Tận dụng lợi thế trời cho
Anh Phàng A Páo, hội viên Chi hội nông dân là người tiên phong làm du lịch cộng đồng ở bản Chà Đáy, xã Pà Cò, huyện Mai Châu. Anh chia sẻ, những nương lúa, đồi chè trồng quanh nhà trước đây giờ đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm được du khách yêu thích.
Để biến những lợi thế của gia đình thành sản phẩm du lịch, anh Páo đã tìm hiểu và lựa chọn xây dựng mô hình homestay giữ gần như nguyên vẹn bản sắc văn hoá của đồng bào Mông, từ kiến trúc nhà truyền thống, vật liệu trang trí phòng nghỉ cộng đồng đến sản phẩm, dịch vụ du lịch.
Theo đó, khi du khách đến đây sẽ được trải nghiệm nghỉ đêm tại phòng nghỉ cộng đồng; săn mây và đón bình minh trên núi; tham quan đồi chè, rừng già; trải nghiệm nhuộm chàm, làm giấy dó, vẽ sáp ong và thăm Mong Space – không gian văn hoá của người Mông thu nhỏ…
Là chủ nhân của homestay, anh Páo cũng là hướng dẫn viên du lịch đồng hành cùng du khách trong suốt hành trình khám phá điểm đến.
Từ cuối năm 2022, mô hình chợ đêm Pà Cò ra mắt và duy trì hoạt động thường xuyên vào tối thứ bảy hàng tuần trở thành sản phẩm du lịch mới thu hút du khách. Anh Páo và các hội viên nông dân khác tham gia tích cực và đưa đón khách về tham quan trải nghiệm thường xuyên, liên tục.
Bên cạnh dịch vụ lưu trú và ăn uống, các hộ nông dân ở đây còn chú trọng các loại hình sản phẩm, dịch vụ đi kèm như biểu diễn văn nghệ, sản xuất, cung cấp hàng thổ cẩm, thuyết minh giới thiệu cho khách tham quan bản làng, tìm hiểu truyền thống lịch sử văn hoá lâu đời, đời sống của người bản địa, tham gia các trò chơi dân gian… Từ đây, thu hút nhiều nông dân cùng tham gia hoạt động du lịch, tăng thêm thu nhập.
Các sản phẩm du lịch được xây dựng và phát triển mới gắn liền với bản sắc văn hoá dân tộc của đồng bào Mường, Thái, Dao, Mông. Một số bản như bản Sưng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc; bản Ngòi, xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc; bản Chà Đáy, xã Pà Cò, huyện Mai Châu từng bước đưa các sản phẩm mới vào hoạt động, góp phần tăng tính trải nghiệm tại điểm đến.
Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình Bùi Xuân Trường cho hay, loại hình du lịch cộng đồng gắn kết cảnh quan thiên nhiên, văn hóa bản địa, du lịch nông thôn đã và đang phát triển với nhiều mô hình khác nhau.
Những năm qua, Hòa Bình đã phát triển loại hình homestay, farmstay nhằm biến những lợi thế đặc trưng của cộng đồng các dân tộc thành sản phẩm du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng dân cư, bảo vệ môi trường tự nhiên, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Hòa Bình đã đạt được một số kết quả bước đầu trong phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới, nông nghiệp nông thôn như: xây dựng được các trang trại, khu sản xuất nông nghiệp cung cấp sản phẩm phục vụ du khách như rau hữu cơ ở Tân Lạc, cam Cao Phong, Lạc Thủy, khu nuôi cá lồng trên hồ Hòa Bình…
Xây dựng được mô hình trang trại phục vụ nghỉ dưỡng và trải nghiệm cho du khách như Trang viên Đồng Gội, Nông trại Vui Vẻ ở huyện Lương Sơn, trang trại nuôi bò kết hợp trải nghiệm giáo dục, sinh thái ở TP Hòa Bình, Eco Farm ở huyện Kim Bôi.
Đặc biệt, ngành du lịch Hòa Bình cũng đã xây dựng các tour du lịch văn hóa gắn với trải nghiệm nông nghiệp, du lịch homestay hoạt động rất hiệu quả. Có nhiều điểm được công nhận danh hiệu Du lịch cộng đồng ASEAN, nhiều hộ gia đình hoạt động du lịch cộng đồng phục vụ hàng nghìn khách du lịch mỗi năm…
Những giải pháp quan trọng
Thực tế cho thấy, du lịch nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích cho cả sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân ở các vùng nông thôn, không chỉ góp phần đa dạng hóa hoạt động thương mại, giải quyết vấn đề đầu ra cho nông sản, mà còn trực tiếp hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.
Bên cạnh đó, du lịch nông nghiệp ở một số địa phương còn gắn liền với Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, Chương trình OCOP, Chương trình bảo tồn các giá trị văn hóa của làng nghề truyền thống với phát triển đa dạng sản phẩm.
Việc phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới là một trong những giải pháp quan trọng được tỉnh Hoà Bình đặt ra trong Chương trình xây dựng nông thôn mới đến năm 2025. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của tỉnh.
Phấn đấu có 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số.
Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu các cấp, các ngành tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền. Phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng. Truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch nông thôn. Xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững.
UBND tỉnh Hòa Bình cũng giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan rà soát các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn theo Quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 được phê duyệt. Nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động dịch vụ của các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn phù hợp với định hướng phát triển du lịch của tỉnh…
Đẩy mạnh phát triển du lịch, biến những lợi thế đặc trưng của cộng đồng các dân tộc tạo ra sản phẩm hấp dẫn khách du lịch và góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng dân cư; bảo vệ môi trường tự nhiên, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Thực tế hiện nay, các mô hình du lịch nông thôn tại Hoà Bình còn nhỏ lẻ và tự phát, chưa có nhiều sản phẩm hấp dẫn du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Một số mô hình du lịch nông nghiệp mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản, chưa có nhiều dịch vụ hấp dẫn. Người dân và doanh nghiệp hoạt động du lịch, lữ hành chưa có sự gắn kết chặt chẽ với chính quyền địa phương và cơ quan quản lý nhà nước để phát triển sản phẩm du lịch một cách bài bản, chất lượng và chuyên nghiệp.
Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Hoà Bình cho hay, trong nhiệm kỳ tới sẽ đặc biệt quan tâm với việc đưa hoạt động nông nghiệp trở thành sản phẩm du lịch, đem lại những giá trị thiết thực cho nhà đầu tư, tổ chức và cá nhân đang tham gia trong lĩnh vực nông nghiệp làm tốt, đưa các điểm, khu sản xuất trở thành các điểm du lịch hấp dẫn du khách.
Bên canh đó, Hiệp hội Du lịch tỉnh Hoà Bình cũng mong chính quyền địa phương có sự quan tâm hơn nữa đối với lĩnh vực này thông qua cơ chế, chính sách, như đầu tư thích đáng cho kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch canh nông như đường, điện, nước sạch; hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn... Làm được vậy, du lịch nông thôn ở Hoà Bình mới phát triển bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân và doanh nghiệp.
Thanh Minh