- Sau câu chuyện một thầy giáo tiếng Anh người Mỹ chỉ ra những lỗi phát âm sai của một số giáo viên người Việt, chủ đề "phát âm chuẩn bản xứ quan trọng đến mức độ nào" đang được bàn luận sôi nổi. 

VietNamNet giới thiệu ý kiến của anh Nguyễn Bá Trường Giang (học giả Fulbright, tốt nghiệp Khoa Kinh tế, ĐH Cornell và Khoa Luật, ĐH Boston - Mỹ). Anh Giang từng giảng dạy tại Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa Anh - Mỹ, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội. 

Dưới đây là nội dung bài viết.

 

{keywords}
Anh Nguyễn Bá Trường Giang trong một chuyến thăm ĐH Harvard mới đây. Ảnh: NVCC

Tôi có lắng nghe nhiều chia sẻ của các mẹ rằng "Thầy ơi, con nhà em nói tiếng Anh chán quá, giọng hệt An Nam Mít, chẳng giống Mỹ với Anh chút nào cả!". Hay nhiều mẹ hỏi tôi "Thầy có bí kíp gì để luyện phát âm chuẩn như Anh - Mỹ hay không?". Và còn nhiều câu hỏi tương tự như thế nữa. 

Tất cả đều nói lên rằng nhiều mẹ rất mong muốn khi con mình cất giọng nói tiếng Anh thì đúng chuẩn là giọng Anh - Anh hay Anh - Mỹ, chứ Anh - Việt thì chán lắm. Tôi chưa dám khuyên, hay nói đúng hơn sợ khuyên rồi các mẹ lại không hài lòng, bảo thầy toàn khuyên con nhà em làm ngược. 

Nhưng nếu có khuyên thì tôi sẽ khuyên như thế này: Tiếng Anh chỉ là một công cụ và công cụ ấy không quá khắt khe, dù nói như Việt hay như Mỹ không phải là điều quan trọng, mà cái quan trọng nhất là "Nghĩ như thế nào". Nghĩa là, chúng ta có dạy con em mình, thông qua tiếng Anh, để xây dựng các kỹ năng tư duy sắc sảo và sâu lắng hay không. Và để làm được điều đó, chỉ có một cách duy nhất: Đọc và Viết thật nhiều. Đó là mấu chốt của thời đại này.

Vậy nói hay hay hay nói đây?

Mỗi đứa trẻ sinh ra một tính cách khác nhau. Có đứa tính tình sôi nổi, thích nói, thích biểu diễn và thích bắt chước. Đối với những em như thế, nhu cầu nói, nói trước đám đông và diễn thuyết trước công chúng là rất tự nhiên. Các em sẽ không ngần ngại, có khi hơi tự tin quá một chút. 

Tôi tiếp xúc rất nhiều học sinh khác nhau và thấy một xu hướng: Nói âm thanh hay không để làm gì cả, điều quan trọng là nội dung các em nói ra là cái gì, có thể hiện sự tư duy ở mỗi mỗi từ, mỗi câu nói ra hay không. Nếu nói chỉ để âm hay thì vứt đi. Còn nếu nói mà vừa đạt "Âm hay, lời chuẩn, ý tứ rõ ràng" thì đó mới là cái đáng để phấn đấu, rèn luyện, mà cả một đời chưa hẳn đã làm được đâu.

Còn một thái cực khác, đó là nhiều em tính tình trầm mặc, ít nói, nhưng nghĩ nhiều. Các em ấy nói ra âm nghe mộc mạc, nhưng ý tứ lại sâu và logic. Các em thường ngồi trong lớp trật tự, có đóng góp xây dựng bài thì rất từ tốn, và đã nói ra là chính xác, và có chính xác mới nói vì các em nghĩ nhanh và nghĩ trúng. Tôi vô cùng may mắn có nhiều học trò như vậy. Đọc nhiều và viết nhiều, nghĩa là nghĩ nhiều. 

Người làm thầy như tôi khuyến khích mọi mặt, nhưng quả thực tôi vẫn nghiêng về lối nói rõ ràng, có nội dung và chứa đựng tư duy. Chứ nói như Tây mà nghĩ như Ta thì chả tiến bộ gì, chẳng qua giống mấy anh Tây ba lô, sang đây dạy phát âm kiếm tiền, chứ bên trong chẳng có nội dung gì.

Học nghĩ hay học nói?

