- Đọc hai bài viết 'Nấu cơm xong, mời được con ăn là may lắm' và 'Sức chịu đựng của học sinh bây giờ rất kém' mà cảm thấy đau lòng. Một câu hỏi choáng cả đầu tôi: Vì đâu đến nỗi này? Lỗi tại ai?

Ảnh có tính chất minh họa

Thực ra thì hiện tại, cái quy trình phát hiện ra lỗi của ngành giáo dục chúng ta hoạt động khá nhịp nhàng. Ta cứ xét trong một không gian cụ thể là sẽ thấy ngay thôi.

Nếu không gian là lớp học, thì lỗi là ở Tổ chứa học sinh đó (dĩ nhiên là bản thân học sinh hư bị lỗi thì hẳn rồi). Sẽ có hình phạt cho Tổ đó, tùy theo giáo viên chủ nhiệm.

Nếu không gian gian là các giáo viên chủ nhiệm, thì lỗi là ở các cán bộ lớp, từ bí thư, lớp trưởng đến các lớp phó.

Nếu không gian xét là nhà trường thì lỗi là ở giáo viên chủ nhiệm cái lớp đó. Sẽ có hình phạt, như trừ điểm thi đua chẳng hạn cho giáo viên chủ nhiệm.

Nếu không gian gian xét là Sở GD-ĐT, thì lỗi là tại trường có học sinh hư hỏng đó. Sẽ có hình phạt cho trường.

Nếu không gian là Bộ GD-ĐT, thì lỗi là do Sở GD-ĐT có học sinh đó.

Nếu không gian là nhà nước, thì lỗi là do Bộ GD-ĐT….

Cứ thế,…cứ thế….

Cái quy trình rõ ràng và chặc chẽ như thế rồi, song không hiểu tại sao, học sinh "hỏng" không giảm mà ngày càng nhiều hơn, trầm trọng hơn? Phải chăng cái quy trình đó có vấn đề ?

Thực ra, đó là quy trình hành chính, quy trình áp đặt lỗi. Trong cái quy trình này, không có chỗ cho ý thức về trách nhiệm, về lương tâm và đạo đức con người. Nếu học sinh hư bị giáo viên bắt viết kiểm điểm, thì lỗi đó là
do giáo viên áp đặt cho, mấy học sinh thực sự thấy cái lỗi của mình? Còn giáo viên chủ nhiệm bị trừ điểm thi đua, xếp hạng thấp, thì chẳng qua bị “xui” mà thôi, mấy giáo viên khác không bị trừ điểm, chắc gì hơn mình?

Vâng, cái lỗi chính là ở đó: Con người mà hành xử như cái máy.

Và cái lỗi phụ, là chẳng ai trong cái quy trình đó tự nhận ra cái lỗi của mình.

Phụ huynh chúng ta thường có hai loại : “Trách nhiệm” và “Vô trách nhiệm”.

Phụ huynh “Trách nhiệm” thường là những người có “máu mặt”, họ lo cho con quá đáng, thậm chí có người còn bón cho con ăn khi đã hơn 10 tuổi.

Phụ huynh “Vô trách nhiệm” thì cũng lo cho con dữ lắm, nhưng chẳng biết làm cách nào, ngoài một cách duy nhất là con muốn làm gì thì làm, học gì thì học, miễn là lên lớp, còn không thì:… đánh.

Tuy nhiên, cả hai loại phụ huynh này đều có một điểm chung: Thiếu kiến thức giáo dục và chưa bao giờ coi con như là một con người. Thậm chí có người không thể chấp nhận được một điều hiển nhiên là: Con mình đã lớn!

Phụ huynh thì học không có kiến thức về giáo dục là bởi vì không được đào tạo về giáo dục. (Nói thế chứ đúng ra là trước khi đẻ con, họ phải biết chăm con, dạy con như thế nào). Thế còn các nhà giáo dục thì sao, cũng chẳng lẽ không có kiến thức về giáo dục sao?

Sinh viên sư phạm biết rồi: "Chuột chạy cùng sào"


Môn tâm-lý-học, Giáo-dục-học ở trường Sư phạm là môn…rẻ nhất. Chẳng có sinh viên nào muốn ở lại cái khoa đó. Thử xem tỷ lệ sinh viên các trường xã hội và khoa học tự nhiên là biết ngay. Hoặc là tỷ lệ học sinh THPT khối C và các khối còn lại cũng được.

Khi ra trường làm giáo viên, phải lo đối phó với bao nhiêu là chuyện, nào giáo án, thi đua, thao giảng, công tác phong trào,v,v,..kiến thức thì nhiều, học sinh thì yếu (về kiến thức, về ý thức) song không được bỏ tiết,
bỏ bài, nhất thiết trong 45 phút ấy phải “nhét” cho học sinh đủ kiến thức trong sách giáo khoa. Thời gian đâu, kiến thức đâu mà giáo dục. Mà dẫu có làm đi nữa, thì ai công nhận….Người ta chỉ cần học sinh đỗ cao, chứ học sinh đạo đức tốt thì được cái gì cho thành tích nhà trường (do cấp trên đánh giá)?

Rồi cái xã hội giẫm đạp lên nhau mà sống có lỗi gì không? (cứ xem cảnh cháy chung cư là biết thôi). Họ có bao giờ xem người khác cũng là một con người?

Có ai đó đã nói: không có học sinh hư, chỉ có giáo viên tồi. Chắc có lẽ phải bổ sung thêm: không có đứa con hư, chỉ có bố mẹ tồi; không có công dân hư, chỉ có nhà nước tồi.

  • Đào Văn (Phú Yên)