Hoàng Thái tử và Công nương Nhật Bản đã nán lại dành tràng vỗ tay kéo dài cho vở diễn 'Công nữ Anio' tại Nhà hát Lớn.
Tối 22/9, buổi công diễn đầu tiên vở opera Công nữ Anio nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản đã diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Tham dự sự kiện này, về phía Nhật Bản có Hoàng Thái tử Akishino và Công nương Kiko. Về phía Việt Nam, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang - Trưởng ban Chỉ đạo tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản tham dự.
Vở opera Công nữ Anio được Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam cùng với Ban điều hành Công nữ Anio thực hiện, nhằm đánh dấu cột mốc kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.
Tác phẩm kể về chuyện tình yêu có thật giữa Công nữ Ngọc Hoa - con gái nuôi của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên và chàng thương nhân Araki Sotaro đến từ Nagasaki (Nhật Bản) cách đây khoảng 400 năm.
Dưới bàn tay Tổng đạo diễn Honna Tetsuji; tác giả âm nhạc Trần Mạnh Hùng; đạo diễn, tác giả kịch bản và soạn lời tiếng Nhật Oyama Daisuke; tác giả soạn lời Việt Hà Quang Minh, Công nữ Anio đưa khán giả bước vào câu chuyện tình thơ mộng, đẹp đẽ. Vào thế kỷ 17, Công nữ Ngọc Hoa và chàng thương nhân Araki Sotaro đã gặp nhau nơi con thuyền lênh đênh trên biển nối liền hai quốc gia Việt Nam - Nhật Bản.
10 năm sau, định mệnh dẫn lối, hai người gặp lại. Họ yêu nhau, kết duyên vợ chồng và đến Nagasaki (Nhật Bản). Tại đây, hai người được người dân yêu mến và trải qua cuộc sống hạnh phúc với một cô con gái...
Thể hiện các vai chính trong vở opera là những giọng ca opera trẻ tài năng của Việt Nam và Nhật Bản. Trong đêm diễn đầu tiên, giọng soprano hàng đầu của Việt Nam Đào Tố Loan đảm nhiệm vai Anio, vai Sotaro do giọng tenor Nhật Bản Kobori Yusuke thể hiện. Góp sức cho vở diễn còn nhiều nghệ sĩ khác và Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Honna Tetsuji.
Điểm đặc biệt của vở diễn là toàn bộ diễn viên đều hát mộc, không dùng bất cứ thiết bị trợ âm nào. Điều này đòi hỏi nghệ sĩ phải thực sự có nội lực, có kỹ thuật tốt và luyện thanh cực kỳ nghiêm túc, chỉn chu.
Vở diễn nhận được những tràng pháo tay không ngớt của khán giả. Sau đêm diễn, Hoàng Thái tử và Công nương Nhật Bản đã nán lại với tràng vỗ tay kéo dài gần chục phút tán thưởng vở diễn cùng hàng trăm khán giả.
Chia sẻ sau đêm diễn, ca sĩ Đào Tố Loan nói: "Tôi nghĩ không có nhiều cơ hội như thế này cho nghệ sĩ Việt được tham gia. Ngày hôm nay tôi đã cháy hết mình. Tôi từng áp lực đến mức mất ăn mất ngủ".
Sau buổi công diễn đầu tiên, vở opera Công nữ Anio tiếp tục được biểu diễn trong 2 ngày 23 và 24/9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Sau đó, ngày 27/9 tác phẩm sẽ đến với công chúng Hưng Yên. Tháng 11/2023, vở opera Công nữ Anio ra mắt công chúng Nhật Bản.
Trong đêm biểu diễn 23/9, hai nghệ sĩ đảm nhiệm vai chính của vở opera là giọng soprano Bùi Thị Trang (vai Anio) và giọng tenor Nhật Bản Yamamoto Kohei. Ngày 24/9, hai nghệ sĩ Đào Tố Loan và Kobori Yusuke sẽ trở lại biểu diễn.
Thông qua việc dàn dựng và biểu diễn tác phẩm đặc biệt này, BTC mong muốn góp phần thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản trong tương lai.
Trích đoạn trong vở 'Công nữ Anio':
Ca sĩ Đinh Trang, Á quân Sao Mai 2013 dòng thính phòng hạnh phúc khi được chứng kiến nghệ sĩ, đồng nghiệp yêu quý đã biểu diễn thành công. “Đây là vở opera thực sự đầu tư về chuyên môn, hình ảnh rất cao. Các nghệ sĩ đã cống hiến hết sức mình. Tôi chứng kiến không chỉ hôm nay mà cả nhiều ngày trước đó, các nghệ sĩ đã tập luyện chỉn chu, chu đáo, có trách nhiệm lớn để có những kết quả như tối hôm nay. Tôi rất xúc động với buổi biểu diễn cao về chuyên môn, có sự thăng hoa của các nghệ sĩ, gắn kết tình hữu nghị của hai nước Việt – Nhật”, ca sĩ Đinh Trang chia sẻ.
Trong khi đó, ca sĩ Phúc Tiệp cho biết đã khóc khi vở diễn vừa kết thúc. “Tôi đã đi xem hai buổi của cả 2 kíp. Cảm nhận ban đầu thực sự choáng váng về âm nhạc của vở opera kéo dài 2 giờ đồng hồ. Với tính chất sóng gió, bão tố, biển cả dập vùi… nhiều bối cảnh không gian rộng lớn quả thật âm nhạc khiến người xem cảm thấy tràn ngập đến mức tim đập thình thịch.
Ta không cảm nhận được đây là nhạc của một nhà soạn nhạc Việt viết. Tuy nhiên xen vào những đồ sộ của âm thanh là những nét tinh tế mang âm hưởng nhạc Việt - Nhật. Người nghe lập tức trở về trạng thái thả lỏng và tan vào sự êm ái đó. Ấn tượng ở phần đầu màn hai là chúng ta nghe được phần hát ru của cả Việt Nam - Nhật Bản ngay trong một vở nhạc kịch. Khán giả chìm đắm vào phần thể hiện của các phân đoạn mà không hề có cảm giác đang nghe một vở opera cứng nhắc.
Câu chuyện âm nhạc được hiện lên như một thước phim cuộc đời của nàng Anio từ lúc mới làm dâu cho đến khi hai người về với tiên tổ. Phần kết được nối bằng phần kể chuyện của con gái Công nữ, về thiên tình sử tuyệt đẹp. Âm nhạc lại tràn ngập sự đồ sộ và sự thỏa mãn của những người nghe. Có lẽ đây là vở nhạc kịch tốn nhiều công sức của các nghệ sĩ tham gia nhất từ trước đến giờ vì vở opera viết bằng cả tiếng Nhật và Việt.
Vai Công Nữ Anio do Đào Tố Loan và Bùi Thị Trang thể hiện với lượng nốt nhạc khổng lồ đều làm rất tốt, nhiều sắc thái âm nhạc và cảm xúc đều được diễn tả chi tiết và ấn tượng mạnh. Vai Sotaro là một vai rất nặng đều được hai giọng Tenor của Nhật Bản thể hiện tuyệt vời. Thật tự hào và hạnh phúc khi Việt Nam đã có thêm một vở opera mà trong tương lai có thể sẽ là tiêu biểu nhất trong lịch sử âm nhạc thính phòng cổ điển Việt Nam”.