{keywords}
 Hiện có 1.800 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, thế nhưng chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.

Theo ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), Văn phòng đại diện tại Hà Nội, hàng năm JETRO đều khảo sát các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư ở Việt Nam.

Theo kết quả khảo sát năm 2018, khi được hỏi về kế hoạch hoạt động trong thời gian từ 1-2 năm tới, có gần 70% doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang đầu tư vào Việt Nam trả lời rằng “muốn mở rộng hoạt động kinh doanh." Con số này nếu tính trong phạm vi các nước ASEAN cũng thuộc nhóm đầu.

Tuy nhiên, một trong số những khó khăn là tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, vật tư, linh kiện của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam là hơn 36%. Tuy có tăng hàng năm nhưng vẫn còn thấp so với tỷ lệ của Trung Quốc 66%, tỷ lệ của Thái Lan 57%. Vì vậy, doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu từ các nước xung quanh như Thái Lan, Trung Quốc.

Thống kê của Bộ Công Thương, Việt Nam cho hay, hiện có 1.800 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, thế nhưng chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia, chiếm khoảng 17%.

Hiện nay việc nhập siêu linh kiện, phụ tùng cho các ngành công nghiệp còn rất lớn; khả năng tự cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ từ các doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ lệ rất thấp. Cụ thể, ngành dệt may, da giày mới chỉ đạt 40-45%; ngành sản xuất, lắp ráp ôtô mới đạt 7-10%; điện tử, viễn thông đạt 15%, điện tử chuyên dụng và các ngành công nghiệp công nghệ chỉ đạt 5%.

 “Đây là nguyên nhân dẫn đến gia tăng chi phí và rủi ro lớn cho doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực chế tạo tại Việt Nam; đồng thời đây cũng là nguyên nhân gây khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất trung và dài hạn tại Việt Nam," ông Kitagawa đúc kết.

Bên cạnh đó, trong ngành sản xuất nguyên liệu, linh kiện, vật tư hay còn gọi là “ngành công nghiệp hỗ trợ” phần lớn do doanh nghiệp vừa và nhỏ đảm nhận. Tuy nhiên, những hạn chế về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ chính là một trong những vấn đề còn tồn đọng ở Việt Nam.

Để khắc phục những điểm yếu này Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ với hy vọng sắp tới, Việt Nam có điều kiện hình thành những trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ công nghiệp hỗ trợ và trước mắt là tại ba trung tâm kinh tế lớn khu vực miền Bắc, Trung, Nam.

Theo đó, những trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ công nghiệp hỗ trợ không chỉ tập trung giới thiệu công nghệ, hỗ trợ điều kiện tiếp cận công nghệ cho doanh nghiệp thông qua hợp tác quốc tế và các chính sách của Chính phủ nói chung, mà còn hỗ trợ cho nghiên cứu phát triển. Những trung tâm này sẽ đóng góp vào sự phát triển về giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp hỗ trợ.

Thu Nga