“Mỗi lần chứng kiến một sự thật bị đánh tráo khiến các giá trị bị đảo lộn, thú thực là tôi hơi nản. Thôi thì, đành cố gắng sống thế nào cho đúng với sự mách bảo của lương tâm và hệ giá trị của riêng mình vậy! Thế, cũng đã là...” - Hoa hậu Việt Nam 1994 Nguyễn Thu Thủy chia sẻ nhân một loạt sự thật “đắng lòng”: Rác thì được tìm thấy ở nơi... tôn vinh sắc đẹp; lòng tốt bị lạm dụng ở chốn từ bi và trình độ “tiếng Anh bồi” ở... cựu đại sứ du lịch từng được cho là thông thạo 3 ngoại ngữ...

 

“Mèo nhỏ (chỉ nên) bắt chuột nhỏ”

Dạo trước thấy chị rất mặn mà với các chuyến thiện nguyện, nhưng gần đây vẻ như đã cạn dần tâm huyết? Là do chị cảm thấy đã hết “duyên nợ” với hai chữ “hoa hậu”, hay ở đâu đó, lòng tin đã bị mài mòn, rơi rớt?

- Đúng vậy! Độ hai năm trở lại đây, tôi đã bắt đầu hãm bớt nhiệt tình của mình lại. Chẳng bù cho trước đây là hễ nghe nói ở đâu có ai, việc gì cần giúp và mình có thể giúp là lao đi ngay. Nhưng sau bằng ấy năm tâm huyết, không hẳn vì hai chữ “hoa hậu”, thì tôi thấy có khá nhiều điều cần nghĩ lại.

{keywords}

Thứ nhất, những người từng được mình giúp đỡ, liệu họ đã thực sự cần đến sự giúp đỡ ấy, theo cách đấy của mình hay chưa? Hay biết đâu, việc mình làm đã “phạm” vào một quá trình thiết yếu - xét theo luật nhân quả của đạo Phật: Mỗi một kiếp nạn đều là do họ phải trả nợ cho tiền kiếp... Vậy, nên chăng?

- Tâm lý ỷ lại ở những người được giúp đỡ. Tôi thậm chí còn được một nguồn tin đáng tin cậy ở địa phương xác nhận rằng, một số hộ nghèo từng được chúng tôi giúp dựng lại nhà sau một trận lũ quét hay một trận cháy rừng nào đó, thậm chí còn tự tay... phóng hỏa đốt chính ngôi nhà đó chỉ để mong thêm lần nữa nhận được sự giúp đỡ. Hay như trước, tôi từng nhận đỡ đầu cho một bé gái mồ côi cả cha lẫn mẹ nhưng vẫn học rất giỏi và ít lâu sau, thì thấy cháu dùng điện thoại cầm tay và học hành dần sao nhãng. Không phải sự giúp đỡ nào cũng giúp mọi sự tốt lên, thậm chí có khi còn là ngược lại...

Việc đứng ra kêu gọi và nhận tiền từ các nhà hảo tâm thực ra là một việc làm hết sức nhạy cảm. Trên facebook, chẳng phải từng có người “thân bại danh liệt” chỉ vì một khoản thu - chi nào đó chưa đến 200.000 bị cho là thiếu minh bạch đấy là gì! Nói thật là tôi thấy sợ những màn “ném đá” kiểu đó. Nên về sau, thay vì đứng ra làm đầu mối kết nối, với mong muốn góp gió thành bão, thì giờ đây, tôi xác định “mèo nhỏ bắt chuột nhỏ” vậy, cho lành...

Nghĩa là, chị gần như bỏ cuộc?

- Không, tôi không bỏ cuộc, mà chỉ là cân nhắc, lựa chọn kỹ hơn trước mà thôi. Tốt nhất là nên biết lượng sức mình. Giờ, ưu tiên số 1 của tôi là các bệnh nhi ung thư, mà hơn hết là bố mẹ các em để giúp họ giảm thiểu nỗi đau một cách thấp nhất. Đã là năm thứ 6 chúng tôi làm việc đó với những đầu việc tính ra thì rất nhỏ, nhưng khá đều đặn và quan trọng, là sự ấm áp.

Lòng tốt không mất đi, chỉ khôn lên mà thôi!

Nỗi thất vọng vừa qua của cộng đồng facebook về nghi vấn lòng tốt bị lạm dụng tại chùa Bồ Đề (Hà Nội) có khiến chị thêm lần nữa cạn dần tâm huyết?

