Thành tựu từ sự nỗ lực không ngừng

Mười năm trước, khi bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hòa Bình gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại với 2 xã đạt 10 tiêu chí, 124 xã dưới 5 tiêu chí; số tiêu chí bình quân tại thời điểm đánh giá đạt 4,4 tiêu chí/xã. Phần lớn điểm xuất phát của các xã thấp.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh Hòa Bình đã sớm nhận thức sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nhằm tạo nền tảng vững chắc xây dựng tỉnh Hòa Bình ngày càng khởi sắc.

{keywords}
Người dân và chính quyền xây dựng đường nông thôn mới tại xóm Nà Piềng (Nà Phòn, Mai
Châu). Ảnh: Thu Hường 

Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và triển khai các giải pháp đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng, đảm bảo tính bền vững; đồng thời huy động tối đa các nguồn lực xây dựng nông thôn mới.

Phong trào thi đua “Tỉnh Hòa Bình chung sức xây dựng nông thôn mới” đã được các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân tích cực hưởng ứng. Từng huyện, thành phố và các xã đã cụ thể hoá bằng việc phát động các phong trào thi đua gắn với điều kiện thực tế của địa phương.

Giai đoạn 2011 - 2019, tổng vốn huy động xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh ước đạt trên 21 nghìn tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp được trên 2.468 tỷ đồng bao gồm tiền mặt, ngày công, vật tư, vật liệu, máy móc... Ngoài ra, nhân dân đã hiến trên 979.302,9 m2 đất để mở đường giao thông nông thôn và các công trình khác.

Nhờ nguồn lực này, kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn được đầu tư ngày càng hoàn thiện và đồng bộ.

Đến nay, toàn tỉnh xây mới, nâng cấp, sửa chữa 717 công trình giao thông nông thôn; nhựa hóa, bê tông hóa được 4.017 km đường giao thông nông thôn; nâng cấp cải tạo, bảo trì 243 cây cầu trên các tuyến giao thông nông thôn; xây dựng hoàn thành 267 công trình thủy lợi; xây mới 788 km kênh mương nội đồng, nâng tổng số km kênh mương được kiên cố hóa lên 1.731 km. 100% số xã có điện lưới, 99,72% số hộ được sử dụng điện thường xuyên và an toàn.

Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 88/191 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 46% tổng số xã.

Sau khi thực hiện Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hòa Bình, tính đến tháng 7/2020, toàn tỉnh có 58/131 xã đạt chuẩn 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đạt tỷ lệ 44,4%.

Năm 2018, thành phố Hòa Bình là đơn vị hành chính cấp huyện đầu tiên của tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, vượt kế hoạch trước hai năm. Năm 2019, huyện Lương Sơn về đích nông thôn mới, vượt kế hoạch trước một  năm. Trong năm 2020, huyện Lạc Thủy về đích xây dựng nông thôn mới với 12 xã đạt chuẩn nâng cao, 46 khu dân cư kiểu mẫu, 151 vườn mẫu. Số xã về đích hàng năm đều vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trung bình số tiêu chí nông thôn mới trên 1 xã đạt 15,1 tiêu chí...

Mục tiêu mới, thắng lợi mới

Nhằm giữ vững và phát huy thành quả đạt được của Chương trình xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2020 - 2025, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò người đứng đầu.

Ngày 20/4/2021 UBND tỉnh Hòa Bình triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025.

Kế hoạch đặt ra một số mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đảm bảo môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn. Đời sống nông thôn giàu bản sắc văn hóa truyền thống; đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống.

Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt trên 70%. Phấn đấu có 50% đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Phấn đấu có 01 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao…

Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền. Phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững. Giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững. Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn…

Để hoàn thành mục tiêu, tỉnh đề ra những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng.

{keywords}
Hạ tầng giao thông, kết nối nông thôn – đô thị (Đường cao tốc lên huyện Kỳ Sơn). Ảnh: Thu Hường

Theo đó, tiếp tục thực hiện cuộc vận động xã hội sâu rộng về xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền và tổ chức các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới từ tỉnh đến cơ sở nhằm nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân.

Thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Tỉnh Hòa Bình chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025 và các phong trào, cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”,  “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, “Nhà sạch, vườn đẹp, môi trường trong lành, ngõ xóm văn minh”, xây dựng Khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới. Nâng cao chất lượng phát triển giáo dục, y tế toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa. Phát triển giáo dục gắn liền với phát triển khoa học - công nghệ. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nâng cấp cơ sở, bổ sung trang thiết bị khám, chữa bệnh. Nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ; đổi mới phong cách, thái độ ứng xử của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người dân. Tăng cường tuyên truyền vận động hộ gia đình tham gia mua bảo hiểm y tế tự nguyện tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2030. Duy trì và nâng cao các tiêu chí trong xây dựng chuẩn Quốc gia về y tế xã.

Tạo chuyển biến rõ nét về vệ sinh, môi trường, cảnh quan nông thôn theo hướng xanh-sạch-đẹp; Xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu. Tập trung xử lý vấn đề rác thải, nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi. Khắc phục và có biện pháp xử lý dứt điểm ô nhiễm ở các làng nghề, chất thải ở các nhà máy, khu công nghiệp ảnh hưởng đến môi trường. Áp dụng công nghệ xử lý tiến bộ và các hình thức tổ chức phù hợp với điều kiện từng địa phương để xử lý hiệu quả vấn đề rác thải, chất thải. Làm đẹp cảnh quan các công trình công cộng.

Đẩy mạnh thực hiện các phong trào và cuộc vận động: “Nhà sạch, vườn đẹp, môi trường trong lành ngõ xóm văn minh”,”Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.

Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách cho các xã đặc biệt khó khăn, các xã đăng ký về đích trong giai đoạn 2021 – 2025…

Minh Phúc