img 1435.jpg
 Cần quản lý đồ ăn vặt ở cổng trường. Ảnh: Bùi Long.   

Nhiều vụ ngộ độc tập thể

Mới đây, ở một số địa phương đã xuất hiện các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể ở trường học. Tại Thái Bình, sau khi điều tra, xác minh, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thái Bình xác định, khoảng hơn 10h sáng 28/9, một lớp học Trường Tiểu học thị trấn Tiền Hải tổ chức liên hoan Trung thu cho 37 học sinh. Thực phẩm gồm 2 bánh bông lan trứng muối đặt tại cơ sở bánh kem ở xã An Ninh (huyện Tiền Hải). Có 28 học sinh ăn, 9 học sinh không ăn. Đến chiều, 28 học sinh có triệu chứng ngộ độc thực phẩm, trong đó 25 học sinh phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tiền Hải, 3 học sinh nhẹ hơn được theo dõi tại nhà. Theo đánh giá bước đầu của Chi cục An toàn thực phẩm Thái Bình, nguyên nhân ngộ độc là món bánh bông lan trứng muối, căn nguyên do vi sinh vật.

Trước đó, ngày 25/9, tại Lào Cai một lớp học Trường THPT Pom Hán (TP Lào Cai) triển khai tiết Khoa học tự nhiên (Hóa) có nội dung cho học sinh trải nghiệm làm trà sữa ngay trên lớp. Buổi trải nghiệm gồm cô giáo và 38 em học sinh. Trong quá trình thực hành các em học sinh không sử dụng bảo hộ lao động như găng tay, đội mũ... Sau khi pha chế xong, cô giáo bộ môn nghiệm thu sản phẩm và cùng học sinh uống sản phẩm do mình vừa làm ra (mỗi học sinh 1 cốc). Khoảng 1 giờ sau, có 5 em xuất hiện triệu chứng buồn nôn, nôn, đau bụng, đi ngoài, đau đầu. Ngay sau đó các em đã kịp thời được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai để thăm khám, điều trị và đã ổn định sức khỏe ra viện.

Một vụ việc khác xảy ra tại điểm trường khu B, Trường Mầm non xã Quảng Thịnh huyện Hải Hà từ giữa tháng 9. Sau khi dùng bữa trưa, học sinh và giáo viên của Trường Mầm non Quảng Thịnh, huyện Hải Hà, Quảng Ninh có biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, trong đó, 10 người phải nhập viện do nhiễm vi khuẩn E.coli và vi khuẩn Shigella.

Theo khuyến cáo của chuyên gia, các bếp ăn học đường phải tránh xa ô nhiễm chéo giữa thức ăn sống và thức ăn chín. Dụng cụ chế biến và đựng thực phẩm phải sạch, để đúng nơi quy định (không để cạnh thùng rác, nhà vệ sinh…).

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã ban hành quy chuẩn về bếp ăn tập thể, quy định về lưu mẫu thực phẩm, nên các trường học phải tuân theo, nơi nào vi phạm nếu kiểm tra phát hiện thì phải xử lý nghiêm. Những người tham gia chế biến phải được tập huấn về kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, được khám sức khỏe định kỳ để đảm bảo không có bệnh truyền nhiễm, bệnh ngoài da, bệnh tiêu hóa… 

do an cong truong.jpg
Nhiều học sinh, sinh viên “mê” đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc ở cổng trường. Ảnh: Ngọc Hà.  

Cảnh báo thực phẩm ở cổng trường

“Vòng vây” thực phẩm mất an toàn xung quanh học sinh còn bao gồm cả những đồ ăn nhiều vặt đa sắc màu được bán ở cổng trường. Nỗi lo mất an toàn thực phẩm tiếp tục dấy lên khi hồi đầu tháng 9/2023, 25 học sinh Trường Tiểu học Việt Chu (xã Thống Nhất, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng) phải nhập viện sau khi ăn kẹo mua ở cổng trường. Được biết, trong giờ giải lao, các em học sinh từ lớp 1 tới lớp 5 đã ra cổng trường mua kẹo ngậm hương vị sữa và thạch sirô dừa về ăn. Một giờ sau, các học sinh này có triệu chứng ngộ độc.

