Công việc của Y Xuân Byă (45 tuổi, trú buôn Tơ Lơ, xã Ea Na, huyện Krông Ana, Đắk Lắk) và nhóm thợ xây dựng trong buôn những ngày giáp Tết vừa rồi bận rộn hơn ngày thường.

“Nhu cầu xây dựng nhà ở của bà con trong buôn tăng cao, công việc của chúng tôi vì thế nhiều, làm không xuể” – Y Xuân nói và khoe rằng, mặc dù bận nhưng thu nhập của mọi người tăng cao khiến ai nấy đều phần khởi làm việc.

{keywords}
Tham gia học nghề ngắn hạn giúp nhiều người đồng bào dân tộc ít người ở huyện Krông Ana có việc làm và nâng cao thu nhập.

Ít ai biết năm 2013 trở về trước, gia đình Y Xuân chủ yếu làm nương rẫy. Ngoài thời gian này, Y Xuân còn tranh thủ xin một chân làm phu hồ. Quần quật quanh năm nhưng thu nhập của gia đình Y Xuân cứ mãi túng thiếu.

Vào tháng 4/2013, được người quen giới thiệu, Y Xuân mạnh dạn đăng ký khóa học dạy nghề xây dựng do Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên Huyện Krông Ana (Trung tâm dạy nghề huyện Krông Ana) tổ chức.

Sau mấy tháng học lý thuyết và thực hành ở trung tâm, Y Xuân đã có thể đọc bản vẽ, các kỹ thuật hàn cửa sắt, lắp điện một cách thành thạo.

“Ngày ra trường, tôi đã có thể nhận thầu các công trình xây dựng cơ bản trong buôn. Đây là điều tôi chưa bao giờ nghĩ đến trước khi đăng ký học nghề ngắn hạn” – Y Xuân tâm sự.

Giúp nhau thoát nghèo

Chủ trương dạy nghề ngắn hạn cho người đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã làm thay đổi diện mạo tại nhiều vùng quê nghèo khó.

Không chỉ bản thân thoát nghèo, nhiều học viên ở Đắk Lắk sau khi được dạy nghề đã cùng nhau lập nhóm thợ để hỗ trợ nhau trong công việc.

{keywords}
Nhóm thợ xây dựng của Thổ Lợi (ngoài cùng bên phải – PV) nghỉ ngơi sau một ngày lao động.

Như trường hợp của Thổ Lợi (29 tuổi, dân tộc Chơ Ro, trú xã Ea Na, huyện Krông An) học nghề xây dựng tại Trung tâm dạy nghề huyện Krông Ana vào tháng 8/2019.

Sau 3 tháng học nghề ngắn hạn, Thổ Lợi, Y Đen Byă (30 tuổi) và 4 thành viên khác trong buôn lập ra nhóm thợ xây dựng.

Để tạo thuận lợi khi làm việc, mọi người trong nhóm chia công việc theo từng thế mạnh của mỗi người.

“Lập được nhóm thợ xây dựng, chúng tôi mạnh dạn nhận thầu những công trình xây nhà cấp 4 trong buôn. Làm việc theo nhóm còn giúp chúng tôi đoàn kết, tăng năng suất lao động. Quan trọng hơn cả, chúng tôi còn tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho thanh niên trong buôn làng” – Thổ Lợi chia sẻ.

{keywords}
Thầy giáo Đào Bắc Hà và Y Xuân trao đổi với nhau về nghiệp vụ trong quá trình xây dựng nhà ở.

Thầy Đào Bắc Hà – giáo viên dạy nghề xây dựng tại Trung tâm dạy nghề huyện Krông Ana cho rằng, sở dĩ việc dạy nghề ngắn hạn cho người đồng bào dân tộc thiểu số đạt hiệu qủa cao là bởi người dân ai cũng ý thức được lợi ích của việc học nghề.

“Ngoài những giờ học lý thuyết, chúng tôi thường xuyên đưa người học ra thực tế để thực hành. Cụ thể, chúng tôi chọn những gia đình nghèo để các học viên thực hành xây nhà. Mãi đến khi ngôi nhà được xây lên, dân nghèo vừa có nhà ở miễn phí mà người học lại nâng cao tay nghề” - thầy Đào Bắc Hà tâm sự.

Chủ trương nhân văn

Ông Đào Văn Phương – Phó Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Krông Ana cho biết, hằng năm, trung tâm thường rà soát nhu cầu học các nghề phi nông nghiệp sao cho phù hợp với thực tế. Sau đó, trung tâm sẽ đề xuất lên lên UBND huyện và Sở LĐTB&XH tỉnh Đắk Lắk về việc mở lớp dạy nghề theo nhu cầu.

“Nhiều người học nghề sửa xe máy, nghề may, tin học, nghề xây dựng ngay khi ra trường đã nhanh chóng xin được việc làm. Riêng đối với nghề xây dựng, gần như 100% học viên ra trường đều đã có việc làm và thu nhập tốt” - ông Phương thông tin.

Ông Phạm Anh Tuấn – Phó trưởng Phòng Giáo dục Nghề nghiệp thuộc Sở LĐTB&XH cho biết, trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh có tổng số 35 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong năm qua, toàn tỉnh đã thực hiện tuyển mới 35.199 học viên, học sinh sinh viên giáo dục nghề nghiệp tăng 0,16% kế hoạch năm, tăng 3,78% so với năm 2018.

“Riêng hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2019 (kinh phí 16.483 triệu đồng – PV) đã hỗ trợ đào tạo nghề sơ cấp và dạy nghề thường xuyên cho lao động nông thôn là 4.431 người, trong đó số người học nghề phi nông nghiệp là 2.821; số người học nghề nông nghiệp là 1.610.

Trùng Dương