Hom Nguyễn cho biết rất xúc động khi có dịp trở về Việt Nam. Dịp hồi hương này càng ý nghĩa khi anh ra mắt dự án đặc biệt: tác phẩm hội họa được vẽ trên thân chiếc siêu xe độc bản.

Họa sĩ khai thác vẻ đẹp chân dung con người – sự kết hợp giữa yếu tố trừu tượng và tượng hình. Tác phẩm nghệ thuật có tên Icare, lấy cảm hứng từ thần thoại Hy Lạp Icarus.

batch dd80f71461 d0c4 4bf4 b9a5 68ba3f85161d.jpg
Họa sĩ Hom Nguyễn trong sự kiện ra mắt tác phẩm độc bản. 

Hom Nguyễn từng sử dụng qua nhiều chất liệu khác nhau song đây là lần đầu tiên vẽ trên bề mặt carbon. Họa sĩ không được dùng tay chạm lên chiếc xe. Khi vẽ, anh phải cầm bút theo chiều thẳng, tỉ mỉ phác thảo từng chi tiết và không được phép sai sót hay tẩy xóa.  

batch ddccd075a8 d7ed 4153 91fa eb19f5931a65.jpg
Chiếc siêu xe trở thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo với hội họa của Hom Nguyễn. 

Hom Nguyễn đã thực sự ăn ngủ, hòa mình vào tác phẩm. Anh sáng tạo đứa con tinh thần mới trong xưởng sản xuất của McLaren để lấy cảm hứng và tạo động lực làm việc. 

“Tôi đã nỗ lực rất nhiều cho tác phẩm đặc biệt này. Tôi làm việc suốt ngày đêm, tập trung tinh thần cao độ vì đây là tác phẩm độc bản, mỗi nét vẽ đều độc đáo và duy nhất”, anh nói. 

Họa tiết như những gợn sóng, tưởng như nguệch ngoạc" lại kết hợp thành dáng một người phụ nữ. 

Thay vì chọn tông màu rực rỡ, Hom Nguyễn tối giản tác phẩm với gam trắng - đen. Họa sĩ muốn thể hiện trọn vẹn nét dịu dàng, nền nã của gương mặt người phụ nữ. 

Chiếc siêu xe này thuộc sở hữu của doanh nhân Phạm Trần Nhật Minh (tức Minh Nhựa). Họa sĩ và nam doanh nhân đã có buổi gặp gỡ, trò chuyện để thống nhất về ý tưởng thể hiện trên xe. 

09 sv.jpg
Doanh nhân Minh Nhựa và họa sĩ Hom Nguyễn trong buổi bàn giao xe tại Anh. 

Doanh nhân Phạm Trần Nhật Minh muốn dành sự tri ân đến người mẹ, người vợ… và hơn cả là những người phụ nữ trên thế giới. Đây cũng là nguồn cảm hứng để Hom Nguyễn sáng tạo. Khi tác phẩm hoàn thành, họ đã ôm nhau và rơi nước mắt. 

Hom Nguyễn là nghệ sĩ đương đại nổi bật, nổi tiếng với dòng tranh chân dung khổ lớn, vẽ bằng than, bột màu, sơn dầu, bút chì hay acrylic... Anh sớm bộc lộ tài hội họa, tuy nhiên gia cảnh khó khăn, mẹ bị tai nạn giao thông và không biết tiếng Pháp. Hom phải thôi học, bươn chải kiếm sống xứ người khi mới 12 tuổi. 

Trở thành họa sĩ ở tuổi gần 40, Hom Nguyen có cơ hội trưng bày tác phẩm tại Grand Palais - được xem là "Khải Hoàn Môn trong giới nghệ thuật" tại Paris, Pháp. Cựu Tổng thống Pháp - ông Francois Hollande - từng đến thưởng tranh và dành nhiều lời khen Hom.

Chất Việt Nam trong tranh của Hom Nguyễn hiển hiện qua chủ đề mà anh tâm huyết: đó là những khuôn mặt đậm nét Á Đông truyền thống với bao cảm xúc ẩn giấu sau đôi mắt. Sự say mê của Hom Nguyễn khi khắc họa những bức chân dung đó được anh lý giải như một cách bày tỏ sự tôn kính của anh với mẹ, một phụ nữ Hà Nội, sự gắn bó sâu sắc với cội nguồn và tình yêu mến đất nước Việt Nam mà thuở nhỏ anh từng nghe mẹ kể hàng đêm.

Từ năm 2013, Hom Nguyễn thực hiện các triển lãm cá nhân ở nhiều nơi như Pháp, Indonesia, Singapore... được các tạp chí và tổ chức hàng đầu mời hợp tác như Vogue, UN, McLaren Automotive... Tháng 11/2021, Hom Nguyen được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ký sắc lệnh trao Huân chương Công trạng Quốc gia tước hiệu Hiệp sĩ vì "Cống hiến tích cực cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật".