Khách hàng giao dịch qua hệ thống ngân hàng: máy ATM, dịch vụ ngân hàng điện tử, qua điện thoại, tại quầy… ngày càng phổ biến và cũng tỉ lệ thuận với mức phí của các ngân hàng.
Vừa đăng ký xong dịch vụ ngân hàng (NH) điện tử - internet banking của một NH thương mại ở TP HCM, chị Phương (ngụ quận 9) lập tức bị trừ 176.000 đồng phí sử dụng trong 1 năm.
Giao dịch là mất phí!
Nhân viên NH này giải thích mức phí bắt đầu được thu theo quy định của NH từ tháng 9-2013, trước đó dịch vụ này miễn phí đăng ký. “Mới đăng ký dịch vụ, tôi còn chưa kích hoạt tài khoản để sử dụng đã nhận được tin nhắn NH báo trừ tiền” - chị Phương than. Đây chỉ là phí đăng ký sử dụng dịch vụ, còn mỗi lần giao dịch, khách hàng phải mất phí.
Dịch vụ internet banking hiện được nhiều NH triển khai, giúp khách hàng có thể chuyển khoản tiện lợi bất kể thời gian, chuyển khoản liên NH với hạn mức số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng nhưng mức phí không hề rẻ.
Hiện mức phí phổ biến của các NH qua internet banking như chuyển khoản bằng VNĐ cùng hệ thống nhưng khác tỉnh, thành phố là 10.000 đồng/lần, chuyển khoản ngoài hệ thống cùng tỉnh, thành phố tối thiểu là 15.000 đồng/lần và khác tỉnh, thành phố tối thiểu là 20.000 đồng/lần, chuyển khoản liên NH theo số thẻ là 5.000 đồng/lần… Nếu khách hàng chuyển khoản trong vòng 2 ngày làm việc kể từ ngày nộp tiền mặt vào tài khoản còn bị thu thêm phí kiểm đếm tối thiểu từ 10.000 - 15.000 đồng/lần.
Đầu năm 2014, NH TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) bất ngờ thông báo thu phí giao dịch nội mạng qua internet banking thay vì miễn phí như trước. Khách hàng chuyển tiền nội mạng sẽ mất 3.300 đồng/giao dịch, ngoại mạng 11.000 đồng/giao dịch. Với dịch vụ SMS banking, báo số dư qua tin nhắn điện thoại, mỗi tháng khách hàng của Vietcombank mất 8.800 đồng...
Theo quy định, NH được quyền thu các loại phí dịch vụ nhưng nhiều khoản phí rất vô lý mà khách hàng đành chịu. Cách đây không lâu, chị Lê Thị Loan (ngụ quận 2, TP HCM) mở sổ tiết kiệm kỳ hạn tại NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh Đông Sài Gòn. Ngày đáo hạn, chị ghé Phòng Giao dịch Agribank Chi nhánh Biên Hòa (Đồng Nai) yêu cầu tất toán sổ tiết kiệm, lấy tiền mặt và bị thu phí 0,05% tổng số tiền.
“Đây là tiền nhàn rỗi gửi tiết kiệm, nay đến hạn tất toán, tôi không gửi tiếp mà rút ra cũng bị mất phí thật vô lý. Gửi 130 triệu đồng mà rút ra mất đến 65.000 đồng phí. Vậy mà nhân viên NH trả lời: Nếu muốn miễn phí, chị phải lên đúng chi nhánh mở sổ tiết kiệm” - chị Loan bức xúc.
