Ngày nay, nhiều yếu tố tác động từ quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng khiến các giá trị văn hóa truyền thống ở địa phương đứng trước nguy cơ mai một, biến dạng. Ở một số nơi, lối sống thực dụng len lỏi vào đời sống cộng đồng dân cư, gây rạn nứt, phá vỡ tình cảm bền chặt và mối quan hệ khăng khít giữa các gia đình, thôn, xóm...

Trước tình hình đó, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang đã triển khai sâu rộng và hiệu quả phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa” để đảm bảo kết hợp hài hòa giữa tiếp thu các giá trị văn hóa tiên tiến với gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương.

Các xã, thị trấn kế thừa có chọn lọc những giá trị văn hóa đặc sắc, bền lâu của các thế hệ trước; đồng thời sửa đổi, bổ sung thành những quy ước, nếp sống văn hóa hiện đại, lành mạnh được nhân dân đồng tình ủng hộ. Nhờ đó, các địa phương trong huyện đã hội nhập một cách chủ động, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, khắc phục và đẩy lùi những thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội, hướng con người tới lối sống tốt đẹp, văn minh.

Capture.JPG
Đời sống văn hóa cơ sở ngày càng phong phú.

Với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hoàng Su Phì đã tích cực, chủ động phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào, các nội dung được phối hợp như kiểm tra, bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động hộ gia đình, thôn, tổ dân phố đăng ký, xây dựng và duy trì các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa” đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa các xã đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phân công các thành viên xuống cơ sở hướng dẫn Ban vận động thôn, tổ dân phố tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, thôn, tổ dân phố đăng ký và xây dựng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa” theo các tiêu chí được quy định.

Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động, giám sát các hộ gia đình không để vi phạm các tiêu chí bắt buộc để xét tặng danh hiệu văn hoá như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, khiếu kiện vượt cấp…

Trong quá trình bình xét, Phòng Văn hóa và Thông tin cùng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện đã hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác bình xét, chấm điểm các tiêu chí đăng ký xây dựng. Sau khi có kết quả, hướng dẫn cơ sở hoàn thiện đầy đủ hồ sơ trình các cấp công nhận các danh hiệu theo quy định.  

Với sự phối hợp hiệu quả, triển khai quyết liệt công tác truyên truyền, vận động, thời gian qua, phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa” trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì đã phát triển mạnh mẽ, hàng năm tỷ lệ hộ gia đình, thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu ngày một gia tăng.

Cụ thể: Danh hiệu “Gia đình văn hóa” năm 2019 đạt 9.705/13.399 hộ (tỷ lệ 72,4%), đến năm 2023 đã đạt 10.930/14.176 hộ (tỷ lệ 77,1%). Danh hiệu “Làng văn hóa” năm 2019 đạt 103/199 thôn, tổ dân phố (tỷ lệ 51,7%), đến năm 2023 đã đạt 146/199 thôn, tổ dân phố (tỷ lệ 73,3%).

Ông Nguyễn Việt Tuân, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hoàng Su Phì cho biết, việc xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa đã thực sự trở thành môi trường giáo dục quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho các thành viên trong gia đình.

Từ đó, đời sống văn hóa cơ sở ngày càng phong phú, các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn và phát huy. Diện mạo nông thôn, đô thị từng bước đổi mới, hình thành môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn huyện.