Họa sĩ Bùi Văn Tuất |
Nghệ sĩ được định danh bởi những gì họ sáng tạo ra. Sáng tạo ấy được đón nhận tức là người nghệ sĩ ấy thành công. Đằng sau sự thành công ấy, chắc chắn (và luôn luôn) là tài năng, là đam mê tìm tòi thể nghiệm. Là nỗ lực vượt thoát chính những thành công của mình. Thậm chí phủ nhận nó. Để luôn luôn mới. Điều ấy mới thực đáng kể. Và đáng trân trọng, tất nhiên. Ở đây tôi muốn nói về Bùi Văn Tuất, một họa sĩ mà cái tên và tranh của anh đang rất được quan tâm hiện nay.
Là một kẻ ngoại đạo toàn phần nhưng với tôi hội họa luôn có sức hấp dẫn khó cưỡng. Tôi bị quyến rũ bởi những vệt màu linh hoạt, những mảng sáng tối tương phản uyển chuyển, và đặc biệt là ở cái tinh thần tỏa ra từ toàn thể bức tranh. Vì yêu mến nên nảy ra ý muốn tìm hiểu một cách nghiêm túc, tôi bắt đầu quan tâm tới những bức tranh chân dung trước, bởi đây là thể loại lạ lùng nhất: dễ xem dễ hiểu nhưng lại khó vô cùng trong việc tạo ra nó. Tôi cứ luôn tò mò rằng, làm thế nào mà người họa sĩ lại có thể bắt được cái thần của nguyên mẫu mà cho vào tranh. Sự tò mò ấy dẫn tôi đến với tranh của họa sĩ Bùi Văn Tuất, một cái tên tất nhiên xa lạ với tôi ở thời điểm đó nhưng lại quá quen thuộc trong làng Hội họa cũng như với giới mộ điệu.
Chân dung trong tranh của Tuất rất đa dạng. Mọi độ tuổi, mọi giới tính, ngành nghề. Nhưng tôi đặc biệt thích bọn trẻ con trong tranh của Tuất. Trẻ con thì đáng yêu. Nhưng không phải lúc nào người lớn chúng ta cũng đủ kiên nhẫn để chơi cùng chúng mà không có lúc điên đầu. Trẻ con thì nhiều họa sĩ cũng đã vẽ. Nhưng để vẽ ra được cái chất trẻ con thì hiếm. Tuất là một trong số ít đó. Để làm được điều đó, thì chỉ yêu chúng thôi là chưa đủ, mà còn phải hiểu chúng nữa. Bởi chỉ có hiểu mới nắm bắt được những biểu cảm phong phú của chúng.
Trẻ em xuất hiện nhiều trong tranh của Bùi Văn Tuất. |
Sau này có dip trò chuyện với Tuất, tôi nhận ra Tuất rất yêu chúng theo cách của chính bọn chúng, tức là Tuất tự thu nhỏ mình lại bằng chúng để chơi đùa, để hòa vào tâm hồn chúng. Sự gắn kết làm một ấy truyền ra đầu ngọn bút, theo từng vệt màu mà thành thần thái của từng đứa. Hãy ngắm nhìn loạt tranh chân dung những đứa trẻ vùng cao Tây Bắc, ta sẽ thấy ở mỗi dáng vẻ, mỗi khuôn mặt đều toát lên nét hoang dại ngơ ngác đặc trưng, lại vừa thấy thấp thoáng trong đó cái tinh nghịch, ngây thơ trong trẻo của tuổi thơ.
Ví dụ như ở bức Nắng, Tuất vẽ một cô bé con tựa lưng vào bức tường trình, bao trùm cô bé là ánh nắng ấm áp trong lành. Nhưng khi nhìn vào đôi mắt, mái tóc, vào đôi má bầu bĩnh thoáng lem luốc ấy ta lại phân vân tự hỏi, có thực là cái quầng sáng long lanh ấy từ trên cao rọi xuống qua mái nhà, qua ô cửa hay là từ chính cô bé tỏa ra? Hoặc như ở bức Một ngày như thế, Tuất vẽ một đám trẻ con chơi trên hiên nhà. Thoạt nhìn ta sẽ thấy như không có sự liên kết nào giữa chúng bởi chúng đứng tách ra thành những nhóm rời rạc. Nhưng khi ngắm lâu hơn một chút, ta sẽ nhận ra, ồ, hóa ra cái gắn kết chúng chính là sự trông chừng lẫn nhau: đứa lớn trông đứa nhỏ, đứa nhỏ chăm chú với những việc riêng nhỏ khác. Sự trông chừng ấy tạo ra một bầu không khí yên lành trong mát mà ở đó tới cả những con vật cũng trở nên ngoan hiền.
