Hoạt động mua bán động vật hoang dã và các bộ phận của chúng đều có giá trị nên các đối tượng đã bất chấp các quy định của pháp luật, lén lút thực hiện hành vi của mình. Thời gian qua, các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình liên tục đẩy mạnh tuyên truyền, tuần tra, đấu tranh và xử lý các vụ việc liên quan tới tội phạm về đa dạng sinh học.
Ngày 14/9/2023, từ thông tin của người dân, Công an TP. Hòa Bình phát hiện tại phường Dân Chủ có hoạt động tàng trữ, mua bán, vận chuyển động vật thuộc danh mục nguy cấp, quý hiếm. Cơ quan chức năng kiểm tra tại gia đình đối tượng Lê Mạnh Hùng (sinh năm 1972, trú tại tổ 1) cùng với vợ có hành vi mua bán động vật hoang dã. Cơ quan chức năng đã thu giữ bình rượu ngâm rắn hổ mang chúa và bình rượu ngâm “cà Sơn dương” - đây đều thuộc loại động vật nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ và cấm mua bán dưới mọi hình thức. Theo lời khai, Hùng mua bình rượu trên và đem bán lấy lời.
Trước đó, Công an huyện Cao Phong cũng đã bắt giữ đối tượng Bùi Văn Miên (sinh năm 1988, trú tại xã Hợp Phong, huyện Cao Phong) có hành vi mua bán động vật hoang dã trái phép. Tang vật thu được là 3 cá thể Báo lửa đã chết. Miên đang trên đường đi tiêu thụ thì bị bắt. Đây là loài động vật hoang dã quý hiếm được ưu tiên bảo vệ. Sau đó, Tòa án Nhân dân tỉnh Hòa Bình đã tuyên phạt Miên 4 năm tù giam với tội danh "Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm”.
Theo Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn áp dụng Điều 234 và 244 - Bộ luật Hình sự quy định cụ thể cá nhân, tổ chức có hành vi tàng trữ, sử dụng đầu, tim, bộ da, bộ xương, buồng gan... của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm như phôi động vật, huyết, nội tạng, da, lông, xương, sừng, ngà, chân, móng... đều là hành vi vi phạm pháp luật và phải được xử lý nghiêm.
Ngoài công tác đấu tranh trấn áp tội phạm về đa dạng sinh học, tỉnh Hòa Bình cũng tăng cường tuyên truyền tới cộng đồng dân cư về hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới vấn đề đa dạng sinh học như mua bán, vận chuyển, nuôi nhốt các loài động vật hoang dã, ý nghĩa của việc bảo tồn thiên nhiên.
Các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục người dân bỏ thói quen sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã như: không ăn uống các món chế biến từ thịt chim, thú rừng, không sử dụng sản phẩm mỹ nghệ, thời trang được chế biến từ động vật hoang dã như ngà voi, guốc thú, răng nanh lợn rừng, không dùng rượu và sử dụng các loài rắn, bò sát ngâm rượu.
Năm 2023, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Kế hoạch số 43/KH-UBND thực hiện Đề án “Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” trên địa bàn. Tỉnh đưa ra mục tiêu từ nay tới năm 2030 trên toàn tỉnh tập trung đổi mới hình thức tuyên truyền trong cộng đồng nhằm mục tiêu thay đổi nhận thức, hành vi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về bảo vệ, bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã. Đặc biệt, công tác tuyên truyền tập trung ở các khu vực vùng đệm rừng, các khu bảo tồn thiên nhiên trong tỉnh, lồng ghép vào các chương trình giáo dục trong nhà trường về ý nghĩa của bảo tồn đa dạng sinh học.
UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh Hòa Bình phối hợp với các lực lượng chức năng như Kiểm lâm tỉnh trong việc thực hiện nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất, bồi dưỡng cán bộ trong công tác đa dạng sinh học thông qua các buổi tập huấn chuyên sâu. Chủ động phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc liên quan tới hành vi mua bán động vật hoang dã. Giao trách nhiệm cho công an cơ sở tăng cường giám sát, tuần tra phát hiện sớm các hành vi vi phạm đa dạng sinh học.