Tỉnh Trà Vinh nằm ở ven biển thuộc đồng bằng sông Cửu Long, trong đó dân tộc Khmer với hơn 300.000 người chiếm tỷ lệ 32% dân số cả tỉnh. Trong quá trình sinh sống cộng cư, đồng bào Khmer ở Trà Vinh đã tạo dựng được nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đóng góp vào kho tàng văn hóa đồng bào Khmer ở Việt Nam.

Những năm qua, cùng với việc thực hiện nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer, Trà Vinh luôn chú trọng việc giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào. Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer địa phương được nâng cao đáng kể. Tại Trà Vinh, các cấp ủy, chính quyền luôn tạo mọi điều kiện để đồng bào và sư sãi Khmer giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn văn hóa vật thể, phi vật thể.

W-anhmuakhmer.png
Hoạt động du lịch gắn với văn hóa Khmer tại Trà Vinh

Đến nay, tỉnh đã thành lập được 112 đội dàn nhạc ngũ âm, 95 đội trống Sa Dăm, 35 đội múa Chằn – Khỉ, 40 đội bóng chuyền dân tộc, 8 đội ghe Ngo. Đặc biệt, Trà Vinh có 4 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia là lễ hội và nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer, gồm: Lễ hội Ok Om Bok, Lễ hội Đom Lơng Néak Tà, Nghệ thuật Chầm riêng Chà Pây, Nghệ thuật Rô-Băm.

Toàn tỉnh có 143 chùa Phật giáo Nam tông Khmer; trong đó, nhiều chùa được công nhận là Di sản văn hóa cấp Quốc gia và cấp tỉnh, nhiều chùa có công với cách mạng trong thời kỳ chống giặc ngoài xâm. Từ nhiều nguồn kinh phí, các ngôi chùa có niên đại lâu năm đều được tỉnh giữ gìn, tôn tạo thường xuyên.

Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 1995, đến nay đã sưu tầm, hệ thống hóa, trưng bày trên 1.000 hiện vật, hình ảnh, tài liệu phản ánh đời sống văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần của cộng đồng dân tộc Khmer Trà Vinh, từ truyền thống đến đương đại.

Đồng bào Khmer Trà Vinh hiện có 03 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận cấp quốc gia. (Nghệ thuật Chầm riêng chà pây; Lễ hội Ok Om Bok; Nghệ thuật Rô-băm); 07 di sản văn hóa vật thể được công nhận cấp quốc gia (Danh lam thắng cảnh Ao Bà Om; kiến trúc NT Chùa Âng; Chùa Bodhiculàmani (Ấp Sóc); Chùa Bodhisalaraja (Kom Pong); Chùa Ba Si (Chùa PySeyVaRaRam); Chùa Teakhinasakor Ta Lôn (Chùa Cái Cối); Chùa Giác Linh (Chùa Dơi); 15 si sản văn hóa vật thể cấp tỉnh: Chùa SatharamVanTa (Tà Rom); Chùa Sattharinadi Pro Khup (Trà Khúp); Chùa Chrôi Tan Sa (Bãi Xào Giữa); Chùa Can Snom (Căn Nom); Chùa VelLac (Lạc Hòa); Chùa Pnô Om Pung (Sirivansaràma); Chùa Chông Bát; Chùa Krapoumchhouk chral (Chùa Chà); Chùa Phnô Sanke Thmây (Chùa Mé Láng); Chùa Sàlavana (Chùa Tà Ốt); Chùa Uttamabhirìràjamandìr); Chùa Pla Pang (Chùa Sôrinriachaprưe); Chùa Đom Bot Bi; Chùa Lò Gạch; Chùa Trốt Lích; Chùa Ô Chhuc.

Từ những vốn văn hoá đó, thời gian vừa qua, ngành du lịch và nhiều doanh nghiệp đã khảo sát, khai thác những nét đặc sắc vốn có của các di sản văn hóa đồng bào Khmer, đưa vào các tour, tuyến du lịch làm thu hút ngày đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Hoạt động du lịch gắn với văn hóa Khmer đã có nhiều bước phát triển đáng kể, được xem là một nét mới, tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách trải nghiệm khám phá. Nhiều công ty lữ hành đã mở tour và kết nối tuyến đưa du khách về Trà Vinh với nhiều điểm đến được hình thành từ những giá trị văn hóa đồng bào Khmer Trà Vinh như: Làng Văn hóa - Du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh ở Thành phố Trà Vinh và huyện Châu Thành, các ngôi chùa Khmer, du lịch nông nghiệp tại Sokfarm (Mật hoa dừa SokFarm Trà Vinh) tại huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, ….

Tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch, đồng bào Khmer nơi đây vừa có thêm thu nhập, ổn định đời sống, nhưng cũng đồng thời chính là người tuyên truyền, bảo tồn, quảng bá văn hóa, phong tục tập quán, truyền thống của dân tộc mình đến khách du lịch.

Quốc Hoàn và nhóm PV, BTV