Hoàng Cúc âm thầm viết văn, làm thơ ảnh 1

NSND Hoàng Cúc trên sân khấu kịch

NSND Hoàng Cúc là cái tên quá đỗi thân quen đối với khán giả yêu sân khấu, phim ảnh. Trên sân khấu kịch, nữ nghệ sỹ ghi dấu ấn đặc biệt trong “Người đàn bà sau tấm cửa xanh”, “Thầy khóa làng tôi”, “Lũy hoa”, “Ăn mày dĩ vãng”, “Em đẹp dần lên trong mắt anh”…

Với phim ảnh, người hâm mộ không thể quên Hoàng Cúc trong “Bỉ vỏ”, “Tướng về hưu”, “Hồi chuông màu da cam”… Cứ tưởng sân khấu, phim ảnh đã chiếm hết thời gian của bà. Nhưng từ khi còn trẻ, sự nghiệp đang thăng hoa, nữ nghệ sỹ đã âm thầm viết. Từng có lúc bà nghĩ đến chuyển nghề...?

Đã lâu lắm tôi mới có dịp sống lại ký ức tuổi thơ qua chương trình “Đọc truyện đêm khuya” của Đài tiếng nói Việt Nam. Truyện ngắn mà VOV hầu thính giả mang tên: “Về nhà”. Nhân vật chính, “nó”, hồi tưởng về chuỗi ngày đã qua. “Nó” trở thành thiếu phụ không chồng khi tuổi đời còn rất trẻ, “gia tài duy nhất từ cuộc hôn phối bất thành là đứa con”. Lúc sinh con, “nó” may mắn có mẹ đẻ kề bên. Nhưng người mẹ xấu số sớm qua đời. Cha “nó” lấy vợ mới, “nó” giận bố, bèn bỏ làng ra phố …

Hoàng Cúc âm thầm viết văn, làm thơ ảnh 2

Tranh: Kim Duẩn

Cốt truyện của “Về nhà” không độc, lạ. Nhưng tác phẩm bỏ bùa người nghe không phải ở cốt truyện mà ở cái tài của ngòi bút Hoàng Cúc, viết văn cứ như làm phim, khiến người thưởng thức như được xem một bộ phim ngắn với nhịp điệu chậm rãi: “Hằng đêm, nó kề đầu bên gối mẹ, ngước lên bầu trời, tìm kiếm những ngôi sao cô độc nằm rải rác trên ngân hà, nơi xa lắc, xa lơ có ông lão chăn vịt ngồi ngóng đàn vịt trời quay về.

Trên cây cầu Ô Thước, bóng dáng đôi vợ chồng bịn rịn đợi chờ cả năm mới được một ngày chung gối. Tháng bảy là tháng cô hồn. Mưa lai rai, dầm dề, mưa dữ lắm. Mẹ kể rằng, dân gian gọi là tháng mưa ngâu. Đôi tình nhân Ngưu Lang Chức Nữ sẽ phải xa cách nghìn trùng, đến giờ tiễn biệt họ chỉ biết ôm nhau khóc thương cho chính số kiếp của mình, nên dương gian mới ngập lụt…”.

Hoàng Cúc bày tỏ quan điểm: “Tôi không thích kể lể dài dòng, tôi ghét kinh khủng cái lối viết cổ, không có tín hiệu gì, không có thông tin gì, cứ tả trăng sao quá nhiều. Cứ để ý tất cả những cái kết của những đoạn chuyển trong “Về nhà” đi. Rất thích. Tôi viết như làm một cuốn phim ngắn. Bạn không xem truyện ngắn mà đang xem phim”.

“Về nhà” đậm chất làng quê trong ngôn ngữ: “Xóm nó bây giờ trắng xóa, tinh nước là nước”; “Đêm đen bịt bùng”… Tác phẩm được NSND Hoàng Cúc gửi tranh tai trong cuộc thi truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập”, do Báo Nông thôn Ngày nay phối hợp Hội Nhà Văn Việt Nam, Ban Văn học Nghệ thuật, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức.

Rất nhiều đồn đoán, “Về nhà” sẽ “ẵm” giải. Một đoạn dịu dàng, thơ mộng trong truyện ngắn này: “Đêm đã buông xuống. Nó nằm sát cạnh cửa sổ lố nhố những nóc nhà. Ngoài kia chỉ thấy tiếng lá rụng, bầu trời còn lại như mảnh khăn xám cao thẳm. Hình như một ngôi sao rụng rơi trong đêm vắng…”.

