Sáng 27/5, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập (29/5/1959-29/5/2024).
Cách đây 65 năm, Trường Hành chính trực thuộc Bộ Nội vụ (tiền thân của Học viện Hành chính Quốc gia ngày nay), cơ sở đào tạo đầu tiên về hành chính ở nước ta đã được thành lập theo nghị định của Chính phủ, với nhiệm vụ huấn luyện cán bộ chính quyền cấp huyện.
Từ một cơ sở bồi dưỡng với quy mô nhỏ ban đầu tại xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, đến nay, Học viện Hành chính Quốc gia có quy mô như hiện tại với trụ sở chính tại Hà Nội và các phân hiệu tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên và TPHCM.
Trong hành trình 65 năm, học viện đã đào tạo, bồi dưỡng hàng trăm nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức thông qua các khoá bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo chương trình chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp; bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng, cấp huyện, cấp sở, cấp vụ...
Cùng sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, học viện cũng trở thành một cơ sở đào tạo các trình độ của giáo dục đại học uy tín. Từ năm 2000, học viện đào tạo đại học hành chính hệ chính quy.
Từ năm 1995 đến nay, học viện đã đào tạo được 28 khóa đào tạo thạc sỹ với hàng nghìn học viên cao học tốt nghiệp. Từ năm 2003 đến nay, có 18 khóa đào tạo tiến sĩ với hàng trăm nghiên cứu sinh tốt nghiệp. Học viện đã cung cấp một số lượng lớn nhân lực có trình độ học vấn cao về Quản lý công và một số chuyên ngành khác, như: Luật Hiến pháp và Luật Hành chính; Chính sách công; Tài chính - Ngân hàng…
Ông Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia, cho hay, trong bối cảnh phát triển và hội nhập quốc tế, học viện đặt ra mục tiêu phấn đấu thực sự là trung tâm quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý có uy tín ngang tầm khu vực.
Học viện cũng sẽ phát huy mạnh vai trò của trung tâm quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng công chức, viên chức về hành chính và quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, hướng tới xây dựng một nền hành chính nhà nước chuyên nghiệp, hiện đại phục vụ nhân dân.
Bà Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ghi nhận và biểu dương những thành tích của Học viện đã đạt được trong 65 năm qua.
Bà Trà cho hay, trong thời gian tới, học viện cần xác định rõ tầm nhìn chiến lược, phát triển có trọng tâm, trọng điểm và có khát vọng lớn để thực sự trở thành trung tâm bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý có uy tín ở khu vực và thế giới với các chương trình bồi dưỡng chuyên sâu, bồi dưỡng chuyển giao tri thức.
Cùng đó, học viện cần đổi mới tư duy về đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng hệ giá trị văn hóa, tri thức và khoa học công nghệ của Học viện để tạo nên một thương hiệu nổi trội, có uy tín ở trong nước và quốc tế; là nơi thu hút công chức, viên chức, học viên trong nước, khu vực, quốc tế tới để đào tạo, bồi dưỡng, trao đổi học thuật và luôn tìm thấy ở đây những tri thức đầy giá trị trong tương lai không xa.
Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư xứng đáng cho nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. “Tôi chờ mong và đặt nhiều kỳ vọng vào các nhà khoa học của Học viện sẽ có nhiều sản phẩm khoa học với góc nhìn mới mẻ, có giá trị tư vấn chính sách, có tính dự báo cao”, bà Trà nói.
Học viện cũng cần có lộ trình cụ thể phát triển học viện số để hiện đại hóa quá trình đào tạo, bồi dưỡng góp phần xóa nhòa những giới hạn về không gian, thời gian trong đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức, học viên, sinh viên có cơ hội tiếp cận tri thức, được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức vào bất cứ khi nào, ở đâu.
Qua 65 năm xây dựng và phát triển, Học viện Hành chính Quốc gia đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Độc lập hạng Ba… cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Nhiều thế hệ học viên, sinh viên của Học viện đã và đang giữ những trọng trách trong các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các tỉnh, thành phố; lãnh đạo các trường đại học, học viện, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn...
Ông Nguyễn Trung Dũng, Chủ tịch Mạng lưới đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ĐH - CĐ Việt Nam, cho rằng hoạt động đổi mới sáng tạo ở đa phần các đại học trong nước hiện mới chỉ dừng lại ở những cuộc thi sinh viên “vỗ tay xong rồi về”.