Một mảng nữa trong sáng tác của Tuất cũng khiến tôi thích thú, ấy là loạt tranh phong cảnh. Gọi là phong cảnh nhưng thực ra là những lát cắt, những trích đoạn của không gian sống. Đây một góc bếp với nồi niêu treo trên vách ám khói, kia một ấm nước đang sôi trên bếp củi đỏ lửa, và kia nữa, một chú cún nhỏ nằm ngủ say sưa trên thềm đất nện… Ở đây, tranh không còn là tranh nữa, mà là cuộc sống bởi từ những vật dụng giản dị ấy, chúng ta nhìn ra câu chuyện của gia đình làng bản, của một nơi chốn thân thương đã lâu ta không trở lại. Ở đây, những kẻ trưởng thành gặp nhau trên bờ kí ức, sự gặp gỡ ấy khiến ta không khỏi rưng rưng.
Bùi Văn Tuất có tiếng trong giới về thể loại chân dung. |
Thời nay, nghệ sĩ sống được với nghề, thật mừng là khá nhiều. Phải cảm ơn thế giới phẳng, bởi nhờ đó mà kiến văn nghệ thuật của mọi người được mở rộng, cơ hội để người ta tiếp xúc với cái đẹp cũng như nhu cầu sở hữu cái đẹp nhiều hơn, nghệ thuật vì thế mà được trân trọng và đánh giá đúng mức. Bùi Văn Tuất có tiếng trong giới về thể loại chân dung, điều này không cần nhắc lại. Đó là chiếc cầu nối công chúng với Tuất, những người muốn sở hữu một bức chân dung của chính mình theo lối biểu hiện của hội họa. Tuất làm tốt điều đó. Nhưng tôi phải nói (một cách không kiêng dè) thế này, tôi không có thiện cảm với những bức chân dung đặt hàng đó (cho dù theo quy định, chúng vẫn được gọi là một tác phẩm nghệ thuật).
Sự phóng tác tự do phát xuất từ cảm xúc tự nhiên mới là thứ khiến cho một bức tranh có hồn, chứ không phải là từ một nguyên mẫu ngồi im lặng hàng giờ. Với tôi, việc ấy nhàm chán tẻ ngắt như cách một học trò trả bài vậy. Những chân dung ấy có giống mẫu không? Giống chứ, rất giống là khác, chẳng khác gì ảnh chụp.
Thế nên, bỏ lại bên ngoài mọi định kiến, tôi đứng ngắm những bức chân dung ấy một cách nghiêm túc và tự hỏi, liệu cái khả năng gò cảm xúc của mình vào khuôn khổ khi vẽ theo đơn đặt hàng có phải là một trong những yếu tố tạo nên tính chuyên nghiệp của một người nghệ sĩ hay không? Và nếu đúng thì Tuất, và những họa sĩ vẽ theo đơn đặt hàng như Tuất thực sự quá giỏi. Lời giãi bày của Tuất sau đó khiến tôi nghĩ ngợi, rằng “có những việc mình không thích nhưng mình cần phải làm, bởi nó là bước chuẩn bị tài chính cho những dự án nghệ thuật tiếp theo. Thêm nữa, ngoài nghệ thuật, nghệ sĩ cũng có một cuộc sống phải chăm lo mà”.
Bếp núc và chó mèo là đề tài Bùi Văn Tuất theo đuổi. |
Nhưng nghệ thuật là con đường không có điểm kết thúc. Một con đường cứ trải dài mở rộng ra mãi. Nó không dung nạp nghi thức “dậm chân tại chỗ”. Không. Nghệ thuật là một điều đẹp đẽ khắc nghiệt. Người nghệ sĩ, trong ngôi đền thiêng của mình phải là một con chiên cực đoan. Phải đẩy mình tới tận cùng của mọi chiều kích, đó không phải chỉ là thái độ thể hiện lòng mộ đạo mà nó ngõ hầu giúp nghệ sĩ nhìn thấu khả năng của mình, rằng hóa ra mình còn làm được nhiều đến thế. Sự dám dấn thân, dám bước ra khỏi cái kén thành công an toàn chính là lòng tự trọng mà mỗi người nghệ sĩ kẻ sáng tạo nên và cần phải có nếu muốn có tên trong ngôi đền thiêng nghệ thuật.
