Để đào tạo hàng ngàn bác sỹ, y tá thuộc các chuyên ngành khác như phẫu thuật đầu gối, thần kinh, người đã nghỉ hưu, một số bệnh viện áp dụng phương thức không phổ biến: mô phỏng thực tế ảo (VR).
Tại bệnh viện Cedars-Sinai ở Los Angeles, hơn 300 bác sỹ được học các kỹ năng như theo dõi triệu chứng, hồi sức tim phổi trong khi mặc đồ bảo hộ bằng VR. Russell Metcalfe-Smith, Giám đốc Trung tâm Mô phỏng Kỹ năng Y tế nâng cao tại Trung tâm Y khoa Cedars-Sinai, cho biết VR mang lại cảm giác như bác sỹ ở trong phòng cùng bệnh nhân thật sự. Họ phải đưa các bác sỹ vào môi trường ảo để đào tạo các kỹ năng không thuộc chuyên môn của họ.
Bác sỹ và y tá khắp nước Mỹ đang trải qua các khóa đào tạo liên quan tới Covid-19 khác nhau, bao gồm mặc và cởi thiết bị bảo hộ đúng cách, sử dụng máy thở và các quy định mới liên quan tới hồi sức tim phổi, đưa ra chẩn đoán.
Do nguồn lực và thời gian có hạn, những công nghệ mới như VR được tận dụng để lấp khoảng trống, đặc biệt khi Mỹ vẫn đang giãn cách xã hội và không thể tập trung theo nhóm đông người.
Bệnh viện Cedars-Sinai dùng phần mềm của startup Virti từ tháng 1 nhưng mới triển khai cho nhiều nhân viên y tế hơn từ giữa tháng 3 do dịch bệnh lan nhanh. Theo bác sỹ Alex Young, nhà sáng lập Virti, họ muốn các bài tập trong phần mềm thể hiện được điều gì đang xảy ra trong thực tế. Chẳng hạn, một giả lập sẽ đưa người dùng vào phòng cách ly một mình, nơi họ nhìn thấy y tá, bác sỹ ra vào và như thế biết được cảm giác sợ hãi của bệnh nhân ra sao.
Trong 3 tuần qua, Virti có thêm 70.000 người dùng mới từ nhiều bệnh viện, trường học tại Mỹ, Anh và Israel. Một ma-nơ-canh được điều khiển từ xa đóng vai bệnh nhân. Chuyên gia y tế sẽ thực hành kỹ năng bằng headset VR hoặc máy tính bảng tại bệnh viện hoặc tại nhà.
Công ty thực tế ảo Oxford Medical Simulation cũng đang tập trung vào cải thiện quy trình ra quyết định cho người tham gia trong các tình huống khẩn cấp. Chương trình của họ có nhiều kịch bản từ cách mặc thiết bị bảo hộ đến các trường hợp cam go với bệnh nhân yếu.
Trong một tình huống giả lập, y tá ảo sẽ trao hồ sơ bệnh án của bệnh nhân ảo cho bác sỹ. Bác sỹ hay y tế sau đó cần đánh giá các triệu chứng, đưa ra quyết định trong thời gian thực dựa theo tình trạng bệnh nhân. Họ có thể cần kiểm tra dạ dày, phổi hay phán đoán nhanh nếu bệnh nhân nôn ra máu, co giật, thở gấp.
Nhà sáng lập kiêm bác sỹ trưởng Jack Pottle của Oxford Medical Simulation cho biết bác sỹ và y tá có thể học từ các sai sót trong môi trường giả lập. Một số người vừa tốt nghiệp đại học xong và phải thực hành ngay, hoặc có người đã nghỉ hưu nhưng không được đào tạo về bệnh truyền nhiễm như Covid-19. Khi ấy, giả lập sẽ giúp họ tăng tốc học tập và cảm thấy tự tin hơn.
Trước khi dịch bệnh xảy ra, trường học cũng dùng VR để đào tạo lứa chuyên gia y tế tiếp theo. Một số trường như Đại học New York, Đại học Middlesex… ứng dụng các chương trình tương tự với sinh viên chuyên ngành y tá để giúp họ sẵn sàng sau khi tốt nghiệp.
Nghiên cứu ban đầu về đào tạo VR cho thấy các công cụ tỏ ra hiệu quả trong giảm sai sót, tăng tốc quá trình học hỏi, nâng cao kết quả tổng thể. Theo nghiên cứu năm 2018 xuất bản trên tạp chí Journal of Advances in Medical Education & Profession, người được đào tạo bằng VR mắc sai lầm ít hơn, độ chính xác cao hơn người được đào tạo truyền thống.
Tuy nhiên, báo cáo lưu ý công nghệ nên được dùng như công cụ bổ sung cho các phương pháp truyền thống và cần nhiều nghiên cứu hơn về chủ đề này.