Tinh thể học là một ngành khoa học còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Vốn là người yêu thích môn Hóa, từ năm lớp 9, Nhật Anh bắt đầu mày mò việc chế tạo tinh thể. Cậu bị cuốn hút bởi khả năng tạo ra những thứ lấp lánh bằng vài chất quen thuộc như muối và nước.
Vì thế, Nhật Anh cùng hai người bạn của mình đã bắt tay vào việc nghiên cứu. Ban đầu, các thành viên đều là những người chỉ mới biết đến định nghĩa về tinh thể. Vì vậy, cả nhóm phải mày mò tìm hiểu thông tin qua Internet và nhờ đến sự giúp đỡ của các giáo viên tổ Hóa.
Nhật Anh và hai người bạn trong nhóm giành giải Vàng cuộc thi Nuôi tinh thể quốc tế
Việc nuôi tinh thể theo Nhật Anh là rất tốn công và đòi hỏi độ tỉ mỉ cao.
“Nuôi tinh thể khá phức tạp bởi chỉ cần sai nhiệt độ hoặc sai khối lượng cũng có thể làm ảnh hưởng đến cả quá trình”.
Có những lần, cả nhóm làm 6 mẻ nhưng đều thất bại và phải làm lại từ đầu chỉ vì cân sai khối lượng. Rút kinh nghiệm, cả nhóm rất thận trọng trong việc canh nhiệt độ, cân đo chuẩn xác khối lượng. Đây cũng là quá trình khó khăn bởi “chỉ sai một ly là hỏng hết”.
Để tạo ra một tinh thể đẹp, theo Nhật Anh phải lấy muối và nước theo đúng tỉ lệ. Dụng cụ cũng cần phải lau qua bằng cồn.
Sau khi lau xong, nước được đun lên 40 độ và đổ muối vào. Tiếp theo, sau khi ngoáy cho muối tan hết sẽ đặt dung dịch vào thùng xốp để bảo toàn nhiệt độ và bảo vệ không để vật thể bên ngoài dính vào.
Việc nuôi tinh thể theo Nhật Anh là rất tốn công và đòi hỏi độ tỉ mỉ cao.
Quá trình này diễn ra một ngày, một đêm sẽ cho một mầm tinh thể. Những mầm tinh thể này tiếp tục được nuôi thành những viên tinh thể lớn hơn. Viên tinh thể được tạo ra phải có hình thái, góc cạnh đẹp mắt và độ trong suốt hoàn hảo.
Từ năm lớp 9 đến nay, Nhật Anh cùng những người bạn của mình đã có một “cơ ngơi” với nhiều mẫu tinh thể lấp lánh.
Mê nghiên cứu và sáng tạo, có những ngày nhóm của Nhật Anh ở lại phòng thí nghiệm của trường tới tận khuya chỉ để dán tinh thể lên đá.
Nhật Anh tâm sự: “Một môi trường thí nghiệm sạch sẽ giúp việc nuôi tinh thể được thuận lợi hơn. Vì vậy làm việc tại phòng thí nghiệm của trường sẽ rất thuận lợi vì có đủ dụng cụ và trang phục blouse.
Việc thực hành liên tục như vậy giúp em có thể áp dụng những kiến thức vào quá trình thực hành và tạo ra sản phẩm”.
Trải qua 3 năm liên tiếp dự thi cuộc thi Nuôi tinh thể quốc tế, đây là năm đầu tiên nhóm của Nguyễn Sinh Nhật Anh giành ngôi vị cao nhất chung cuộc.
Cô Phạm Thị Hiền – Giáo viên môn Hóa học trường THPT Wellspring (Hà Nội) và cũng là người trực tiếp hướng dẫn nhóm của Nhật Anh chia sẻ, để đạt được thành công này các em đều phải nỗ lực nghiên cứu, mày mò làm thí nghiệm và sáng tạo.
Bản thân các em đã rất háo hức vì có được cơ hội vừa học vừa thực hành những thí nghiệm hóa học. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng trong việc giảng dạy bởi điều này khiến học sinh dễ tiếp thu bài hơn và khiến giờ học không còn khô khan, nhàm chán.
Theo cô Hiền, tinh thể học là một ngành mới chưa được chú trọng ở Việt Nam. Tinh thể hiện sử dụng phổ biến trong việc trạng trí. Tuy nhiên, tinh thể trong khoa học còn có ứng dụng quan trọng hơn là trong lĩnh vực vật liệu bán dẫn.
Cuộc thi Nuôi Tinh thể được khởi xướng ở Bỉ gần 20 năm trước và lan rộng ra nhiều nước. Sau 4 năm liên tục có học sinh tham dự, lần đầu tiên Việt Nam xuất sắc vượt qua 61 đội bạn đến từ 16 Quốc gia trên thế giới, chạm tới ước mơ Huy chương Vàng và giành được ngôi vị cao nhất trong suốt 5 năm dự thi. |
Trường Giang
Cậu bé Nam Phi là DJ nhỏ tuổi nhất thế giới
Oratilwe Hlongwane mới 6 tuổi đã trở thành DJ được yêu thích ở Nam Phi, và cũng là DJ nhỏ tuổi nhất thế giới.