Đồ ăn vặt được bày bán ngoài cổng trường từ xưa đến nay không ai đảm bảo rằng những đồ ăn đó đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm nên nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm thường rất cao. Thế nhưng với giá thành rẻ chỉ từ 2.000 đồng trở lên đã có thể mua được một món nào đó nên với số tiền được bố mẹ cho ăn sáng, nhiều em còn bớt lại vài nghìn đồng để ăn quà vặt.

Bạn Hà Phương, học sinh trường THCS Nghĩa Tân (Cầu Giấy) cho biết, hằng ngày em được bố mẹ cho 20.000 - 50.000 đồng tiền ăn sáng hoặc để tiêu vặt nhưng em chỉ mua một nửa số đó hoặc có khi nhịn ăn để dành tiền cuối giờ học ra quầy hàng rong cạnh cổng trường để mua thịt xiên, cá viên chiên... Phương còn nói vui rằng đó là “xiên bẩn” không thể thiếu của học sinh chúng em.

Các xe đẩy, quầy bán hàng rong, đồ ăn sẵn thường tập trung vào đầu giờ sáng, cuối giờ trưa tan học hay vào cuối giờ chiều, ở phía ngoài cổng trường. Tại Hà Nội, địa bàn quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, Hà Đông, Thanh Trì, Nam Từ Liêm… không khó để bắt gặp cảnh học sinh hồn nhiên thưởng thức những món ăn đó. Các thực phẩm rất phong phú, đa dạng như: thịt xiên nướng, xúc xích, cá viên chiên, kẹo bông, các loại bánh, ngô, khoai… Theo tìm hiểu, mỗi que xiên được người bán hàng rán ngay tại chỗ có giá từ 2.500 đồng đến 15.000 đồng/que tùy loại. Những thực phẩm này chỉ được đựng trong túi nilong không nhãn mác, che đậy sơ sài hoặc không che đậy. Hỏi về nguồn gốc của những que xiên này, người bán hàng chỉ nói rằng lấy ở chỗ “người quen”.

Theo chuyên gia của Viện Dinh dưỡng quốc gia, những thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được bảo quản, chế biến theo tiêu chuẩn dễ gây ra các vấn đề ngộ độc tức thời như: Đau bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa... Điều lo ngại hơn, những thực phẩm “3 không” này còn tác động âm thầm khi trẻ ăn, uống, tiếp xúc trong một thời gian dài và ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa trong cơ thể, dễ gây ra các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, béo phì… Đặc biệt, các chất hóa học, thuốc trừ sâu, chất tăng trọng… còn tồn dư trong các loại thực phẩm không nguồn gốc sẽ từ từ ngấm vào cơ thể, sau đó tích tụ lại gây bệnh ung thư.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, để giải quyết triệt để các quán hàng rong tại cổng các trường học cần sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng xã hội. Trước hết, ban giám hiệu nhà trường, hội phụ huynh học sinh cần phải tìm ra biện pháp để ngăn chặn những thực phẩm “3 không” không thể tiếp cận được đến tay học sinh.

“Trong gia đình, cha mẹ cần quan tâm giáo dục con em mình về những tác hại của thực phẩm “3 không” đối với sức khỏe. Tại các nhà trường nên kiểm soát, tạo cuộc vận động và xây dựng phong trào vệ sinh, an toàn thực phẩm, học sinh toàn trường không ăn quà vặt không rõ nguồn gốc. Còn cơ quan chức năng cần tiếp tục vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các loại thực phẩm mất an toàn bày bán trước cổng trường”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh.

Theo Đại đoàn kết