Tôi cảm thấy thế nào trong cuộc triển lãm gần đây nhất của Tuất? Tôi đã tự đặt ra câu hỏi cho mình. Những bức tranh của Tuất còn đẹp không? Còn. Còn cảm xúc khi nhìn ngắm không? Còn. Nhưng tại sao tôi chưa thấy thỏa mãn. Tại sao tôi vẫn thấy chưa đủ. Dường như còn thiếu một điều gì đó, hay đúng hơn là nó khiến tôi cảm thấy Tuất chưa đi hết khả năng của mình. Tuất chưa khám phá ra những cách biểu đạt khác mà đôi bàn tay Tuất có đủ khả năng khiến nó hiển lộ. Tôi xem Tuất ở tất cả các triển lãm mà Tuất tham gia, đặc biệt là triển lãm cá nhân năm 2018.
Nhìn qua nhìn lại vẫn chừng ấy đề tài: chân dung trẻ em, bếp núc, chó mèo… Không gì thêm. Không gì mới. Một thoáng lo âu tiếc nuối đọng lại trong tôi. Nhưng sợ mình chủ quan cảm tính, nên tôi đặt câu hỏi ngược lại rằng, phải chăng Tuất đang chơi kế nghi binh, đang cố tình tạo ra một sự nhàm chán dễ chịu để toan tính một kế hoạch gì khác. Dù gì, tôi vẫn mong muốn được nhìn thấy một Bùi Văn Tuất khác, dữ dội hơn cũng được, sexy hơn cũng được, cực đoan hơn cũng được, nhưng phải khác.
Bùi Văn Tuất sẽ có cuộc triển lãm Nhóm với Hải Kiên và Trần Thị Trường vào tháng 8 này. |
Một vài người nói “cái tạng ông Tuất thế nên tranh cứ luôn hiền lành”. Tôi thì không nghĩ vậy. Nhìn vào cách đi màu của Tuất, cách Tuất tạo sợi dây kết nối kín đáo nhưng mạnh mẽ giữa nhân vật trong tranh với người xem tôi tin Tuất có thể làm khác và hơn thế. Họa sĩ, ngoài cái tài năng thiên bẩm ra còn có một sự nhạy cảm lớn, sự nhạy cảm ấy là hải đăng soi lối khích lệ người nghệ sĩ đi tới, dấn thân thể nghiệm. Chẳng có gì là bất di bất dịch trong câu chuyện nghệ thuật cả. Sáng tạo sáng tạo và sáng tạo không ngừng, đó mới chính là con đường của một nghệ sĩ chân chính. Mới là cách để người nghệ sĩ không “chết” đi.
Trên con đường sáng tạo, thành công là điều đáng mừng. Nhưng thành công ấy cũng chính là một cái bẫy êm ái. Nếu người nghệ sĩ không tỉnh táo sẽ dễ sa lầy vào chính mình. Để rồi tất cả những gì được đẻ ra sau đó chỉ là một sự lặp lại, một cái chết cũ trong vạn hình hài mới. Sự im ắng từ Bùi Văn Tuất thời gian này dường như chỉ ra cho tôi thấy cái tỉnh táo ấy của Tuất. Tuất cần một khoảng lặng. Những người yêu mến Tuất cũng vậy. Tuất cần một sự mất hút theo nghĩa đen. Để rồi sau đó chúng ta sẽ gặp một Bùi Văn Tuất hoàn toàn mới. Mà không, vẫn là Tuất với cái tâm hồn trong trẻo, nhạy cảm ấy nhưng ở một sắc thái khác, sắc sảo hơn, như một trái chín được soi rọi ở một hướng sáng khác. Và chắc chắn sự ngóng chờ của công chúng mến mộ Tuất sẽ được đền bù xứng đáng.
Tôi chờ bởi tôi tin là thế. Tôi tin vào một sự trở lại đầy ngoạn mục của Tuất, vào một ngày nào đó, có thể vào Bùi Văn Tuất sẽ làm chúng ta ngạc nhiên trong cuộc triển lãm Nhóm với Hải Kiên và Trần Thị Trường vào tháng Tám này ở Hàng Bài Hà Nội.
Phạm Thị
Ngắm nhìn thế giới nghệ thuật đồ họa qua tranh Trần Văn Quân
30 năm gắn bó với nghệ thuật được họa sĩ Trần Văn Quân trải lòng trong buổi triển lãm cá nhân diễn ra từ ngày 4/7- 14/7.