Đạt và vượt 17 chỉ tiêu dự báo đến năm 2025 

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hoà Bình vừa tổ chức Hội nghị Sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025. 

Ông Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hoà Bình cho hay, thời gian qua, Đảng bộ tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp trong điều kiện thế giới và khu vực diễn biến nhanh, phức tạp khó lường. Đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… đã tác động trực tiếp đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình đó, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, quyết liệt với ý chí, quyết tâm cao, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; đề ra nhiều chủ trương, biện pháp để tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tiêu cực; phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19; phục hồi phát triển kinh tế; chú trọng phát triển văn hóa, xã hội và nâng cao đời sống của nhân dân; củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

Đến năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của Hoà Bình giảm còn 9,79%, bình quân hàng năm giảm 2,69%. 

Sau hơn 2 năm rưỡi triển khai thực hiện, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII từng bước đi vào cuộc sống; có 17 chỉ tiêu dự báo đến năm 2025 đạt và vượt. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt coi trọng, với quyết tâm chính trị cao, kết hợp hài hòa giữa "xây” và "chống”. 

Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi và xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hoá. Kiện toàn nhân sự lãnh đạo thay thế và tăng cường cán bộ cho các lĩnh vực, địa bàn trọng yếu, khó khăn gắn với điều động, bố trí cán bộ được dư luận cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, đánh giá rất cao...

Kịp thời cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội. Xử lý hiệu quả các vấn đề tồn đọng, phát sinh mới. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đạt kết quả tích cực. Tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước có nhiều cố gắng.

Lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, chăm lo, đầu tư phát triển đạt nhiều kết quả quan trọng. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện; quốc phòng, an ninh được giữ vững...

Giai đoạn 2021 - 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm trên địa bàn tỉnh ước đạt 5,4% (nếu không tính Nhà máy thủy điện Hòa Bình thì tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 5,24%). Năng suất lao động ước đạt 2,67%. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 18%.

Ước đến cuối năm 2023, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 70,16 triệu đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn này ước đạt 17.174,6 tỷ đồng. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 33,45%.

Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2023 giảm còn 9,79%, bình quân hàng năm giảm 2,69%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60,6%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,2%. Có thêm 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 61,2% tổng số xã. Ước đến cuối năm 2023, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95,7%, tỷ lệ dân số thành thị được sử dụng nước sạch đạt 93%...

Mạng lưới y tế tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Các hoạt động khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được duy trì và thực hiện tốt. Công tác dân số được chuyển trọng tâm từ công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, chú trọng vào chất lượng dân số. Công tác tiêm chủng mở rộng được duy trì thường xuyên….

Quyết liệt, đồng bộ thực hiện 4 đột phá chiến lược

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hoà Bình lần thứ XVII đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt mức trung bình của cả nước; đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ và đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển của cả nước.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long cho hay, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục bám sát các nghị quyết của Trung ương, nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả. Lãnh đạo hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ, hoàn thành chương trình trọng tâm, chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Trong đó, tập trung lãnh đạo xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; thực hiện nghiêm túc việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị; kế hoạch luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ. Làm tốt công tác quản lý, phát triển đảng viên, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Đẩy mạnh công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, tập trung vào lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực...

Hoà Bình đang đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng quan trọng.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long cũng yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ 4 đột phá chiến lược: Hoàn thiện và tổ chức thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động. Tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, ưu tiên xây dựng các công trình giao thông quan trọng mang tính đột phá.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Xây dựng nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng an toàn, hiệu quả, sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường tiêu thụ. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, các chương trình kích cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường trong nước; phát triển thương mại điện tử.

Mặt khác, ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch mới, chất lượng cao, phát triển du lịch các khu vực trọng điểm. Chú trọng liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương.

Quản lý và khai thác hiệu quả nguồn thu, triển khai các biện pháp chống thất thu. Cơ cấu các khoản chi ngân sách nhà nước theo hướng tiết kiệm, hiệu quả; ưu tiên chi ngân sách cho đầu tư phát triển.

Thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Rà soát, thu hồi các dự án chậm triển khai, không triển khai, có dấu hiệu giữ đất, chờ cơ hội để chuyển nhượng, dự án vi phạm.

Bên cạnh đó, cần tập trung phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục. Chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc, các di tích và lễ hội. Xây dựng Đề án Bảo tồn văn hoá dân tộc Mường và nền Văn hóa Hòa Bình.

Đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường và nền Văn hóa Hòa Bình trình UNESCO ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Lựa chọn những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa quốc gia.

Quan tâm đến công tác đảm bảo quốc phòng - an ninh; chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội XIV của Đảng...

Duy Khánh và nhóm PV, BTV