Tại tọa đàm, nhiều học sinh cũng nêu lên thắc mắc tại sao lại tồn tại hệ thống trường công lập chất lượng cao.
Về vấn đề trường chuyên, trường chất lượng cao, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) dự kiến sẽ không quy định cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông chất lượng cao công lập để bảo đảm thực hiện các điều kiện cho giáo dục đại trà và bồi dưỡng tài năng, tạo môi trường học đường bình đẳng, thân thiện trong hệ thống cơ sở giáo dục công lập.
Tuy nhiên, nếu chiếu theo Luật Thủ đô hiện hành thì Hà Nội là địa phương duy nhất áp dụng mô hình này khi được phép xây dựng các trường công lập chất lượng cao, thu học phí cao.
Lê Thúy Hiền, học sinh lớp 11 chuyên Văn Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. |
Lê Thúy Hiền, học sinh lớp 11 chuyên Văn bày tỏ quan điểm, không đồng tình việc tồn tại hệ thống các trường công lập nhưng lại “đào tạo mô hình chất lượng cao”
“Theo em biết môi trường giáo dục công lập là môi trường đảm bảo điều kiện cho giáo dục đại trà và bồi dưỡng tài năng, tạo môi trường học đường bình đẳng, thân thiện trong hệ thống các cơ sở giáo dục công lập. Có nghĩa là các trường công phải là nơi mà tất cả các học sinh trên toàn quốc đều được học. Vậy tại sao lại có sự phân biệt giữa các trường công? Tại sao có những trường được đào tạo chất lượng cao hơn cả với đội ngũ giáo viên, phương pháp giảng dạy lẫn cơ sở vật chất nhưng vẫn có những trường không được như vậy?”, học sinh Thúy Hiền băn khoăn.
Học sinh này cho rằng, những trường chất lượng cao nên để cho khối tư nhân “gánh vác”. Khi đó những học sinh muốn vào đó, sẽ phải nộp một khoản học phí xứng đáng với cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục được hưởng.
“Còn về trường công hiện nay, trước nhất và tối thiểu hãy tập trung đáp ứng việc đào tạo ra những con người có thể làm việc trong bất kỳ môi trường nào, có khả năng tiếng Anh và có thể mang tấm bằng tốt nghiệp phổ thông của Việt Nam ra khắp thế giới làm việc mà không bị từ chối”.
Học sinh này cũng thẳng thắn bày tỏ lo lắng về sự tồn tại của trường chuyên với mục tiêu đào tạo nhân tài cho đất nước, nhưng mục tiêu này liệu có đạt được không khi học sinh tốt nghiệp trường chuyên chủ yếu đi du học hoặc học tiếp lên đại học và đi làm nhưng lại không đúng với môn chuyên được học ở phổ thông.
Thùy Linh, học sinh lớp 11 chuyên Văn Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam. |
Thùy Linh, học sinh lớp 11 chuyên Văn chia sẻ: “Tại sao không giải quyết vấn đề này bằng cách nhà nước đầu tư vào các trường công lập để tất cả các trường đều có chất lượng tương tương trường chất lượng cao chứ không nên có sự phân biệt”.
Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT). Ảnh: Thanh Hùng |
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT) ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp đầy trách nhiệm của các học sinh. Ông Linh cho biết, tất cả những góp ý sẽ được gửi tới Ban soạn thảo Luật Giáo dục xem xét trong quá trình xây dựng dự thảo.
Theo báo cáo tại hội nghị về trường chuyên tổ chức cuối năm 2018, đến nay, tất cả 63 tỉnh/ thành phố đều đã có trường chuyên. Hệ thống trường chuyên gồm: 76 trường chuyên (71 trường trực thuộc Sở GDĐT, 5 trường thuộc cơ sở giáo dục đại học); 11 khối chuyên (09 khối chuyên thuộc trường THPT, 02 khối chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học). Giai đoạn này có 08 trường chuyên được thành lập[1]. Số HS chuyên năm học 2018 – 2019 là 72.998 HS, tăng 16.736 HS (chiếm khoảng 2,1% số HS THPT). Đến năm học 2018 – 2019, số cán bộ quản lý và GV dạy lớp chuyên đã có: 108 người trình độ tiến sĩ (tỉ lệ 1,9%), 3383 người trình độ thạc sĩ (tỉ lệ 58,3%), 2309 người trình độ cử nhân (tỉ lệ 39,8%). So với thời điểm năm 2010, số cán bộ quản lý, GV có trình độ tiến sĩ tăng 41 người, trình độ thạc sĩ tăng 1.525 người.
|
Thanh Hùng- Thúy Nga
Góp ý sửa luật, học sinh mong thầy cô tôn trọng sự khác biệt
Nhiều học sinh chia sẻ giáo viên cần phải tôn trọng cá tính, suy nghĩ riêng của từng học trò.