Yêu văn chương từ nhỏ

Hoàng Cúc viết văn từ bao giờ? Bà bảo: Tôi viết từ rất lâu rồi. Viết văn với Hoàng Cúc như một nhu cầu chứ không phải mục đích, nên bà không nhớ chính xác năm nào bà bắt đầu cầm bút sáng tác. Cũng không thấy bà in sách, tổ chức lễ ra mắt tác phẩm rình rang…

Vì thế câu chuyện Hoàng Cúc sáng tác văn chương chắc sẽ gây ngạc nhiên với độc giả văn học nói chung, người hâm mộ nữ nghệ sỹ nói riêng. “Người đàn bà sau tấm cửa xanh” dùng từ “mê tơi” để nói về cảm xúc của mình dành cho văn học. 13 tuổi, Hoàng Cúc đã đọc “Chiến tranh và hòa bình” (Lev Tolstoy), “Sông Đông êm đềm” (Mikhail Sholokhov), “Đỏ và Đen” (Stendhal), “Bà Bovary” (Gustave Flaubert)…

Không chỉ thưởng thức những tác phẩm kinh điển của văn học thế giới, bà còn “ngấu nghiến” hầu hết tác phẩm của các tên tuổi lớn trong văn chương Việt: Nào là “Sống mòn”, “Đời thừa” của Nam Cao, “Kép Tư Bền”, “Bước đường cùng”… của Nguyễn Công Hoan, “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng…

Ở tuổi trưởng thành, bà chọn Đoàn kịch Hà Nội (nay là Nhà hát kịch Hà Nội) để đầu quân. Bởi mỹ nhân thuở ấy mê vở kịch “Âm mưu và tình yêu” của đoàn này. (“Âm mưu và tình yêu” - kiệt tác sân khấu thế giới của đại văn hào Sinle). Vai diễn đầu tiên trên sân khấu của Hoàng Cúc là vai chính, trong vở kịch “Người đàn bà sau tấm cửa xanh”, năm 1984, đạo diễn Tạ Xuyên.

 

Nhìn qua, người ta tưởng ngay từ thời chân ướt, chân ráo bước lên sân khấu, Hoàng Cúc đã được “ngậm thìa vàng”. Nhưng không phải! NSND chia sẻ: “Tôi không được phân vai, trông các cô thử vai tôi buồn cười quá, nên vào thử. Thế là được”. Hoàng Cúc trở thành “ngôi sao” sáng trên sân khấu, trên phim ảnh, không chỉ nhờ dung nhan vốn được xếp hạng mỹ nhân thuở ấy mà chủ yếu, nhờ tài năng. Tài năng ấy lại có “bệ đỡ” là tình yêu văn học: “Khi đã mê tơi văn học thì cách vào vai của tôi chẳng giống ai”, bà nói.

Với phim ảnh, Hoàng Cúc đặc biệt ghi dấu ấn trong vai Tám Bính, phim “Bỉ vỏ” của đạo diễn Lương Đức, chuyển thể từ tác phẩm đầu tay của cố nhà văn Nguyên Hồng. Có lẽ, ngay đến bây giờ, cũng khó chọn diễn viên nào hợp vai Tám Bính hơn Hoàng Cúc. Cho dù khi vào vai Tám Bính, Hoàng Cúc không còn ở độ tuổi mơn mởn như người đẹp trong sáng tác của Nguyên Hồng. Khi ấy, bà đã 35 tuổi.

Hoàng Cúc âm thầm viết văn, làm thơ ảnh 3
NSND Hoàng Cúc

Vịn câu thơ đứng dậy

“Người đàn bà sau tấm cửa xanh” sinh năm 1957, tại Hưng Yên. Tôi băn khoăn hỏi, cuộc sống trong giai đoạn còn nhiều khó khăn, có sách văn học để đọc là chuyện không dễ, bà kiếm nguồn sách ở đâu? 

Cả gia đình không ai theo nghệ thuật nhưng giàu tình yêu với nghệ thuật. Được sinh ra trong một gia đình như thế, cũng là may mắn của một nghệ sỹ. Hoàng Cúc còn có người mẹ tuyệt vời: “Mẹ tôi hay lắm. “Về nhà” có cả những câu chuyện của tôi với mẹ tôi ngày xưa. Bà là người thành phố nhưng chất thôn quê bảng lảng. Con niềng niễng, con chim, cánh đồng… đi vào thơ tôi cũng là từ hồi ức về mẹ”, NSND Hoàng Cúc kể về đấng sinh thành.

Những câu thơ gợi nhớ quê nhà của bà buồn dịu dàng: “Chao ôi, gió nghe thương mùa thay lá/Ngơ ngác con bìm bịp gọi mùa yêu/Trên triền vắng con đê bồng bềnh nắng/Thả hồn ta ngược lại những cánh diều/Về quê mẹ theo triền sông Hồng chảy...”.

