Theo kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo cuối năm 2023, huyện Hoài Ân (Bình Định) còn 1.503 hộ nghèo (tỷ lệ 5,37%) và 1.199 hộ cận nghèo (4,29%). UBND tỉnh Bình Định giao năm 2024, toàn huyện cần đưa tỷ lệ nghèo đa chiều về mức 7,05% (tương đương 1.971 hộ nghèo và cận nghèo), trong đó hộ nghèo giảm về còn 819 hộ (2,93%); 1.152 hộ cận nghèo (4,12%). 

Năm nay, theo quyết định của UBND tỉnh Bình Định về phân bổ kinh phí Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Hoài Ân được bố trí 2,5 tỷ đồng để thực hiện 2 tiểu dự án thuộc Dự án 4 Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hơn 1,6 tỷ đồng để thực hiện Dự án 3 Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; 3,8 tỷ đồng để thực hiện Dự án 2 Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo...

Ngày 1/10, báo cáo với Đoàn công tác liên ngành của Ban KT-XH, HĐND tỉnh Bình Định về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện, lãnh đạo huyện Hoài Ân cho biết đến nay, có trên 2.100 lao động ở huyện Hoài Ân được giải quyết việc làm, đạt 80,81% kế hoạch; đào tạo nghề cho 230 lao động nông thôn, đạt 93,9% kế hoạch; hỗ trợ vay vốn cho 18 lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài; tổ chức cho trên 1.000 lượt cán bộ trực tiếp làm công tác giảm nghèo được đào tạo, bồi dưỡng năng lực.

Về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (Dự án 2), từ năm 2022 đến nay, huyện đã thực hiện 36 dự án với 615 hộ tham gia. Trong khi đó, thực hiện Dự án 3, huyện triển khai 48 dự án, 441 hộ tham gia.

W-giam ngheo.jpg
Đa dạng hoá sinh kế, đồng hành hỗ trợ người dân nghèo chủ động vươn lên là chủ trương của nhiều địa phương.

Từ tháng 8, theo quyết định của UBND tỉnh Bình Định, nguồn vốn ngân sách thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2021- 2025 bố trí kinh phí để 80 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo ở huyện Hoài Ân thực hiện dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị nuôi bò vỗ béo.

Dự án này nhằm xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi và tiêu thụ bò thịt vỗ béo chất lượng cao, hỗ trợ cho 80 hộ trên địa bàn 4 xã Ân Phong, Ân Hữu, Ân Đức, Ân Thạnh (huyện Hoài Ân) có cơ hội tạo việc làm, đem lại nguồn thu nhập, có sinh kế ổn định và vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, dự án cũng góp phần đảm bảo nguồn cung cấp bò thịt ổn định, có chất lượng cao cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Tham gia mô hình, mỗi hộ được hỗ trợ 2 con bò và các vật tư thiết yếu phục vụ chăn nuôi. Theo ước tính, tham gia dự án, mỗi hộ tham gia sau khi xuất bán bò thu về trên 90 triệu đồng. Dự án phấn đấu có từ 24 hộ trở lên thoát nghèo, đạt tỷ lệ 30%.

Các xã linh hoạt giải pháp

Xã Ân Sơn, huyện Hoài Ân (Bình Định), thực hiện Dự án 2, có 6 hộ nghèo được tham gia mô hình chăn nuôi heo F1 cái sinh sản. Trong khi từ nguồn vốn Dự án 3, UBND xã đã triển khai cho 25 hộ được hỗ trợ nuôi bò sinh sản.

Địa phương này thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động và nắm tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, để từ đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, giúp cho bà con ổn định sản xuất, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tại xã Ân Tường Đông, năm 2024, xã được UBND huyện giao giảm 31/73 hộ nghèo. Lãnh đạo UBND xã cho biết địa phương thực hiện đa dạng hóa sinh kế gắn với thế mạnh của địa phương. Đồng thời các hội, đoàn thể sẽ nắm bắt, tìm hiểu kỹ tình hình thực tế của hội viên để có phương án hỗ trợ sát với nhu cầu, điều kiện.

Đơn cử, hộ gia đình ông Đinh Văn Ninh (52 tuổi, thôn Thạch Long 1) là hộ nghèo, được Tổ nông dân thôn hướng dẫn vay vốn nuôi bò, hướng dẫn cách nuôi bò và tăng đàn. Ông Ninh cho biết gia đình gây được đàn bò với 20 con, trong đó 10 con bò cái và 10 con bê. Ngoài ra gia đình còn trồng ớt, bí đỏ, dưa leo và làm ruộng lúa nước. Được hỗ trợ để phát triển sản xuất, ông Ninh quyết chí thoát nghèo.

Còn tại xã Ân Hữu, đầu năm 2024 toàn xã có 109 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,07% và 77 hộ cận nghèo, tương đương 4,42%. Trên cơ sở các chính sách, xã đã triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo.

Theo đó, xã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho vay các chương trình, tổng dư nợ trên 62,8 tỷ đồng; đặc biệt trong đó có 123 hộ nghèo, dư nợ 8,529 tỷ đồng và 207 hộ cận nghèo, dư nợ 8,755 tỷ đồng. Xã cũng cấp 190 thẻ BHYT hộ nghèo và 230 thẻ BHYT cận nghèo theo quy định; từ các nguồn lực vận động và chương trình đề án, xã hỗ trợ 4 hộ nghèo, cận nghèo về nhà ở với số tiền 225 triệu đồng.

Triển khai các dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024, địa phương đã phân bổ 239 triệu đồng hỗ trợ cho 17 hộ gia đình chăn nuôi heo F1; 143,4 triệu đồng hỗ trợ cho 8 hộ chăn nuôi bò; mở 2 lớp dạy nghề với 62 học viên (kỹ thuật trồng cây có múi và may mặc).

Cùng đó, xã phối hợp với các đơn vị tổ chức 1 phiên giao dịch việc làm với 60 lao động tham gia, tạo điều kiện cho 6 lao động làm việc có thời hạn tại các nước Hàn Quốc, Nhật Bản...