Tỉnh Hòa Bình đang đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và cam kết sẽ kịp thời nắm bắt, đề xuất giải quyết các yêu cầu của nhà đầu tư nhằm kiến tạo một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất.
Cải thiện môi trường đầu tư
Hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư là 1 trong 4 đột phá chiến lược thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Với những thuận lợi và tiềm năng lớn, cùng môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn, Hòa Bình đã và đang là điểm đến sôi động và tin cậy của các nhà đầu tư. Hiện nay, tỉnh Hòa Bình được đánh giá có hạ tầng phát triển ở mức khá so với toàn quốc, đứng thứ 5 so với các tỉnh trong vùng miền núi phía Bắc.
Toàn tỉnh có 8 khu công nghiệp với tổng diện tích đất quy hoạch 1.510 ha, có 98 dự án đầu tư đã được cấp phép. Đã có 60 dự án, đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho khoảng 20.000 lao động.
Tỉnh cũng quy hoạch 20 cụm công nghiệp với tổng diện tích đất 800,165 ha. Có 15/20 cụm đã được UBND tỉnh quyết định thành lập với diện tích 626,4 ha. Có 10 cụm công nghiệp được tỉnh giao chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là doanh nghiệp. Toàn tỉnh có 5 cụm công nghiệp tại các huyện Lạc Thủy, Tân Lạc, Mai Châu đã đi vào hoạt động.
Tỉnh đang tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu, hạ tầng du lịch, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chú trọng công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đến đầu tư.
Tỉnh đẩy mạnh thực hiện trực tuyến công tác quảng bá, cung cấp thông tin, thu hút đầu tư vào tỉnh. Cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại một cách hiệu quả nhất nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư trong thời gian tới. Rà soát, thu hồi các dự án chậm tiến độ để thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng vào tỉnh.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình tiếp tục theo dõi, đôn đốc các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc, đối thoại với các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Chủ động nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Tỉnh xác định cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) là yêu cầu quan trọng để thu hút đầu tư. Ngày 20/6/2022, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND về thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan, chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể:
Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ để nâng cao chất lượng công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Người đứng đầu các sở, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị được giao là đầu mối chỉ đạo và triển khai các chỉ số thành phần phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về các chỉ tiêu theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ; Kế hoạch thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Hòa Bình năm 2022 ban hành kèm theo Quyết định số 117/QĐ-UBND ngày 20/1/2022 của UBND tỉnh.
Nâng cao tính minh bạch; xây dựng chuyên mục hỗ trợ doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh; fanpage DDCI của sở/ngành và địa phương. Tăng cường công tác đấu thầu qua mạng cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính và các nhu cầu của nhà đầu tư.
Tích cực, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp thiết thực, cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Kịp thời giải quyết các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp bằng văn bản (có thời hạn cụ thể) và công khai các kiến nghị, quá trình giải quyết kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp trên các Cổng thông tin điện tử của tỉnh, sở, ngành và địa phương.
Rà soát chặt chẽ, nâng cao chất lượng công chức, viên chức, nhất là tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và huyện, thành phố, các sở, ngành, phòng ban thường xuyên tiếp xúc với doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đổi mới phong cách làm việc của cán bộ, công chức, từng đơn vị và phương pháp đánh giá chất lượng công chức, viên chức nhằm nâng cao trách nhiệm, thái độ ứng xử làm việc của đội ngũ cán bộ tiếp xúc làm việc trực tiếp với nhà đầu tư, doanh nghiệp…
Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thu hút đầu tư
Với mục tiêu xây dựng tỉnh Hòa Bình phát triển năng động, bền vững, xứng tầm là trung tâm của vùng Tây Bắc, có vai trò kết nối và hỗ trợ vùng Thủ đô… thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thu hút đầu tự.
Trong đó, trọng tâm là cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước, đảm bảo thông thoáng, minh bạch, có năng lực cạnh tranh cao. Xây dựng “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp” nhằm huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đồng thời chủ động làm việc với các bộ, ban, ngành Trung ương để tranh thủ sự giúp đỡ về cơ chế, chính sách liên quan tới đầu tư. Tập trung lãnh đạo khẩn trương hoàn thiện các quy hoạch để làm căn cứ thu hút đầu tư.
Ngay từ đầu năm 2022, tỉnh Hòa Bình mà trực tiếp là Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đã có các giải pháp cụ thể, quyết liệt để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giải quyết trúng các điểm nghẽn đang gây cản trở. Thay đổi mạnh mẽ tư duy, nhận thức, nâng cao năng lực của cán bộ công nhân viên chức nhằm đáp ứng được yêu cầu thực thi công vụ trong thời kỳ mới.
Thực hiện rà soát, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao gắn với cơ chế thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu cản trở, ách tắc trong cải cách hành chính, thu hút đầu tư. Tiếp tục duy trì hoạt động tổ công tác chỉ đạo, đôn đốc triển khai các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách và các dự án trọng điểm.
Thực hiện nghiêm túc quy chế giải phóng mặt bằng, xác định rõ quyền lợi, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, phát huy vai trò của chính quyền các cấp. Thực hiện công khai chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, quan tâm bảo đảm sinh kế bền vững của người dân.
Chú trọng phát triển kinh tế tư nhân, tạo lập môi trường và điều kiện thuận lợi phát triển mạnh doanh nghiệp. Triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tăng cường và đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên; quan tâm công tác thu hút các nhà đầu tư chiến lược nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thu hút đầu tư, góp phần thu hút các nhà đầu tư khác đến nghiên cứu đầu tư vào tỉnh.
Quỳnh Nga