Đã từng định đi học Viết văn Nguyễn Du

Tôi hỏi Hoàng Cúc: “Yêu văn chương lại viết nhiều như thế, đã bao giờ bà có ý định chuyển nghề?”. NSND thú nhận: Đã từng! Ấy là khi nữ nhà thơ Bùi Mai Hạnh chấp bút cho tự truyện ồn ào “Lê Vân, yêu và sống”. Hoàng Cúc chơi thân với nhiều nhà thơ. Ngày thi sĩ Hoàng Cầm ra đi, “người đàn bà sau tấm cửa xanh” nhớ lại chuyện xưa: “Hoàng Nhuận Cầm bảo với tôi là anh in thơ mà tiền nhuận bút cho kịch bản “Đêm hội Long Trì” và “Kiếp phù du” không đủ: “Hoàng Cúc yêu thơ thế đầu tư cho Cầm để ra in sách! Sẽ trả lại tiền khi bán được thơ? Ngày ấy tôi vừa đi Pháp về nhân chuyến giới thiệu phim mà mình được mời! Tôi nghèo, nhà biệt thự của Pháp mà chỉ có 8 mét vuông! Sau chầu bia ngây ngút anh uống là chính, mà tôi say rút phăng nhẫn vàng trao tặng! Cứ thế Mai Hạnh và anh hễ viết hay in báo có tiền là qua tôi rượu bia, cơm cá tưng bừng. Chả hiểu sao tôi đổ đến nỗi suýt bỏ diễn để cùng Mai Hạnh vào trường viết văn Nguyễn Du. Sau này Hạnh đi học, còn tôi vẫn khóc cười cho từng vai diễn. Cầm bảo tôi: May cho đời bà”. Nhưng Hoàng Cúc có tính gì may, rủi, thiệt, hơn? Xưa, lăn xả cho sân khấu kịch vẫn nghèo xơ nghèo xác, chẳng nỡ bỏ “thánh đường” mà đi. Nay văn chương đang thời “hạ giá” nhưng đã lỡ “mê tơi” thì chuyển nghề ở tuổi 60 cũng đâu muộn màng?

Nữ nghệ sỹ viết rất nhiều thơ. Tháng 7 hình như cho bà nhiều cảm xúc. Bà vừa viết “Nhớ người xưa”: “Ta còn nhớ làn hơi sương thở nhẹ/Mười ngón tay đan kín cả khung trời/Đôi con mắt tìm nhau sao vụng dại/Ngại cả nghe thậm thịch trái tim mình”. Thế mà mới hôm qua lại hỏi: “Bây giờ em biết về đâu?”…

Hoàng Cúc không xa đời sống. Thơ bà mang hơi thở của ngày hôm nay. Bà làm thơ tặng các chiến sỹ áo trắng, các chiến binh tình nguyện vào tâm dịch chống “giặc” COVID, viết cả những dòng tiếc thương linh hồn người dân Ấn Độ, tưởng nhớ hàng vạn người chết trên thế giới vì COVID-19: “…Chúa ơi xin cho linh hồn trú ngụ/Nơi yên nghỉ cuối cùng không còn đủ chỗ vĩnh hằng!/Đêm qua tôi đã khóc, xót xa…/Đêm trước kinh hãi nguyện hồn ai thấu/Lòng dạ bồn chồn tim cứ muốn tung ra/Nhà nhà đóng kín như vào nghĩa địa/Mỏi mệt trên những hung tin/Những cường quốc quặn lòng ra thông số/Chết?/Chết!/Quá nhiều người chết!/Sự sống gãy gập!/Gãy cây cầu/máu!/dòng sông/đỏ cháy suốt năm buồn/Hãy ngồi yên để mặt trời đỏ lặn/Nguyện an lành cho vạn vật hồi sinh”. Bài thơ này của Hoàng Cúc đã đăng báo. Thơ đăng báo của nữ nghệ sỹ khá nhiều, song chẳng mấy độc giả lại nghĩ tác giả của những bài thơ ấy, chính là Tám Bính của phim “Bỉ vỏ” năm xưa.

Người hâm mộ Hoàng Cúc đều biết, bà từng mắc bạo bệnh. Nữ nghệ sỹ không sợ đối mặt với Thần Chết. Có lần, bà đã chia sẻ: Nhờ câu thơ “Trông chết cười ngạo nghễ” mà bà từng đọc, đã khiến bà thấy chết chẳng có gì đáng khiếp! (Bài thơ “Đợi anh về” của Simonov, do Tố Hữu dịch, có đoạn: “… Trông chết cười ngạo nghễ/Ai ngày xưa rơi lệ/Hẳn cho sự tình cờ”).

Nhưng Hoàng Cúc không chấp nhận chết một cách lãng xẹt, bà đã chiến đấu để chiến thắng. Trong những cơn đau nữ nghệ sỹ vẫn làm thơ: “Vết thương hằn năm ngón trái đè lên/Năm ngón phải sưng vù cong câu hỏi/ Biết trên đời hoa nở trái mùa không?”.

Theo tienphong.vn

Quang Thắng kể sự cố lỡ miệng về chợ Sắt khiến anh suýt không về được Hải Phòng

Quang Thắng kể sự cố lỡ miệng về chợ Sắt khiến anh suýt không về được Hải Phòng

Luôn xuất hiện với nụ cười trên môi, không tiếc lấy cả nhược điểm của bản thân để gây cười cho khán giả, ít ai biết, phía sau nụ cười ấy, nghệ sĩ hài Quang Thắng vẫn đau đáu mãi về một lần sảy miệng khó cứu vãn.