Những ngày tháng 4 lịch sử mang đến cho mỗi người con đất Việt những xúc cảm đặc biệt. Đó là cảm xúc thiêng liêng trào dâng trên mỗi chuyến tàu ra thăm các chiến sỹ và người dân nơi “đầu sóng ngọn gió” – Trường Sa thân yêu. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc được sống trong hòa bình, độc lập, đất nước thống nhất.
Kể từ năm 2012, đã có 8 đoàn với hơn 500 lượt kiều bào ra thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Trong số đó có cả những người trước đây có cái nhìn, phát biểu cực đoan về đất nước, về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Nhưng sau mỗi chuyến đi không thể nào quên đó, trong tâm thức của mỗi kiều bào luôn có suy nghĩ phải làm gì đó cho Trường Sa. Từ những cân sấu tươi gói gém bao niềm yêu thương cho tới những chiếc xuồng chủ quyền trị giá hàng tỷ đồng gửi tặng các chiến sỹ và người dân nơi đảo xa.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với các kiều bào |
Được đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, chứng kiến cuộc sống thanh bình và những nụ cười giòn tan ở nơi ngập tràn nắng gió, bà con ta, ai ai cũng không thể giấu được nỗi xúc động.
Không chỉ những kiều bào có dịp ra thăm Trường Sa, mà bà con ta ở khắp nơi trên thế giới đều có nhiều hoạt động thiết thực hướng về biển đảo thân yêu của Tổ quốc. Đó là các buổi triển lãm, hội thảo về Biển Đông, là những đợt quyên góp tiền và hàng hóa trị giá hàng tỷ đồng ủng hộ “Quỹ vì biển, đảo Việt Nam”.
Đúng là, đứng trước những vấn đề thiêng liêng như chủ quyền quốc gia, chúng ta, bất kể là người dân trong nước hay ngoài nước, bất kể là bà con kiều bào ra đi với hoàn cảnh, lý do nào, thậm chí còn có những quan điểm, thái độ chính trị khác biệt, đều là con của mẹ hiền Việt Nam, cùng chung nhịp đập và dòng máu Lạc Hồng.
Cũng đã từng nhiều năm sống ở nước ngoài, tôi tâm đắc với chia sẻ của nhà văn Hiệu Constant (kiều bào Pháp), thành viên đoàn thăm Trường Sa năm 2018, rằng nhiều năm sống xa Tổ quốc, kiều bào các chị luôn nhớ về cố hương: “Sông dù lớn bao nhiêu cũng đổ về với biển, lá tươi tốt bao nhiêu khi già cũng rụng về cội rễ. Nước mắt nào cũng mặn, dòng máu nào cũng đỏ, người Việt mình cho dù sống ở bất kỳ phương trời nào, chính kiến ra sao, cuối cùng thì vẫn hướng về cội nguồn, về với quê hương Tổ quốc của mình”.
Mẫu số chung là tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc
Lịch sử thăng trầm của nước nhà khiến nhiều người con đất Việt phải phiêu bạt, bôn ba nơi xứ người. Đồng bào ta ở nước ngoài hầu hết đều có lòng yêu nước nồng nàn, hướng về nguồn cội. Mặc dù vậy, vẫn có một bộ phận còn giữ định kiến, chưa có nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia – dân tộc.
Hiểu rõ điều đó, chủ trương đoàn kết, hòa hợp dân tộc đã được Đảng và Nhà nước ta xác định ngay từ rất sớm.
Phút giây gặp gỡ lính đảo Trường Sa của kiều bào. Ảnh: Quỳnh Trang |
Ngày 31-5-1946, trong Thư gửi đồng bào Nam Bộ trước khi lên đường sang thăm nước Pháp và dự Hội nghị Phông-ten-nơ-blô, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang”.
Tinh thần nhân văn và cao cả đó của Hồ Chủ tịch có cội rễ từ truyền thống khoan dung, hòa hiếu, nhân nghĩa được hun đúc từ ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam. Tinh thần đó cũng thấm sâu vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta sau này.
Được biết, ngay từ đầu những năm 2000, chúng ta đã tăng cường tiếp xúc, đối thoại với rất nhiều nhân vật từng làm việc trong chế độ Việt Nam Cộng hòa trước đây, như mời ông Nguyễn Cao Kỳ, tướng Đỗ Mậu về nước; hay nhạc sỹ Phạm Duy đã về định cư ở Việt Nam. Hay những việc làm tuy nhỏ thôi, nhưng lại có ý nghĩa rất lớn, là năm 2005, chính quyền đã chuyển Nghĩa trang Bình Dương, trước đây của quân đội Việt Nam Cộng hòa, thành Nghĩa trang nhân dân Bình An, hoạt động theo quy chế nghĩa trang dân sự, nghĩa là thân nhân có thể đến bất cứ lúc nào để thăm viếng, tu sửa mộ phần.
Những nỗ lực trên đã giúp làm bớt đi rất nhiều những nghi kỵ, những định kiến, thù địch của quá khứ. Xu hướng người Việt Nam ở nước ngoài về nước, đóng góp xây dựng quê hương ngày càng gia tăng.
Những kết quả đạt được trong công tác hòa hợp dân tộc một phần quan trọng xuất phát từ sự chân thành, hay như Hồ Chủ tịch đã nói “lấy tình thân ái mà cảm hóa họ”. Lẽ dĩ nhiên, đây là nhiệm vụ lớn, quan trọng và lâu dài nên chúng ta vẫn còn nhiều điều phải làm, phải trăn trở.
Kể từ năm 2012, đã có 8 đoàn với hơn 500 lượt kiều bào ra thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 |
Thực tế thời gian qua cho thấy, việc nhận thức và triển khai các chủ trương, chính sách về đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc có lúc, có nơi chưa thực sự đầy đủ và thống nhất, đâu đó còn tâm lý nghi kỵ kiều bào.
Ngoài ra, việc ban hành và triển khai một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật liên quan đến kiều bào còn bất cập, gây khó khăn, vướng mắc cho bà con khi về nước làm việc, đầu tư, kinh doanh...
Để “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” (Nghị quyết Đại hội 13), thiết nghĩ, hơn lúc nào hết, cần “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, không để những định kiến, hận thù và bất đồng cản trở con đường phát triển của dân tộc, cũng như nguyện vọng của đông đảo người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước.
Nguyên Chủ tịch nước trăn trở về hòa hợp dân tộc
Xét về tình dân tộc, nghĩa đồng bào, đã 40 năm rồi, trong quan hệ cởi mở, đối xử nhẹ nhàng - nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nói về hòa hợp dân tộc.
Hoàng Trường