Theo đó, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình được tăng cường. Các sở, ban, ngành, đoàn thể thành viên Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh; Ban Chỉ đạo công tác gia đình các huyện, thành phố căn cứ nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của công tác gia đình trong các cơ quan, đơn vị và cơ sở.

Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể thành viên và Ban Chỉ đạo công tác gia đình các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật trẻ em; Đề án “Tăng cường công tác truyền thông về giữ gìn hạnh phúc gia đình và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Hòa Bình”; Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2030; Chương trình phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025; Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2030; Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.

Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức trong nhân dân về vị trí, vai trò của gia đình trong xã hội hiện nay. Chỉ đạo tổ chức 02 cuộc nói chuyện chuyên đề tại thành phố Hòa Bình và huyện Mai Châu về Ngày gia đình Việt Nam (28/6) và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2023 với chủ đề “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng”, cho 700 đại biểu tham dự.

Từ đó nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, chức năng của gia đình, góp phần chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hương ước, quy ước, quy chế dân chủ ở cơ sở. Đồng thời giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ, dân tộc trong xây dựng quê hương tỉnh Hòa Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh.

image1-1.png
Hoạt động nói chuyện chuyên đề về công tác gia đình ở huyện Tân Lạc.

Sáu tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh Hoà Bình treo được 3.621 băng rôn, khẩu hiệu; 207 lượt tuyên truyền bằng xe lưu động; 100 tờ rơi; 68 buổi chiếu phim lưu động; 1.246 buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; 1.220 buổi mít tinh, tọa đàm; 54 buổi nói chuyện chuyên đề; 137 hội thi, hội diễn; 986 tin, bài và 33 phóng sự.

Tổ chức được 17 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác gia đình. Thông qua các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác gia đình giúp cho các học viên nắm bắt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và những vấn đề cơ bản trong công tác quản lý Nhà nước về gia đình. Nâng cao kiến thức, kỹ năng, vai trò, trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, kỹ năng ứng xử trong gia đình và cách phòng, chống bạo lực gia đình; thu thập, báo cáo thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. 

Chỉ đạo duy trì 170 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình theo tiêu chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 1.488 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; 1.365 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 727 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng và 158 đường dây nóng.

Toàn tỉnh phát hiện 22 hộ có bạo lực gia đình, 22 vụ bạo lực gia đình, trong đó 08 vụ là bạo lực về tinh thần; 12 vụ là bạo lực về thân thể; 01 vụ bạo lực về kinh tế và 01 vụ bạo lực về tình dục. Nạn nhân bị bạo lực gia đình chủ yếu là nữ 20/22 chiếm 90,9%; góp ý, phê bình tại cộng đồng dân cư 16 người; áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã 04 người; xử phạt hành chính (phạt tiền) 04 người.

Văn Giáp và nhóm PV, BTV