Ông Võ Quang Huệ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI), nhắc đến vấn nạn này trước hàng ngàn sinh viên tại chương trình "Đối thoại cùng CEO" do Trung tâm Hợp tác doanh nghiệp cùng Viện Kỹ thuật HUTECH tổ chức.
Chia sẻ mảng nội dung nhiều người quan tâm nhất là tuyển dụng, ông Huệ nhấn mạnh, điều các bạn trẻ cần làm trước khi đi làm là học cho đến nơi đến chốn, tránh học lớt phớt, làm phớt rồi ngày ngày ngồi "mơ làm CEO lương 4 - 5 ngàn "đô".
Một nhân sự, theo ông Huệ, phải đảm bảo được 3 yếu tố. Trước hết, "ăn thua" nhau trong tuyển dụng chính là ở chỗ nhân sự có nắm sâu về chuyên môn không. Chuyên môn ở đây là một quá trình học tập tới nơi tới chốn, đầu tư nghiêm túc chứ không phải là trưng ra điểm thi cao nghĩa là nắm vững chuyên môn.
Yếu tố thứ hai là phải học tốt ngoại ngữ. Ông Huệ nhấn mạnh, đây là xu hướng, là điều kiện "không thể nào khác được".
Và khác biệt lớn nhất giữa các nhân sự mà các doanh nghiệp quan tâm là ở kỹ năng mềm, thể hiện ở cái tâm, ở thần thái, ở thái độ. Điều này, được thể hiện và rèn luyện từ rất sớm, qua tinh thần win - win khi chơi với bạn bè, trong đoàn hội, tập thể và các mối quan hệ trong đời sống.
Để có được những phẩm chất trên, vị chuyên gia từng có 25 năm làm việc cho hãng xe BMW cho rằng, có hai yếu tố không thể thiếu là thói quen tốt và kỷ luật.
Ông kể lại cuộc trò chuyện mới đây của mình với người phụ nữ Việt đầu tiên lên đỉnh Everest. Để chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới, trước đó, bạn gái trẻ này đã dành 5 năm thực hiện "kỷ luật sắt", mỗi sáng dậy từ 5h, dành thời gian đến 8h để tập luyện thể lực, thực hành kỹ thuật leo núi đều đặn, không bỏ một ngày nào.
Qua hình ảnh người phụ nữ này, vị chuyên gia nhấn mạnh với các bạn trẻ, mọi kỳ tích, kết quả chỉ được tạo nên khi mỗi người có khát vọng cùng cả một quá trình khổ luyện.
Sinh viên vừa ra trường gia nhập thị trường lao động mà "hét", đòi lương hàng ngàn "đô" là chuyện đã được nhắc đến nhiều lâu nay. Điều này dẫn đến sự "lệch pha" trong tuyển dụng, đẩy "cung với cầu" ngày càng xa nhau.
Khảo sát về việc làm cho tân cử nhân trong đại dịch Covid-19 cách đây không lâu của đơn vị nghiên cứu thị trường lao động Adecco Việt Nam chỉ ra, dù khó khăn trong tìm kiếm việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh, mặt bằng lương mà sinh viên mới ra trường đề nghị rất khác biệt với mức đề nghị của doanh nghiệp.
Hầu hết sinh viên mới tốt nghiệp (hơn 43%) đề nghị mức lương từ 10 - 15 triệu đồng, 6,6% sinh viên đề nghị mức lương từ 15 - 20 triệu đồng và 9% đề nghị mức lương trên 20 triệu đồng.
Trong khi đó, hầu hết các nhà tuyển dụng (trên 51%) chỉ đồng ý trả mức lương gộp hàng tháng từ 6 đến dưới 10 triệu đồng cho sinh viên mới ra trường, 27,5% sẵn sàng trả từ 10 đến dưới 15 triệu đồng, chỉ 8,8% doanh nghiệp đồng ý trả mức lương từ 15 triệu đồng trở lên.
Theo ý kiến nhiều chuyên gia, người lao động "mơ" lương cao là điều dễ hiểu, ai đi làm cũng mong như vậy và đó là giấc mơ chính đáng. Nhưng giữa mong muốn và thực tế là hai phạm trù khác nhau. Quan trọng nhất là nhân sự có đủ tài năng, năng lực, có đủ sự chăm chỉ, nỗ lực, làm hơn những gì bạn được học, làm hơn những gì cần làm trong 8 tiếng mỗi ngày...
Chuyện này thành "vấn nạn" khi nhiều người lẫn lộn giữa mơ và thực, học hành, làm việc qua loa nhưng vẫn "la lối", ôm mộng lương cao.