Mỗi lần nhắc đến chuyện phí NH, chị Mai Ngọc (ngụ quận 7, TP HCM) lại bực mình. Tài khoản của chị Ngọc mở tại Agribank. Một lần cháu gái chị từ Hà Nội chuyển tiền vào nhờ mua nhà, chị đến một phòng giao dịch Agribank trên địa bàn quận 2 yêu cầu chuyển 10 tỉ đồng tiền mua nhà cho khách hàng có tài khoản tại Agribank Chi nhánh Chợ Lớn. Nhân viên NH cho biết chị sẽ mất phí kiểm đếm là 0,015% tổng số tiền (tối đa 330.000 đồng). “Tiền trong tài khoản của tôi chuyển cho đối tác cùng NH mà cũng tốn phí. Cuối cùng, tôi phải rút toàn bộ số tiền trong tài khoản ra, đem đến Chi nhánh Chợ Lớn để nộp vào tài khoản đối tác” - chị Mai Ngọc phàn nàn.
Khách hàng: “Trứng nằm trong rổ”
“Hoa mắt” nhất có lẽ là mức phí đối với khách hàng giao dịch trên máy ATM. Từ ngày 1-3-2013, theo Thông tư 35 của NH Nhà nước, các NH thương mại được phép thu cả phí rút tiền ATM nội mạng. Theo đó, khi giao dịch qua ATM, khách hàng sẽ tốn đủ thứ phí như phí rút tiền nội mạng, chuyển khoản, in sao kê, vấn tin. Ngoài ra, khách hàng có thẻ ATM còn mất phí phát hành thẻ, phí thường niên, phí cấp lại mã PIN, phí cấp lại thẻ, phí xác nhận số dư tài khoản thẻ… NH TMCP Đông Á có thêm dịch vụ gửi tiền qua phong bì tại ATM khá tiện lợi nhưng chủ thẻ cũng phải mất 4.400 đồng/lần. Kết quả, mỗi tài khoản khách hàng sử dụng phải gánh cả chục loại phí.
Theo lộ trình thu phí thẻ ATM tại Thông tư 35 của NH Nhà nước, năm 2014, các NH thương mại được phép thu 2.000 đồng/lần phí rút tiền nội mạng và có thể tăng lên 3.000 đồng/lần vào năm 2015. Đối với các loại phí khác, NH thương mại được tự quy định nên mức phí mỗi NH không giống nhau, thậm chí không ít NH còn đẩy mạnh thu phí dịch vụ. Tuy nhiên, không phải mức phí nào cũng tương xứng với chất lượng. Rõ nhất là chuyện về máy ATM, mỗi dịp lễ, Tết, tình trạng nghẽn mạng, máy hết tiền, máy nuốt thẻ, tiền rách vẫn xảy ra nhưng phí ngày một tăng. Có chủ thẻ phải chờ hàng giờ để rút tiền nhưng tới lượt thì máy… hết tiền!
Phó tổng giám đốc một NH TMCP giải thích theo nguyên tắc, sử dụng dịch vụ phải trả phí. Nhưng với NH có ít khách hàng và đang cần phát triển, quảng bá thương hiệu sẽ miễn phí để thu hút. Ngược lại, những NH xây dựng được lượng khách hàng lớn sau một thời gian miễn phí sẽ chuyển sang khai thác phí dịch vụ một cách tối đa để thu lợi nhuận. Khoản phí dịch vụ thường chiếm từ 10%-15% doanh thu của NH. “Phí dịch vụ là khoản dễ thu và lại ít rủi ro nhất cho NH, trong khi lợi nhuận thu về không hề nhỏ, nhất là với NH có đông khách hàng” - vị này nhận xét.
Nên hỏi rõ mức phí
Theo quy định, các NH phải niêm yết công khai các mức phí dịch vụ tại quầy, điểm giao dịch, chi nhánh. Vì vậy, khách hàng khi đến NH giao dịch cần hỏi rõ mức phí, tìm hiểu mức phí để tránh bị thu sai hoặc không rõ gây hiểu lầm. Với các dịch vụ tiện ích, nhiều NH sau thời gian đầu miễn phí sẽ tiến hành thu phí, khách hàng cũng cần hỏi kỹ để tránh đăng ký sử dụng dịch vụ rồi bị trừ tiền mới biết.
Theo NLĐ