Kinh tế - xã hội không ngừng tăng trưởng

Với tinh thần đổi mới, sáng tạo, xây dựng chiến lược phát triển bài bản, hợp lý, những năm qua, kinh tế - xã hội tỉnh Hòa Bình không ngừng tăng trưởng, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã phát huy tinh thần đoàn kết, nắm bắt thời cơ, thuận lợi, vượt qua thách thức, khó khăn, huy động mọi nguồn lực thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, giành được nhiều kết quả quan trọng, tạo nền tảng để tỉnh phát triển nhanh, bền vững trong những năm tiếp theo.

Thủy điện Hòa Bình. Ảnh: Hồng Nhì.

Tổng sản phẩm GRDP tăng 3,59%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 46,610 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ đạt 31,72 %. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tăng 18,9%. Tỷ lệ đô thị hóa đến cuối năm 2020 là 28,69%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 8,56%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 56%. Tỷ lệ che phủ rừng 51,5%. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia 54%. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95,2%. Số giường bệnh/10.000 dân đạt (không tính giường trạm y tế xã) là 26 giường. Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đủ 8 loại vắc xin đạt trên 95%. Thôn, bản có nhà văn hóa, sân chơi thể thao đạt 84%. Thu hút gần 300 dự án đầu tư vào tỉnh. Cuối năm 2020, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 5.000 tỷ đồng. Tổng doanh thu du lịch đạt 8.373 tỷ đồng.

Cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng tích cực. Tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm cao hơn bình quân chung của cả nước. Đến năm 2020, GRDP bình quân đầu người đứng thứ 3 trong các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, gần bằng bình quân cả nước; gần một nửa số xã đạt chuẩn nông thôn mới, văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ.

Đó là biểu hiện sinh động, rõ nét nhất của tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển, sự đồng thuận trên dưới đồng lòng trong toàn Đảng bộ, sự ủng hộ mạnh mẽ, sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân vì sự phát triển chung của tỉnh.

Nhân dân trong tỉnh cũng tích cực hưởng ứng thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước của các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đặc biệt là thực hiện có hiệu quả Nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.

Với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, Hòa Bình phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đến năm 2025 kinh tế đạt mức trung bình của cả nước, đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực trung du, miền núi Bắc bộ và đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển của cả nước.

Quyết liệt thực hiện hiệu quả mục tiêu kép

Từ cuối năm 2019, đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều khó khăn cho đất nước. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tổ chức thi đua thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Đây cũng là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2020 - 2030; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. 

Tỉnh Hòa Bình quyết liệt thực hiện hiệu quả mục tiêu kép trong năm 2022. Ảnh: Hồng Khanh.

Trong bối cảnh dịch bệnh  Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, UBND tỉnh đã phát động phong trào "Thi đua thực hiện "mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2021”. Năm 2021, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định; có 14/19 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2021 ước tăng 3,07% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,8%, đóng góp 1,04 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng chung; công nghiệp - xây dựng tăng 0,01%, đóng góp 0,004 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng chung; dịch vụ tăng 4,21%, đóng góp 1,26 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng chung; thuế sản phẩm tăng 14,45%, đóng góp 0,76 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng chung.

Cơ cấu ngành kinh tế trong GRDP: tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp thủy sản 23,13%; công nghiệp - xây dựng 40,07%; dịch vụ 30,96%; thuế sản phẩm 5.84%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 5.070 tỷ đồng.

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 20.789 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh. Duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Trong năm, tỉnh có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 64 xã (bằng 48,8% tổng số xã), không còn xã nào đạt dưới 10 tiêu chí; trung bình 1 xã đạt 15,5 tiêu chí/xã; có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 46 khu dân cư kiểu mẫu, 151 vườn mẫu.

Huyện Lạc Thủy đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số huyện đạt chuẩn nông thôn là 03 huyện, thành phố, bằng 30% tổng số huyện, thành phố. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được triển khai theo kế hoạch; trong năm có thêm 20 sản phẩm đạt tiêu chuẩn, nâng tổng số sản phẩm OCOP cấp tỉnh là 90 sản phẩm.

Chất lượng giáo dục các cấp ngày càng đi vào thực chất và bền vững. Chất lượng phổ cập giáo dục các cấp tiếp tục được duy trì và nâng cao. Công tác giáo dục dân tộc tiếp tục được quan tâm. Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá giới thiệu tiềm năng du lịch của tỉnh được đẩy mạnh.

Trong năm, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định. Tỉnh tổ chức lễ giao nhận quân năm 2021 đúng theo kế hoạch, hoàn thành 100% chỉ tiêu được giao, đảm bảo nghi lễ, đủ quân số, chất lượng và phòng, chống dịch Covid-19.

Hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế tiếp tục triển khai có hiệu quả đã góp phần quan trọng thúc đẩy hoạt động tiếp thị, xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư, mở rộng các mối quan hệ hữu nghị phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bước vào năm 2022, mục tiêu này càng rõ ràng và được thể hiện với quyết tâm cao nhất. Trong bối cảnh khó khăn, thách thức và thuận lợi đan xen, UBND tỉnh đã bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, về cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ công dân và doanh nghiệp thích ứng linh hoạt với đại dịch, về triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội… kịp thời chỉ đạo, xử lý vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Với sự quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh đã có sự hồi phục rất khả quan. Tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách tăng khá, các chế độ, chính sách xã hội, an sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững. 

Bí thư Tỉnh ủy Ngô Văn Tuấn cho biết, năm 2022 là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, năm tăng tốc thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết. Nhiệm vụ là hết sức quan trọng, do vậy, các sở, ngành, huyện, thành phố phải quyết liệt thực hiện hiệu quả mục tiêu kép.

6 tháng cuối năm, tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP và Nghị quyết số 38/NQ-CP của Chính phủ, đảm bảo an toàn sức khỏe và tính mạng của nhân dân trên địa bàn tỉnh đồng thời duy trì và thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh. Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; sẵn sàng các phương án, kịch bản cụ thể để có thể chủ động, kịp thời ứng phó hiệu quả trong trường hợp dịch bệnh bùng phát trở lại.

Ngành y tế tiếp tục chủ trì, phối hợp với các địa phương triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Đôn đốc và hỗ trợ UBND các huyện, thành phố trong việc triển khai tiêm chủng theo đúng tiến độ Trung ương yêu cầu, đảm bảo an toàn, hiệu quả. Xây dựng kế hoạch và tổ chức tiêm mũi 3 vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi. Đảm bảo đầy đủ thuốc chữa bệnh, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế cho công tác phòng, chống dịch và khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn.

Quán triệt tinh thần "chống dịch như chống giặc”, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, phát huy vai trò của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh, đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn, góp phần sớm kiểm soát và đầy lùi dịch bệnh. 

Các lực lượng tuyến đầu chống dịch như y tế, quân đội, công an và các địa phương chủ động phối hợp trong phòng, chống dịch, sẵn sàng, nhanh chóng vào trận khi có tình huống xảy ra, triển khai các biện pháp quyết liệt phòng, chống dịch ở mức cao nhất. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực đổi mới, cải tiến cách làm việc nhằm thích ứng với bối cảnh phòng, chống dịch. 

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hoạt động trực tuyến trong chỉ đạo, điều hành, làm việc, học tập, thực hiện thủ tục hành chính. Hướng dẫn, khuyến khích người dân tăng cường sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng. 

Quỳnh Nga