Tôi luôn đề cao tính toàn diện: Nghĩ rồi Nói. Nói là phải nghĩ trước đó, chứ không phải nói bộp chộp, nghĩ đâu nói đó, không cân nhắc lời nói của mình. Bao lâu nay dạy con trẻ viết và đọc, dạy con trẻ tư duy phê phán và tư duy hàn lâm, tôi luôn nhấn mạnh các kỹ năng đọc - viết - nghe để lấy nguồn cung dữ liệu ngôn ngữ đầu vào. 

Tôi khuyến khích các em nói, coi đó là sự sáng tạo ngôn ngữ chóng vánh. Nếu nói được từ hay câu hay và ý hay trong một giây phút suy nghĩ thì đó là kỹ năng thượng thừa. Phàm những em làm được điều này là những em có khả năng tư duy rất sâu và độc lập. Tôi không bao giờ nói với các em rằng: Các em phải bắt chước âm Anh - Anh, Anh - Mỹ, mà tôi luôn nói hãy xem cách người ta đọc, viết như thế nào.

Nói giọng Anh - Mỹ hay nghĩ sâu Ấn - Nhật? 

Tiếng Anh nay đã trở thành ngôn ngữ toàn cầu. Mỗi nền văn hoá có một cách ứng xử với tiếng Anh khác nhau. Cách phát âm tiếng Anh, ký tự dùng để ký âm, và ngữ pháp là những chuẩn mực mà dù bạn có ở nền văn hoá nào cũng phải tuân theo. Nhưng riêng âm điệu của lời nói thì không có chuẩn mực nào quy định, và cũng không ai đi cố nói giống người Anh, người Mỹ làm gì. Ví như người Ấn Độ, 100 năm nay họ nói tiếng Anh theo giọng của mình. 

Trong lớp của tôi có mấy bạn người Ấn, nói tiếng Anh - Ấn nhanh như gió thoảng, chuẩn xác vô cùng. Tư duy của người Ấn thì sâu vô cùng, toán học thì giỏi vô song. Mấy người bạn Ấn của tôi đọc như máy, viết như máy, nói như máy và cãi như máy trên nền giọng Ấn. Họ có cần phải học theo giọng Anh - Anh hay Anh - Mỹ đâu cho mệt. Hay đơn cử như người Singapore. Bao năm nay chúng ta vẫn quen gọi là Singlish. Người ta vẫn nói giọng Sing đấy thôi, dù họ là thuộc địa của người Anh cả 100 năm. Sao họ không bắt chước giọng Anh với Mỹ? Là vì họ thấy không cần thiết, mất thời gian và vô vị.

Thêm nữa, để cho thuyết phục, hãy lấy người Nhật làm ví dụ. Họ nói tiếng Anh vào loại kém nhất thế giới. Họ chỉ đọc được tiếng Anh và nói không hay chút nào. Người Nhật có thể bị đánh giá là nói tiếng Anh "cám", nghĩa là loại tiếng Anh vỡ vụn thành từng mảnh nhỏ, và ghép lại một cách cẩu thả. Nhưng tư duy của họ thì tuyệt vời, khả năng đọc hiểu và viết lách uyên thâm vô cùng. 

Các bạn Nhật của tôi ở trường Luật Boston ngồi trong lớp cứ im lìm, tay cầm Kim Từ điển, mà đầu nghĩ thiên thu. Đi thi Đoàn Luật sư New York họ đỗ hết, còn hội Mỹ thì nhiều tên trượt chỏng gọng. Như vậy, điều mà người Ấn Độ, Nhật Bản và Singapore làm là phát triển tư duy thông qua đọc, viết và nghe, chứ không tốn thời gian luyện âm gió, âm mũi hay âm sành điệu cho con mình nói giống Anh - Anh hay Anh - Mỹ.

Tôi có một vài phân tích để định hướng lại học hành cho con trẻ. Hãy nói tiếng Anh giọng Việt Nam, có sao đâu. Thầy Ngô Bảo Châu hay thầy Đàm Thanh Sơn có nói tiếng Anh - Anh hay Anh - Mỹ đâu mà vẫn được cả thế giới kính trọng. Là vì các thầy đọc nhiều, nghĩ nhiều, và viết nhiều. Hay nhiều người bạn thân thiết của tôi đang làm tiến sỹ, hoặc đã là giáo sư các trường bên Mỹ, họ cũng có đi luyện giọng Anh - Mỹ đâu, mà họ luyện "chưởng", nghĩa là luyện nghĩ, luyện viết, luyện đọc để tạo ra tri thức cho nhân loại...

Giang Nguyễn (The Ivy-League Vietnam)

  • Bài viết là quan điểm riêng của tác giả