Cách thức đối diện với vết thương hậu xung đột sẽ đè nặng và phá hủy nhân cách của một cá nhân hoặc một dân tộc, hay sẽ giúp một họ đứng lên mạnh mẽ như phượng hoàng bay lên từ tro tàn?
LTS: Một nhà giáo dục từng thốt lên: "Chúng ta dạy trẻ căm thù thực dân Pháp, nhưng căm thù đến mức không cần biết Victor Hugo là ai thì chúng ta đã thất bại!"
Sự nghiệp trồng người vô cùng cao quý và quan trọng. Thế hệ tương lai định hình cho khuôn mặt đất nước nhiều thập kỷ tới đang hình thành từ mái trường. Ngoài việc trang bị cho các em kiến thức là việc phải giúp các em có nền tảng để hình thành quan điểm, góc nhìn, lối tư duy. Với ý nghĩa như vậy, lịch sử là một môn học mang tính nhân văn.
Trong dịp cả nước tôn vinh sự nghiệp trồng người 20/11, Tuần Việt Nam xin giới thiệu một góc nhìn về cách dạy sử ở nhà trường và việc bồi đắp tình yêu nước.
Làm gì với vết thương hậu xung đột?
Với tư cách là một môn khoa học xã hội nhân văn, việc viết sách giáo
khoa sử và dạy sử ở một xã hội hậu chiến cần được cân nhắc như thế nào?
"Việc
dạy sử cần hướng đến thúc đẩy tư duy phê phán, học hỏi và tranh luận
dựa trên lý tính, nhấn mạnh tính phức hợp của lịch sử, việc dạy sử cần
làm nảy sinh cách tiếp cận mang tính so sánh và đa diện. Việc dạy sử
không nên đặt ra mục đích đắp bồi chủ nghĩa yêu nước, tô đậm bản sắc dân
tộc hay gò khuôn cho lớp trẻ, dù là theo lý tưởng chính thống hay một
tôn giáo đang chiếm ưu thế". Đó là phát biểu của bà Farida Shaheed,
Báo cáo viên Đặc biệt về các quyền con người trong lĩnh vực văn hóa
trước Đại hội đồng Liên Hợp quốc về việc viết sách giáo khoa môn sử và
dạy sử ở những xã hội thời kỳ hậu xung đột và hậu chiến.
Bà Shaheed sẽ sang thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Nhà nước từ ngày 18 đến 29 tháng 11 năm 2013.
Điều gì sẽ xảy ra với con người cá nhân trong một cuộc xung đột? Cuộc xung đột, ở quy mô lớn là chiến tranh. Còn ở quy mô nhỏ, có thể là mối mâu thuẫn cá nhân với một người khác.
Câu hỏi đặt ra với những thế hệ bước ra khỏi cuộc chiến là, từ những nỗi đau thương của mình, họ muốn để lại thông điệp gì cho thế hệ tiếp theo. Cách thức đối diện với vết thương sẽ đè nặng và phá hủy nhân cách của một cá nhân hoặc một dân tộc, hay sẽ giúp họ đứng lên mạnh mẽ như phượng hoàng bay lên từ tro tàn?
Người Đức mất đến hai lần thua cuộc trong đại chiến thế giới để tự học và khẳng định tư thế một nước lớn với những giá trị vững vàng. Người Nhật, từ bên thua cuộc trong Thế chiến thứ Hai, đã viết cho mình một chương lịch sử mới khiến thế giới kính nể.
Cách thức một cá nhân hay một dân tộc tự nhận thức về mình và nhận thức về thế giới xung quanh khi họ bước ra khỏi cuộc xung đột mang tính bạo lực, dù ở tư cách bên thắng cuộc hay bên thua cuộc, sẽ định hình vận mệnh tiếp theo của cá nhân hay dân tộc đó.
Biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam tại Mỹ (Ảnh tư liệu) |
Truyền bá lịch sử cho thế hệ sau thế nào?
Từ một trải nghiệm mất mát có thể sinh ra nhiều tâm lý khác nhau. Sự
thù hận là một hệ quả mang tính bản năng của mất mát. Mất mát và tâm lý
hơn thua chính là động lực nuôi dưỡng những mối thù được truyền kiếp
trong lịch sử của một dòng tộc, một tôn giáo, một nhóm người hay một dân
tộc. Điều đó chẳng khác gì việc giữ lại một hạt giống bạo lực chỉ chờ
có dịp sẽ nảy mầm sinh sôi. Thế hệ sau, dù thừa hưởng di sản là nỗi đau
của một cuộc chiến, không cần và không đáng phải mang trên lưng mình ý
thức cừu địch và nhiệm vụ trả thù.
Romeo và Juliet không cần và không đáng phải đeo một mối thù truyền kiếp giữa hai dòng họ mà họ vốn chẳng trực tiếp liên quan. Tuổi trẻ và trường học là mảnh đất màu mỡ để gieo nhiều loại hạt giống khác nhau. Vì vậy cần chọn hạt giống của tư duy khoa học, lòng vị tha và tình bác ái thay vì hạt giống thù hận, chia rẽ và bạo lực.
Sự thù hận không chỉ nảy sinh từ vết thương bạo lực của tất cả các bên xung đột. Tâm lý vẻ vang với chiến thắng cũng có thể làm nảy sinh thù hận.
Trong một cuộc chiến, người tham chiến cần được coi là chiến binh chuyên nghiệp mà vinh quang là của cả người thắng cuộc lẫn người ngã xuống.
