Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình đã ban hành Kế hoạch số 92-KH/TU ngày 30/5/2017 về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, nâng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đầu đưa kinh tế Hòa Bình sớm đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước vào năm 2020. 

Đồng thời, các đơn vị đã nghiên cứu, xây dựng điều chỉnh nhiều cơ chế chính sách tái cơ cấu như: Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Đề án Tái cơ cấu ngành công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững; Đề án Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh… Đến nay, cơ cấu trong nội bộ từng ngành có kết quả tích cực.


Đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp, nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm được hình thành. Các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, quy trình sản xuất, kỹ thuật canh tác tiên tiến được đưa vào sản xuất. Bước đầu hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phát huy được tiềm năng lợi thế của tỉnh. Xây dựng nông thôn mới  đạt kết quả nổi bật, có 55/129 xã nông thôn mới, 3/10 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới, 12 xã nông thôn mới nâng cao. 

Tuy nhiên, các năm 2019, 2020 có tốc độ tăng trưởng ở mức thấp, lần lượt là 0,86% và 3,7%. Nguyên nhân là do thời tiết khô hạn cực đoan diễn ra gay gắt, lượng nước về hồ Hòa Bình ở mức rất thấp dẫn đến sản lượng điện sản xuất không cao. Dịch bệnh Covid-19 cũng ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả tăng trưởng của tỉnh trong 2 năm 2019 và năm 2020. Giai đoạn 2016-2018, GRDP của tỉnh Hòa Bình có tốc độ tăng tương đối cao, cụ thể năm 2016 đạt 9,39%, năm 2017 đạt 9,04% và năm 2018 đạt 8,57%.

{keywords}
Mô hình nuôi cá lồng ở xóm Lầu, xã Vạn Mai (Mai Châu). Ảnh: Thu Hường. 

Chất lượng tăng trưởng nhiều mặt được nâng lên, đóng góp của khoa học, công nghệ tăng. Năng suất lao động tăng bình quân 10,38%/năm. Vốn đầu tư được sử dụng hiệu quả hơn. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng bình quân đạt khoảng 27,02%. Quy mô và tiềm lực kinh tế tiếp tục tăng. Giá trị tổng sản phẩm năm 2015 là 33.221 tỷ đồng, năm 2020 tăng lên 51.962 tỷ đồng, gấp 1,41 lần so với năm 2016.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng ngành công nghiệp xây dựng tăng từ 41,14% năm 2016 lên 41,42% vào năm 2020, tương ứng tỷ trọng nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm từ 23,28% năm 2016 xuống 23,05%.

Về thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN), ban hành nhiều chủ trương lớn, đồng thời lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều giải pháp quan trọng để tăng thu NSNN như tập trung khai thác nguồn thu từ đất, thành lập Ban chỉ đạo đôn đốc thu, nộp NSNN, không ban hành các chính sách mới làm giảm thu, tăng chi NSNN… Bên cạnh việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn NSNN, tỉnh đã tập trung huy động các nguồn vốn của doanh nghiệp, người dân, các tổ chức trong và ngoài nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 10.446,8 km đường bộ, số được bê tông hóa, nhựa hóa đạt chuẩn chiểm tỷ lệ cao tăng 1.442,1 km so với năm 2015. Có 12 bến xe khách và 01 trạm dừng nghỉ đạt chuẩn; có 02 tuyến sông khai thác vận tải thủy nội địa với 32 cảng, bến…

Hạ tầng phục vụ thương mại - dịch vụ được quan tâm đầu tư phát triển. Trong 5 năm đã có 22 chợ truyền thống, 01 trung tâm thương mại và 01 siêu thị được đầu tư xây dựng mới; nâng cấp, cải tạo được 13 chợ truyền thống.

Hạ tầng y tế trong 5 năm đã đầu tư xây dựng mới Khoa Nội và chống nhiễm khuẩn Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Dự án Xử lý nước thải bệnh viện; Bệnh viện Y học cổ truyền và Dự án Đầu tư trang thiết bị cho bệnh viện tuyến huyện. Ngoài ra, đã và đang đầu tư xây dựng trên 50 trạm y tế cấp xã.

Công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ được đẩy mạnh. Việc triển khai hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã đem lại hiệu quả bước đầu.

Ngành nông nghiệp được tập trung phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm của tỉnh. Xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý “Cao Phong” cho sản phẩm cam quả của huyện Cao Phong và 7 nhãn hiệu tập thể. Toàn tỉnh có 70 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 đến 4 sao; công nhận 9 làng nghề, làng nghề truyền thống. Hình thành và duy trì hoạt động Cổng Thông tin truy xuất nguồn gốc, xuất xứ nông sản tỉnh Hòa Bình. Xây dựng 35 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản.

Tỉnh đã tập trung đầu tư hạ tầng, kêu gọi đầu tư khai thác tiềm năng, tài nguyên du lịch để phát triển các loại hình du lịch với các sản phẩm mang đặc trưng riêng như du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng gắn với sinh thái, du lịch thể thao giải trì.

Mở rộng hoạt động liên kết du lịch với các tỉnh Tây Bắc, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các công ty lữ hành lớn trong nước và quốc tế để kết nối, phát triển các tour, tuyến, điểm du lịch của tỉnh. Kết quả 5 năm có khoảng 12,434 triệu lượt khách tham quan, du lịch tại tỉnh, trong đó khách quốc tế khoảng 1,41 triệu lượt người. Tổng thu từ du lịch ước đạt 7.325 tỷ đồng, bình quân tăng 15,9%/năm.

{keywords}
Hạ tầng đô thị ở TP.Hòa Bình được chỉnh trang, sạch đẹp. Ảnh: Thu Hường. 

Tuy nhiên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng còn một số hạn chế, yếu kém. Mô hình tăng trưởng kinh tế của tỉnh chủ yếu theo chiều rộng; chất lượng tăng trưởng chưa bền vững; đóng góp TFP còn thấp. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Nguồn thu NSNN thiếu bền vững. Môi trường đầu tư chưa thực sự hấp dẫn. Nguồn lực đầu tư từ NSNN hạn hẹp. Hệ thống giao thông kết nối, hạ tầng khu, cụm công nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ…

Từ kết quả đạt được và những khó khăn, yếu kém đặt ra, nhằm cụ thể hóa nghị quyết của Trung ương, Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo xây dựng nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phấn đấu sớm đưa kinh tế tỉnh đạt mức trung bình của cả nước.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành và đang cho ý kiến một số nghị quyết, đề án về phát triển kinh tế như:phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; phát triển dịch vụ, trọng tâm là du lịch; phát triển sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp; phát triển khoa học, công nghệ và phát triển nguồn nhân lực. Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra về đổi mới mô hình tăng trưởng cần phải phù hợp với những mục tiêu, giải pháp, nguồn lực của các nghị quyết, đề án đã ban hành để thống nhất thực hiện.

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng cần tập trung vào những ngành có lợi thế, tạo ra giá trị kinh tế nhanh, bền vững, có tác động lan tỏa như đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng; công nghiệp phụ trợ có hàm lượng kinh tế cao; các trung tâm nghiên cứu, đào tạo nhân lực. Huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.

Minh Phúc