được nhận bàn giao 95 con bò cái sinh sản làm sinh kế để phát triển kinh tế, giảm nghèo. Đây là hoạt động thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 của địa phương.
Tại xã Ia Đal, tổng kinh phí thực hiện dự án là trên 1 tỷ đồng, giành cho 46 hộ nghèo, cận nghèo. Những con bò cái giống khỏe mạnh đã được tiêm phòng và kiểm dịch đầy đủ được trao tận tay từng hộ gia đình. Các hộ nhận nuôi bò đã ký bản cam kết thực hiện xây dựng chuồng trại trước khi nhận con giống, đảm bảo có nhân công để thực hiện các hoạt động chăm sóc con giống.
Trước khi nhận bàn giao, các hộ đã được tập huấn kỹ lưỡng, cầm tay chỉ việc về kỹ thuật chăn nuôi, cách làm chuồng trại cũng như cách xử lý một số bệnh thường gặp ở bò. Các hộ được trao tặng bò phải chuẩn bị chuồng và khuôn viên chăn nuôi bò đảm bảo yêu cầu, cung cấp đầy đủ thức ăn, nước sạch cho bò; không được mua bán, trao đổi, giết mổ, làm thất lạc bò giống. Trong 3 năm, 95 hộ gia đình hoàn trả 35% vốn hỗ trợ ban đầu và cam kết vươn lên thoát nghèo.
Tại huyện biên giới Ia H'Drai, hành trình giảm nghèo chứng kiến sự tiến bộ vượt bậc. Nếu năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo lên tới 40% thì sau 3 năm, con số này chỉ còn 7,93%.
Năm 2024, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại địa phương này là trên 67 tỷ đồng. Trên cơ sở nguồn vốn, huyện đã phân bổ, giao kế hoạch cho các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo…
Hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo là một trong các giải pháp phát huy hiệu quả. Huyện đã triển khai 10 dự án nuôi bò sinh sản, nuôi hươu lấy nhung, nuôi heo thịt. Chương trình trao tặng bò cái giống sinh sản hay các sinh kế là vật nuôi, cây trồng là hoạt động thiết thực, với mong muốn mỗi hộ gia đình nghèo, cận nghèo thuộc huyện Ia H'Drai bằng chính sức lao động sẽ chăm sóc vật nuôi phát triển, tăng thêm số lượng. Điều này góp phần phát triển kinh tế gia đình, đồng thời giúp các hộ nghèo, cận nghèo vượt qua khó khăn, từng bước thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.
Trên toàn tỉnh Kon Tum, các cấp, ngành, địa phương đã triển khai có hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, góp phần giúp nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Hỗ trợ sinh kế cho người dân nghèo đang dần chứng minh hiệu quả. Từng địa phương sẽ lựa chọn các mô hình phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tập quán chăn nuôi, điều kiện tự nhiên và nhu cầu của các hộ. Huyện Đăk Glei thời gian qua đã triển khai 13 mô hình hỗ trợ sinh kế; huyện Ngọc Hồi thực hiện 8 dự án hỗ trợ bò cái sinh sản, trồng sả Java; huyện Đăk Hà triển khai 29 mô hình hỗ trợ bò cái sinh sản, dê, chăm sóc cà phê.
Trong khi đó, huyện Kon Rẫy triển khai 15 mô hình hỗ trợ bò sinh sản, hỗ trợ các loại cây giống như cao su, mắc ca, sầu riêng, cây ăn quả. Huyện Sa Thầy hỗ trợ 19 dự án, trong đó có 16 dự án nuôi bò cái sinh sản, 1 dự án nuôi heo thịt, 2 dự án hỗ trợ trồng cây ăn quả.
Trong 3 năm 2022-2024, tỉnh Kon Tum được ngân sách Trung ương phân bổ hơn 782 tỷ đồng cùng hơn 71,8 tỷ đồng cân đối ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Từ nguồn vốn này, các địa phương đã triển khai xây dựng 198 công trình cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, phục vụ sản xuất và đời sống người dân ở các xã đặc biệt khó khăn và hàng loạt hoạt động thiết thực khác.
Tỉnh cũng chú trọng đào tạo nghề gắn với việc làm cho lao động nông thôn. Đến nay, 33 lớp đào tạo nghề tại 2 huyện được tổ chức với sự tham gia của hơn 1.200 học viên trong đó có nhiều người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo. Trong đó, huyện Đăk Hà mở 15 lớp với 371 học viên; huyện Kon Rẫy mở 18 lớp với 863 học viên.
Tham gia các lớp, người lao động được đào tạo các nghề kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây ăn quả như sầu riêng, mắc ca; kỹ thuật nuôi trồng các loại thủy sản nước ngọt; kỹ thuật nuôi bò sinh sản, heo sọc dưa, hươu lấy nhung; kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê, cao su.
Việc triển khai thực hiện các hoạt động giảm nghèo theo phương châm đa chiều, bao trùm, bền vững tại các địa phương của tỉnh Kon Tum đã tạo điều kiện, cơ hội cho người dân được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đến cuối năm 2023, số hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 10.220 hộ, chiếm tỷ lệ 6,84%; hộ cận nghèo 6.568 hộ, tương đương 4,39%. Tỷ lệ giảm nghèo tại các huyện nghèo như Kon Plông, Tu Mơ Rông và Ia H’Drai đều đạt và vượt cao so với kế hoạch được giao.