Romeo và Juliet không cần và không đáng phải đeo một mối thù truyền kiếp giữa hai dòng họ mà họ vốn chẳng trực tiếp liên quan. Tuổi trẻ và trường học là mảnh đất màu mỡ để gieo nhiều loại hạt giống khác nhau. Vì vậy cần chọn hạt giống của tư duy khoa học, lòng vị tha và tình bác ái thay vì hạt giống thù hận, chia rẽ và bạo lực. |
Bên thắng cuộc được hưởng vinh quang, nhưng vinh quang ấy không thể thiếu vẻ đẹp mã thượng thể hiện lòng tôn trọng với đối thủ thua cuộc. Bên thua cuộc cũng có vinh quang của họ bởi cái giá xương máu họ đã phải trả cho một cuộc chiến.
Có nghĩa là khi cuộc chiến kết thúc, người ngã xuống thương vong hoặc bên thua cuộc cần được đối xử như những con người với đầy đủ phẩm giá của họ.
Không phải ngẫu nhiên mà ngày nay nhân loại công nhận đây là một nguyên tắc nền tảng của Luật Chiến tranh - hay các Công ước Geneva trong Luật Nhân đạo quốc tế. Nguyên tắc này giảm thiểu sự tàn bạo trong một hoàn cảnh tàn bạo nhất, và là một nỗ lực để không gieo những hạt mầm bạo lực.
Việc dạy và học sử ở nhà trường cũng cần tôn trọng và thực hành nguyên tắc nhân bản này.
Môn sử cần giúp nhận thức trưởng thành cả về lý tính và nhân tính
Cả tâm lý thù hận do mất mát và tâm lý vẻ vang với chiến thắng đều che
mờ khả năng lý tính để nhận thức sự việc một cách khách quan. Ngược lại,
vận dụng lý tính và thúc đẩy việc nhận thức sự việc một cách khách
quan, dựa trên các bằng chứng khoa học và việc soi sáng những bằng chứng
ấy bằng tư duy độc lập và biện chứng cho phép chúng ta tiến gần hơn đến
thực tế.
Những diễn biến trong lịch sử và đặc biệt là trong một cuộc xung đột là vô cùng phức tạp bởi nó liên quan đến nhiều bên khác nhau, nhiều luồng tư tưởng, nhiều lợi ích khác nhau, nhiều mối quan hệ quyền lực và cả những ý đồ chính trị khác nhau. Mỗi chứng nhân của lịch sử có thể mô tả sự kiện họ đã liên đới theo cách nhìn khác nhau, xuất phát từ vai trò, quan điểm và ý thức hệ của họ, từ đó tạo ra một phiên bản lịch sử của họ.
Bởi thế không có một phiên bản mô tả lịch sử nào có thể coi là trọn vẹn và duy nhất. Cũng như không có sự thực nào là hoàn hảo do nhận thức của con người là giới hạn, và do bản chất phức tạp của cả thực tại khách quan lẫn quan điểm và phẩm chất của con người.
Bởi thế, bản thân những mô tả về lịch sử cũng đa dạng, mà chúng ta chỉ có thể biết về một sự kiện một cách bao quát hơn bằng cách tập hợp nhiều góc nhìn, nhiều phiên bản, nhiều bằng chứng. Phủ nhận một góc nhìn khác cũng chính là phủ nhận một cơ hội tiến gần hơn đến sự thật.
Chính vì thế, thúc đẩy những tranh luận dựa trên bằng chứng khoa học
chứ không phải bản năng trả thù, chấp nhận tính phức hợp và đa nguyên
của lịch sử chứ không phải những thông tin một chiều nặng tính tuyên
truyền sẽ giúp chúng ta tiến gần hơn đến tri thức.
Môn sử
trong nhà trường trước hết cần đóng vai trò là một môn khoa học giúp
người học phát triển về khả năng tư duy để nhận thức về bản thân và thế
giới, từ đó lựa chọn số mệnh của mình một cách ngôn khoan hơn. Môn học
ấy cũng cần bồi đắp tinh thần nhân văn và sự khoan dung để giúp thế hệ
sau nếu gặp xung đột sẽ biết cách tránh được xung đột và mất mát.
Với tư cách là một khoa học nhân văn, việc dạy và học môn có vai trò phá vỡ vòng xoáy bạo lực để tránh sự lặp lại những vi phạm nhân quyền tràn lan trong chiến tranh: Ký ức và trải nghiệm được ghi nhận và truyền bá không phải là những thông điệp bạo lực, mà phải tạo điều kiện cho sự nhận diện bạo lực và thức tỉnh khỏi bạo lực.
Những bài học lịch sử không nên truyền đạt sự thù hận địch - ta, bởi
nó cần sự khách quan từ việc công nhận tính đa diện và đa nguyên của một
cuộc xung đột.
Nhìn lại một cuộc chiến có những trận đánh
được sắp đặt như thế nào là câu hỏi của khoa học quân sự. Những quan hệ
quyền lực diễn biến ra sao trong xung đột như thế nào là câu hỏi của
khoa học chính trị. Truyền đạt vẻ đẹp của sự hy sinh, lòng trung thành,
tình yêu nước hay ghi tạc bản sắc dân tộc là thông điệp của thi ca và
nghệ thuật.
Còn lịch sử, như một ngành khoa học và người dạy sử như một người hướng dẫn phát triển tư duy cần làm nhiệm vụ khai sáng để giúp người học nhận thức rõ ràng hơn về thế giới trong quá khứ, và hướng đến một tương lai chung sống hòa bình.
Nghiêm Hoa
Nguồn: Diễn Ngôn
Tuần Việt Nam biên tập và đặt lại tiêu đề