Việc thiếu hụt nguồn nhân lực có tay nghề là 1 trong 5 rào cản, thách thức ảnh hưởng đến hoạt động thu hút đầu tư tại nhiều tỉnh, thành. Để giải quyết vấn đề này, các địa phương cần có những giải pháp toàn diện trong công tác đào tạo nghề, không chỉ giúp người lao động có việc làm mà còn tạo ra một lực lượng lao động có tay nghề, kiến thức, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vấn đề đào tạo nhân lực chất lượng cao là nhân tố cơ bản quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng..

{keywords}
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là giải pháp thu hút đầu tư của tỉnh Hòa Bình. (Huyện Mai Châu). Ảnh: Thu Hường. 

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, XIII của Đảng, Đảng bộ tỉnh Hòa Bình luôn xác định quan tâm phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là nâng cao chất lượng nhân lực khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhân lực dân tộc thiểu số là một trong ba đột phá chiến lược của địa phương. Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề với nhiều chính sách ưu tiên phát triển nguồn nhân lực. Hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đầu tư nâng cấp và hoạt động hiệu quả,

Năm 2020, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đặt mục tiêu phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động. Trong đó, đẩy mạnh giải quyết việc làm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giáo dục nghề nghiệp gắn với nhu cầu của thị trường lao động và xu hướng sử dụng lao động của doanh nghiệp.

Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp, khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục đào tạo ngoài công lập. Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp khoảng 15.000 lao động/năm; tạo việc làm mới cho 16.000 lao động/năm.

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm lao động trong nhóm ngành nông, lâm, ngư nghiệp. Rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách đột phá, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao vào làm việc trong hệ thống chính trị và các ngành, lĩnh vực quan trọng của tỉnh. Đây cũng là hoạt động được tỉnh Hòa Bình chú trọng, thực hiện xuyên suốt nhiều năm nay.

Trước đó, tại Nghị quyết số 121 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020) ngày 3/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình Khóa XVI, tỉnh đã xác định phát triển nguồn nhân lực là 1 trong 3 nhiệm vụ đột phá, có tính chiến lược nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của giai đoạn này.

Tuy nhiên, qua 5 năm triển khai thực hiện, theo đánh giá của UBND tỉnh, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, tỷ lệ lao động qua đào tạo có tay nghề cao còn ít.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 39 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 5 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 11 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và một số đơn vị khác tham gia đào tạo. Trung bình hàng năm có trên 14.000 người được đào tạo nghề, tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020 ước đạt 56% (có bằng cấp, chứng chỉ đạt 22,64%).

Tỷ lệ lao động trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp hiện cao hơn mức bình quân chung của cả nước, tỷ lệ lao động qua đào tạo, có tay nghề cao ít. Nguyên nhân chủ yếu do công tác đào tạo nhân lực còn nhiều khó khăn, hình thức đào tạo chủ yếu là sơ cấp, trung cấp nghề. Trên địa bàn tỉnh có 5 trung tâm đào tạo nhân lực lớn, song đến thời điểm này, nhiều trường cao đẳng gặp khó trong công tác tuyển sinh, liên kết đào tạo.

Xác định nguồn nhân lực là yếu tố đột phá, mang tính chiến lược nhằm thu hút đầu tư vào tỉnh, UBND tỉnh đã có Quyết định số 154, ngày 3/6/2016 về việc quy định ưu đãi tuyển dụng, sử dụng lao động tại chỗ và hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động làm việc trong các doanh nghiệp.

Trong 2 năm 2017 - 2018, đã hỗ trợ 3 công ty đào tạo nghề trên 12 tháng cho 941 lao động, với kinh phí hơn 770 triệu đồng. Ngoài ra, nhiều lao động làm việc tại các công ty có vốn nước ngoài đã được tu nghiệp, nâng cao tay nghề tại công ty mẹ. Những lao động này được xem như là lực lượng lao động tinh túy của doanh nghiệp tại Việt Nam.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, thời gian tới Hòa Bình tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa đào tạo nghề, định hướng cho các trường mở rộng thêm ngành nghề mới cũng như hình thức đào tạo. Đồng thời, tổ chức tốt mạng lưới cung ứng dịch vụ lao động, xây dựng ngân hàng dữ liệu và cung cầu lao động. 

Ngoài ra, việc đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cũng là giải pháp quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Điển hình như Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình.

Năm 2019, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình, Sở VHTT&DL đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

{keywords}
Lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Ảnh: Thu Hường. 

Nguồn nhân lực làm việc tại các điểm du lịch trong khu vực hồ Hòa Bình đa số là những người nông dân quen với công việc thuần nông, chưa có kiến thức, kỹ năng về du lịch. Vì vậy, việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch thực sự cần thiết và quan trọng để đáp ứng sự hài lòng, tạo ấn tượng tốt đẹp về mảnh đất, con người vùng hồ sông Đà.      

Nhằm hỗ trợ, giúp đỡ các hộ dân khu vực lòng hồ có kiến thức, kỹ năng làm du lịch, Sở VHTT&DL đã mở nhiều lớp đào tạo, tập huấn. Cụ thể 1 lớp ở khu vực bản Ngòi, xã Ngòi Hoa (Tân Lạc), 1 lớp ở khu vực đảo Dừa, 1 lớp ở xóm Tiện, xã Thung Nai (Cao Phong). Gần đây nhất, Sở VHTT&DL tổ chức 1 lớp tập huấn, đào tạo hướng dẫn viên du lịch lòng hồ cho 31 học viên. Ngoài ra, Sở phối hợp với Phòng VHTT các huyện: Mai Châu, Cao Phong, Đà Bắc, Tân Lạc mở tại mỗi huyện 1 lớp tập huấn kỹ năng làm du lịch nông thôn (OCOP) năm 2019 cho các hộ làm du lịch trong Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình. 

Sở VHTT&DL còn tổ chức đào tạo, tập huấn cho tổ chức, cá nhân, đơn vị hoạt động kinh doanh vận tải thủy nội địa, người lái tàu và nhân viên phục vụ trên tàu những kiến thức, kỹ năng cơ bản về hoạt động du lịch sinh thái sông nước, tổng quan về du lịch Hòa Bình, Luật Du lịch, Luật Giao thông đường thủy nội địa; những kiến thức về sơ, cấp cứu; kỹ năng giao tiếp đối với khách du lịch. Qua đó, hoạt động vận tải khách du lịch đường thủy tại các bến cảng trên khu vực hồ Hòa Bình đi vào nề nếp...

Minh Phúc