Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản vào năm 2023, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và Ban Điều hành Công nữ Anio tổ chức họp báo trực tuyến tối 16/12 để thông báo về dự án opera Công nữ Anio sắp công diễn.
Dự kiến, vở diễn opera 'Công nữ Anio' sẽ được công diễn tại Việt Nam vào tháng 9/2023, vào dịp kỷ niệm ngày Việt Nam-Nhật Bản ký kết thiết lập quan hệ ngoại giao (21/9/1973-21/9/2023). |
Dự án opera này được khởi xướng bởi những người Nhật Bản sinh sống tại Việt Nam. Dự án có cố vấn danh dự là ông Yamada Takio - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam. Đại diện dự án là ông Honna Tetsuji, Giám đốc Âm nhạc kiêm Chỉ huy chính Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Dự án cũng còn hai đồng đại diện khác là ông Trịnh Tùng Linh, Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và ông Furukawa Naomasa, Trưởng ban Điều hành Công nữ Anio.
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio cho biết, vở opera Công nữ Anio là tác phẩm hoàn toàn mới dựa trên câu chuyện về Araki Sotaro – thương nhân hoạt động trong thời kỳ thương mại Châu Ấn thuyền (thuyền thương mại chủ yếu sang các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, khoảng cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17) và công nữ Ngọc Hoa (công nữ Anio) ở Hội An (Việt Nam).
Theo lịch sử triều Nguyễn ở Việt Nam, công nữ Ngọc Hoa là con gái của chúa Nguyễn Phúc Nguyên (ở ngôi từ năm 1613 đến năm 1635) - vị chúa Nguyễn thứ hai của chính quyền Đàng Trong, sau chúa Tiên Nguyễn Hoàng.
Ông Araki Sotaro buôn bán ở Hội An rồi gặp công nữ Ngọc Hoa, cả hai đã nên duyên vợ chồng. Năm 1620, ông đưa vợ về Nhật. Tại quê nhà Nagasaki, bà được mọi người chào đón vì vẻ xinh đẹp kiều diễm, tính tình hiền hòa dễ thương. Tên của bà được đặt theo tiếng Nhật là Wukaku (Vương Gia Cửu) nhưng do bà thường gọi chồng bằng tiếng Việt "anh ơi, anh ơi" nên người Nhật đã gọi bà bằng tên thân mật là Anio-san, từ "Anio" phát âm giống như câu nói cửa miệng của bà khi gọi chồng. Sau này các cô gái xinh đẹp, dễ thương cũng đều được gọi là Anio-san.
Ngày nay, lễ rước kiệu đón công nữ Anio vẫn tiếp tục được tái hiện trong phân cảnh "Châu Ấn thuyền" 7 năm một lần, tại lễ hội Nagasaki Kunchi ở Nagasaki vào ngày 7 - 9/10 hàng năm.
"Hiện nay, công tác chuẩn bị đang được xúc tiến hướng tới mục tiêu tổ chức buổi công diễn đầu tiên vào tháng 9/ 2023 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Tôi mong chờ tác phẩm opera với nội dung biểu trưng cho sự gắn kết lâu dài, mạnh mẽ giữa Nhật Bản và Việt Nam được công diễn tại một địa điểm trang trọng như Nhà hát Lớn Hà Nội", ông Yamada Taki cho biết.
Ông Trịnh Tùng Linh - Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. |
Ông Trịnh Tùng Linh - Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam chia sẻ: "Ngoài buổi biểu diễn ở Việt Nam vào tháng 9/2023 thì chúng tôi cũng chuẩn bị biểu diễn vở này tại Nhật Bản. Tuy nhiên, để cho vở diễn thành công ở Hà Nội, chúng tôi đã gần như hoàn thành kịch bản, âm nhạc. Cả ê kíp đang rất nỗ lực để vở diễn thành công ở cả hai nước, mang lại những cảm xúc mới cho khán giả, góp phần vào mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản".
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng cho biết Công nữ Anio là một dự án lớn vô cùng ý nghĩa với cả hai quốc gia. Trước đây ngôn ngữ opera chỉ dành cho người chức sắc, quý tộc châu Âu nhưng ở đây là dự án mang opera đến cho nhân dân hai nước. Điều này rất tình cảm.
Nói về ngôn ngữ thể hiện trong vở Opera này, nhạc trưởng Nhật Bản Honna Tetsuji cho biết: "Hiện nay nguyên tác của tác phẩm đã được hoàn thành, một kịch bản được viết bằng tiếng Nhật cũng đã viết xong, kịch bản này đã được gửi tới đội biên dịch của Ban điều hành dự án để chuyển lời ca từ tiếng Nhật sang tiếng Việt. Sau đó, nội dung này sẽ được gửi cho tác giả âm nhạc Trần Mạnh Hùng và tác giả soạn lời tiếng Việt là Hà Quang Minh. Vở Opera có bối cảnh ở hai quốc gia vì thế các cảnh trong vở có lời ca hát bằng cả 2 ngôn ngữ. Tất cả các ca sĩ đều phải học hai ngôn ngữ để hát trong vở diễn. Theo tôi, đây là một vở diễn đặc biệt khi nghệ sĩ hai nước phải hát được cả hai ngôn ngữ".
Ông Honna Tetsuji cũng cho rằng do dịch Covid-19 đang ngày càng lan rộng, sự giao lưu giữa Việt Nam và Nhật Bản vẫn đang tiếp tục bị gián đoạn giống thời điểm mà nhân vật chính trong câu chuyện Công nữ Anio đã phải đối mặt.
Mặc dù vậy, theo ông Honna Tetsuji: "Giống với những suy nghĩ của nhân vật chính lúc bấy giờ, chúng tôi tin tưởng vào tương lai của Việt Nam và Nhật Bản, từ đó hướng đến việc tạo nên một tác phẩm có thể giúp hỗ trợ mối giao lưu giữa hai quốc gia trở lại như thường ngày, đồng thời có thể giúp thắt chặt và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ song phương". Ông cũng mong Công nữ Anio trở thành một biểu tượng thúc đẩy tình hữu nghị Nhật - Việt.
Tình Lê
Trần Ly Ly thắng lớn với 'Những người khốn khổ'
Với tác phẩm 'Những người khốn khổ' mang đi Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc 2021, NSƯT Trần Ly Ly giành giải chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc.