Với Phạm Bình Chương, Thủ đô dường như có đủ thứ mà họa sĩ cần, sự cổ kính xen lẫn hiện đại, sự tĩnh lặng đi cùng náo nhiệt, rồi sự khác biệt rõ rệt của bốn mùa.
Trải qua nhiều thay đổi nhưng điều thú vị nhất Phạm Bình Chương phát hiện ra là ở Hà Nội không có cái gì mất đi hoàn toàn mà đều có sự tồn tại đan xen. Đây chính là sức hấp dẫn lớn nhất đối với tác giả - người nhận ra một Hà Nội dai dẳng các tầng ký ức và phản ánh lại bằng con đường hội họa tân cổ điển.
Theo hoạ sĩ, sự đa dạng trong đời sống đang tiếp diễn đầy xung đột nhưng lại là những sự xung đột dịu êm. Các tác phẩm trong Xuống phố 4 được tác giả khai thác mạnh mẽ nội dung này. Ngoài những góc quen và chân thực, nhiều “tầng tầng lớp lớp” được Phạm Bình Chương thể hiện trong triển lãm lần này.
Những biển hiệu xi măng thời Pháp còn sót nằm cạnh các tấm biển hộp thời mới. Cửa gỗ xếp tấm được đặt cùng cửa xếp kéo trong một số nhà… Những sự xung đột “vỏ phố” này không có hạn định, không báo trước. Nó cứ lặng lẽ xuất hiện, tiếp nối rồi tự đào thải mà nhiều người không hề biết được có những thứ rất đỗi quen thuộc hàng ngày một thời đã biến đi mãi mãi. Ví như cái bơm đầu ngã ba, cái cột điện lằng nhằng dây hay hộp gỗ đựng thuốc lá…
Điểm mới nhất ở bộ tranh lần này là Phạm Bình Chương khai thác những bút tích lưu lại từ những thế hệ tiếp nối trong quá trình vận động của đời sống phố phường. Một bức tường cũ thoạt trông rất bình thường nhưng quan sát kỹ sẽ thấy sự cạnh tranh khốc liệt, bao gồm cả sự sinh tồn và xâm thực văn hóa. Từ chữ dập "khoan cắt bê tông" đến tờ rơi dán vội, và nét vẽ graffiti kiểu phương Tây đè chồng lẫn nhau trên bức tường vôi cũ.
Tác giả tâm sự: “Tôi cố gắng vẽ đúng nhất để thể hiện sự tôn trọng những người đã để lại bút tích, thậm chí nhập vai họ như thể mình đang vẽ tranh tường thật, hay đang dập nhanh chữ 'khoan cắt'. Khi vẽ kỹ sẽ thấy mọi thứ đều không đơn giản vì cuộc sống là cạnh tranh, là sự tiện dụng và đào thải.
Nhưng bên bức tường biến hóa ấy lại có thứ như bất biến. Đó là một quán nước với những khách hàng quen thuộc. Họ ngồi đó hàng ngày với những câu chuyện đời thường bất tận. Bà chủ quán góp vui cho bức tường bằng cái áo treo. Rồi một ngày bức tường đó sẽ được quét trắng tinh bởi nhóm sinh viên tình nguyện, một đời sống mới lại bắt đầu…”.
Tất cả được họa sĩ thẩm thấu và thể hiện “hồn phố” một cách bình dị, sâu lắng trong bộ tranh này. Đặc biệt là các bức tranh khổ lớn, người xem sẽ cảm nhận rõ hơn “hồn phố” ở những mảng lớn và ở cả chi tiết mang tính biểu tượng của sự chuyển đổi trong đời sống xã hội ở Thủ đô... Rộng hơn, những bức tranh góc phố, ngôi nhà còn mang dáng dấp đô thị thời Pháp thuộc sẽ được bày cùng với tranh vẽ đô thị mới…
Ảnh: NVCC