- Trước khi nghe chuyện này thì tôi cũng đã từng ghé một số chùa, trong đó có cả chùa Bồ Đề và cũng từng có những cảm nhận của riêng mình. Nói thật là ở nơi này hay nơi khác, không phải tôi không từng có lúc thấy gợn về cái cách nhà chùa (mà thực ra là các phật tử dưới danh nghĩa nhà chùa) làm từ thiện - quả thật là không đúng như mình trông đợi. Nhưng vì tất cả cũng mới chỉ là những quan sát có tính cảm tính nên tôi đã không chọn cách nói ra những điều mà cho đến giờ, tôi vẫn cho là bất nhẫn.

{keywords}

Từng lựa chọn giải pháp im lặng, có phải vì chị sợ rằng mỗi một lúc lòng tin bị chà xát, dù là bằng thiện chí: Đưa cái xấu, cái sai ra ánh sáng, thì cũng chính là ít nhiều làm hẹp đi cơ hội của những người cần được giúp đỡ?

- Cố nhiên là khi lòng tin bị mất đi thì cơ hội có thể cũng dần bị thu hẹp bớt. Nhưng một mặt, âu đó cũng là quy luật tự nhiên của sự đào thải: Cái gì không xứng đáng được tin, thì cũng sẽ có ngày bị chính lòng tin thải loại. Và theo lẽ thường thì ở đâu có lòng tốt, sự trắc ẩn thì cũng sẽ dễ có sự lạm dụng. Nhưng không vì thế mà lòng trắc ẩn và những điều tốt đẹp dễ dàng bị mất đi, mà đúng hơn, lòng tốt chỉ khôn lên mà thôi!

Lòng tốt khôn lên, bằng cách co cụm lại thủ thế, thay vì kết nối, lan tỏa - điều đó mà tốt hơn sao?

- Thế nào cũng được, miễn là lòng tốt. Đừng bao giờ kỳ vọng một môi trường lý tưởng cho lòng tốt và ngồi chờ đợi nó một cách thụ động. Thay vì thế, hãy hành động, dù là một việc làm nhỏ nhất. Dù đúng là, mỗi lần chứng kiến một sự thật bị đánh tráo khiến các giá trị bị đảo lộn, thú thực là tôi hơi nản. Thôi thì, đành cố gắng sống thế nào cho đúng với sự mách bảo của lương tâm và hệ giá trị của riêng mình vậy. Mỗi người cố gắng một chút, rồi dần dần, sẽ xích lại gần nhau, một cách rất tự nhiên. Thế, cũng đã là...

Rác”, thì được tìm thấy ở nơi... tôn vinh sắc đẹp, như cuộc thi “Nữ hoàng sắc đẹp” vừa rồi. Lòng tốt thì bị lạm dụng, ở một nơi không ngờ là chốn từ bi. Còn trình độ ngoại ngữ của cựu đại sứ du lịch VN thì té ra chỉ là một thứ “tiếng Anh bồi” đến là vui tính... Những sự thật đó, chị thấy sao?

- Rác, nếu được tìm thấy ở một cuộc thi không đáng tầm thì tôi cho cũng là điều dễ hiểu. Lòng trắc ẩn, nếu bị lạm dụng, tôi cho đó âu cũng là lẽ thường. Nhưng riêng vụ cựu đại sứ du lịch VN nói tiếng Anh và lên sóng truyền thông nước ngoài thì tôi e là hơi... khó hiểu. Vì nó không đủ để đại diện cho cái gì cả. Sự duyên dáng, bặt thiệp của một phụ nữ VN ư? Không. Trừ khi là đại diện cho một cố tật thường thấy ở ta: Tùy tiện, đại khái, mồm miệng đỡ chân tay...

Sức thuyết phục của một đại sứ du lịch đại diện cho một quốc gia ư? Lại càng không! Xét về hiệu ứng truyền thông, như thế là hỏng bét. Tự cô ấy làm hỏng. Thà rằng, đó là một tình huống bất ngờ, nhưng đây, cô ấy rõ ràng được chuẩn bị. Nhưng vẻ như, đại sứ du lịch của chúng ta đã chỉ chú trọng vào khâu xống áo...

Nếu được chọn một chữ, để được dễ thở hơn lúc này, chị chọn chữ gì?

- Chữ “Nhẫn” theo tôi lúc này là cần thiết. Nhẫn, để đừng bộc lộ mình quá dễ dãi. Nhẫn, để không yêu ghét một cái gì đó quá nhanh. Và nếu trót là một người của công chúng, thì còn là để không phát ngôn quá sớm, về một điều gì đấy...

Theo Lao Động