Năm 2024, Hoà Bình phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh thêm 2,3-2,5%, từ 9,2% cuối năm 2023 xuống còn 6,9%. Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu, đủ điều kiện được vay vốn tín dụng ưu đãi. Tất cả người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia BHYT, được chăm lo các chiều dịch vụ xã hội cơ bản bị thiếu hụt (việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và nhà vệ sinh, thông tin).
Đối với chiều thiếu hụt về nhà ở, theo kế hoạch Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh thực hiện xây dựng mới và sửa chữa gần 2.200 hộ nghèo, hộ cận nghèo, với tổng nguồn kinh phí thực hiện trên 77 tỷ đồng. Riêng trong năm 2023 và năm 2024, tỉnh sẽ thực hiện 1.829 hộ từ nguồn Chương trình.
Tỉnh dự kiến đến hết năm 2024 tỉnh sẽ đạt 100% kế hoạch. Địa phương cũng khai thác nguồn lực từ các chương trình mục tiêu, đặc biệt là chương trình dành cho đồng bào dân tộc thiểu số để hỗ trợ nhà ở cho hơn 3.800 hộ.
Ngoài nguồn kinh phí từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, lãnh đạo tỉnh Hoà Bình đề nghị Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh phát huy vai trò trong việc vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân hưởng ứng, tham gia Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” và các chương trình hỗ trợ giảm nghèo phù hợp, hiệu quả.
Trong số hàng nghìn hộ nghèo có nhà tạm, nhà dột nát cần hỗ trợ nhà ở tại Hoà Bình tính tới đầu năm 2024, đại đa số là những căn lều, nhà tạm xập xệ, nhiều nơi vẫn là nền đất, tường và mái chắp vá bằng vật liệu không đảm bảo (như ván gỗ, bạt, nhựa, cót ép, mái tranh, vách đất...). Các huyện có số lượng nhà cần hỗ trợ nhiều nhất là Đà Bắc, Lạc Sơn, Kim Bôi, Tân Lạc, Mai Châu.
Tại huyện Mai Châu, theo thống kê hiện địa phương còn 2.353 hộ nghèo (chiếm 17,14%); 1.981 hộ cận nghèo (chiếm 14,43%). Thực hiện chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, từ năm 2019 - 2023, huyện đã hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa được gần 400 nhà Đại đoàn kết.
Năm 2024, địa phương còn 287 hộ có nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát, tổng kinh phí thực hiện trên 10 tỷ đồng. Từ nguồn vận động tài trợ của tỉnh, huyện và các chương trình, nửa đầu năm 2024, địa phương đã cơ bản chuẩn bị đủ nguồn lực để thực hiện công tác này.
Hòa Bình đang tăng cường huy động, lồng ghép các nguồn lực để tập trung hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo, triển khai lồng ghép công tác xóa nhà tạm vào các Chương trình mục tiêu Quốc gia. Với tinh thần “tương thân, tương ái”, “không để ai bị bỏ lại phía sau", phong trào đã nhận được sự ủng hộ và tham gia tích cực của các tổ chức, đơn vị, cộng đồng.
Tính đến ngày 28/8, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tiếp nhận số tiền ủng hộ là 43,9 tỷ đồng. Từ nguồn lực trên, Ủy ban MTTQ đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa cho trên 200 nhà, với tổng giá trị 11 tỷ đồng tại 2 huyện Đà Bắc và Lạc Sơn.
Để thực hiện Đề án xóa nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025, MTTQ Việt Nam tỉnh đã tập trung huy động, phân bổ nguồn lực để hỗ trợ kinh phí làm mới và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo đảm bảo chỉ tiêu, kế hoạch năm 2024; phấn đấu hỗ trợ nhà ở có nguy cơ sụp đổ, không đảm bảo an toàn, ổn định cho khoảng 2.157 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Đà Bắc (trong đó có 1.892 hộ nghèo dân tộc thiểu số).
Tới đây, MTTQ Việt Nam tỉnh Hòa Bình sẽ kiểm tra, giám sát việc triển khai hỗ trợ xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo ở các địa phương để đảm bảo tiến độ, kế hoạch đề ra từng năm và cả giai đoạn. MTTQ xã, phường, thị trấn được yêu cầu nắm chắc hoàn cảnh hộ nghèo, lập danh sách hộ không có khả năng đối ứng hoặc kinh phí đối ứng ít để có phương án hỗ trợ cụ thể, phù hợp.