Với mức lương bèo bọt chỉ 3 triệu đồng/tháng, Cường đô la vẫn có rất nhiều “bạn đồng hành” vốn là các đại gia.

Mới đây, ông Nguyễn Quốc Cường (Cường đô la), Phó giám đốc công ty Quốc Cường Gia Lai, một người nổi tiếng về mức độ giàu sang lại được chú ý khi vẫn nhận mức lương bèo bọt, chỉ 3 triệu đồng/tháng, tương đương 36 triệu đồng/năm.

Như vậy, dù lợi nhuận của Quốc Cường Gia Lai, Cường đô la và ban lãnh đạo cấp cao vẫn không được tăng lương.

Ở Quốc Cường Gia Lai, một loạt sếp khác cũng chỉ nhận lương 3 triệu đồng/tháng. Thậm chí bà Nguyễn Thị Diệu Phương và ông Nguyễn Đa Thời, thành viên Ban Kiểm soát có mức lương thấp hơn, chỉ 2 triệu đồng/tháng, tương đương 24 triệu đồng/năm.

Là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc nhưng bà Nguyễn Thị Như Loan cũng khiêm tốn với mức lương 7 triệu đồng/tháng. Mức lương này còn thấp hơn thu nhập của nhân viên ở một số công ty bất động sản khác.

{keywords}
Là Phó tổng giám đốc nhưng Cường đô la chỉ nhận lương 3 triệu đồng

Tình hình tại công ty cổ phần lương thực thực phẩm Colusa – MILIKET cũng không khá khẩm hơn gì. Dù lượng tiền mặt ở Miliket khá nhiều nhưng thù lao mà ban lãnh đạo nhận được lại rất khiêm tốn.

Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Thành viên Hội đồng quản trị và Trưởng Ban Kiểm soát nhận lương 5 triệu/tháng. Thành viên ban kiểm soát nhận lương 3 triệu đồng/tháng. Năm 2014 mức lương này dự kiến được giữ nguyên.

Masan được đánh giá ông lớn của ngành hàng tiêu dùng. Nhắc tới Masan, người ta nhắc tới những khoản lợi nhuận hàng ngàn tỷ đồng. Trong năm 2013, thù lao dành cho ban quản lý chủ chốt Masan là khoảng 46 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2012.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Masan và 6 thành viên Hội đồng quản trị lại không có nguồn thu nhập này.

Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH) là một đại gia bất động sản trên sàn thành phố Hồ Chí Minh. TDH rất rộng rãi khi trả các sếp lớn hàng trăm triệu đồng một năm.

Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc TDH nhận 582,11 triệu đồng/năm, ông Nguyễn Khắc Sơn, Ủy viên Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc nhận 392,63 triệu đồng/năm, ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng nhận 375,45 triệu đồng/năm.

Thế nhưng, 3 thành viên ban Kiểm soát, trong đó tính cả Trưởng ban lại có thu nhập là 0 đồng trong năm 2013. Khoản thù lao, tiền lương, thưởng trước thuế thu nhập cá nhân của ông Trần Quang Nghị, phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Lê Thanh Liêm, Ủy viên Hội đồng quản trị đều được ghi nhận là 0 đồng.

Trong năm 2013, Gỗ Thuận An đã thống nhất giữ mức thù lao của chủ tịch hội đồng quản trị là 5 triệu đồng/tháng, thành viên hội đồng quản trị, thư ký và trưởng ban kiểm soát là 3 triệu đồng/tháng/người, thành viên ban kiểm soát là 2 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, thu nhập thực năm 2013 của lãnh đạo Gỗ Thuận An thậm chí còn kém hơn cả dự kiến. Ông Lê Phi Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị chỉ nhận 42,5 triệu đồng/năm, tương đương 3,54 triệu đồng/tháng. Ông Nguyễn Quốc Việt, Ủy viên Hội đồng quản trị chỉ nhận 25,5 triệu đồng/năm, tương ứng 2,13 triệu đồng.

Bà Trần Thị Kim Thanh, Ủy viên Hội đồng quản trị cũng chỉ nhận 36 triệu đồng/năm, tương đương 3 triệu đồng/tháng. Thù lao của các lãnh đạo cấp cao khác của Gỗ Thuận An cũng chỉ bằng hoặc thấp hơn.

Cũng là đại gia bất động sản, Sao Mai An Giang có thời được nhà đầu tư săn đón. Tuy nhiên, bất động sản gặp khó nên lãnh đạo Sao Mai An Giang có thu nhập vô cùng khiêm tốn. Trong năm 2011 thù lao của Chủ tịch Hội đồng quản trị là 7 triệu đồng/tháng; Thành viên Hội đồng quản trị là 5 triệu đồng/tháng; Trưởng ban kiểm soát là 3 triệu đồng/tháng. Tới năm 2012, tình hình không được cải thiện nhiều.

Trong báo cáo thường niên 2013, khi nhắc về vấn đề thù lao Hội đồng quản trị, Sao Mai An Giang cho biết: “Ngoài mức lương mà Đại hội cổ đông thường niên năm 2013 phê duyệt cho Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát thì trong năm các thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ban điều hành và các cán bộ quản lý khác không được nhận thêm bất kỳ khoản thù lao, thưởng hay lợi ích nào khác”.

Theo Nghị quyết đại hội cổ đông lần 2 của Sao Mai An Giang, công ty không thực hiện chi trả thù lao cho Hội đồng quản trị. Trong khi đó, thù lao cho Ban Kiểm soát là 84 triệu đồng/năm.

Theo VTC