Tôi vào Hội An khi cơn mưa chặn những con đường Hà Nội.
Mấy năm trước, Myoko Tanabe, cô gái Nhật chơi vĩ cầm ở Tokyo dịch cho tôi một loạt tài liệu về những câu chuyện xanh rêu cổ tích trong văn khố Nhật về thành phố nhỏ này.
Chuyện cô dâu Việt dòng dõi chúa Nguyễn theo về nhà chồng, cập bến Nagasaki. Chuyện truy lùng những 'con Trĩ sao' mà nhà nghiên cứu U.Hachisuka năm 1925 lưu mãi vấn vương có phải đó là Phượng hoàng trong truyền thuyết Trung Hoa, Việt Nam. Những 'con Trĩ sao' khôn ngoan khiến người Pháp không tài nào săn nổi vì sự khôn khéo, chỉ với một chiếc lông đuôi trưng bầy những năm 1850-1856 ở Bảo tàng thực vật học Paris, làm cả nước Pháp xáo động.
Cơn sóng thần tàn phá nước Nhật cuốn Myoko vào lòng biển xanh. Điều đó khiến tôi không muốn mở lại những cặp bìa trong suốt, điểm những cánh hoa anh đào có nút bấm mầu xanh nước biển.
Trong chiếc hộp gỗ ánh mầu hồ đào đựng áo Kimono, còn số tiền Myoko dành ra cho chuyến đi thăm Hội An. Nhiều người Nhật cũng phải lòng miền đất Việt rất xa mà cũng rất gần với họ.
Chuyến bay dễ chịu, đúng giờ đưa tôi đến Đà Nẵng trong nắng ấm. Quãng đường từ thành phố biển đến Hội An chỉ 30 km, rộng rãi, đẹp đẽ. Hai bên đường là những khách sạn, những quần thể vui chơi bề thế. Dân Hội An gọi đó là khu vực Trung Quốc, Hàn Quốc.
Nhìn về phía bên phải, phía sau những chuỗi khách sạn, vẫn còn thấy thấp thoáng là những mái ụ tròn cất tiêm kích F4, F105, A37 của sân bay chiến lược Nước Mặn hồi trước năm 1975.
Qua khỏi khu sân bay khổng lồ là những công xưởng bầy những dãy tượng Phật bằng đá trắng khổng lồ, ấn tượng như người Ai Cập trang điểm bầu trời bằng Kim Tự Tháp.
Cửa Đại hoang sơ. Nhiều nhà hàng nhỏ, nằm sát biển, khuất sau những dặng dừa. Giấy phép thường ngắn hạn nẩy sinh tạm bợ.
Bãi biển đang bị xói mòn, do dòng chảy thay đổi từ khi xây cầu bắc qua sông Thu Bồn. Bơi gần bờ chạm chân gặp nhưng doi đất nhân tạo chắn sóng, du khách dễ giật mình như tưởng dẫm chân lên boong tầu ngầm.
Đi dạo bãi biển Cửa Đại, tôi không gặp một cánh chim Hải âu nào. Khá kỳ lạ với một thành phố biển.Ảnh: Phạm Cao Phong |
Nguồn sống chủ yếu của Hội An tựa vào du lịch. Tất cả mặt tiền các ngôi nhà đều là cửa hàng, neo dịch vụ mưu sinh vào cuộc đời.
Khách có thể cắt may lấy ngay trong ngày một bộ quần áo. Tốc độ không thể hình dung về giá cả, thời gian. Có dịch vụ cho thuê xe máy. Người Châu Âu khoái loại hình di chuyển thuận tiện ít phiền hà.
Khác với hình ảnh những năm 90, lúc chưa hình thành khách sạn tư nhân, người nước ngoài không được quyền thuê phòng, đến Hội An đành chọn vỉa hè qua đêm.
Hội An bây giờ chẳng còn thấy những chàng lính thủy sạm nắng, vượt sóng dữ với những con tầu vạm vỡ Nhật Bản, Mã lai, Singapo, Bồ Đào Nha, Hà Lan như sách sử chép từ 300 năm trước.
Sự phồn thịnh dựa vào tầng lớp thương gia lần đầu tiên xuất hiện ở Hội An xoá đi ‘tiếng dốt’ về buôn bán mà người Trung Hoa gán cho Việt Nam từ thế kỷ 13, như rơi lại vào chu kỳ u trầm buôn bán tiểu thương.
Hội An bây giờ như cô gái hiền lành, mơ màng trong giấc ngủ ngày dưới cái nóng tưởng như mọi thứ có thể chảy ra được, thỉnh thoảng tỉnh dậy bán đồ cho khách du lịch.
Lê Quý Đôn về Hội An hôm nay sẽ viết khác so với những điều nghen tức của ông trong 'Phủ biên tạp lục',"đất này "coi vàng bạc như cát, thóc gạo như bùn, xa xỉ rất mực".
Thời cực thịch của văn hoá Sa Huỳnh, văn hoá Óc Eo cũng không có những nghệ nhân nối dõi. Ở chợ, bầy bán những đồ đất nung, bé tí xíu, mang tính mô phỏng nhiều hơn sự sáng tạo tinh tế.
Từ một thương cảng mở cửa ra thế giới, Hội An được 'phát hiện lại' qua một người Ba Lan.
Tượng ông bằng đá trắng được dựng trên một khu đất rộng trong phố cổ. Người phát hiện ra Angco Vát, Angco Thom kỳ vĩ của Campuchia cũng không có được niềm vinh dự tương tự.
Thành phố vào đêm đẹp huyền ảo. Bên nhánh sông Hoài, tôi chụp được một bức ảnh đủ hài lòng cho cả chuyến đi. Hình ảnh bé gái rất xinh, phụ mẹ bán đèn hoa đăng. Em có đôi mắt của một tuổi thơ dữ dội, song trong vắt.
Tôi thích chụp theo lối nghi nhận, không can thiệp vào dòng trôi cuộc đời, chuyển máy sang chế độ Raw, thu tất cả chiều sâu tận cùng hình ảnh em bé với sâu thẳm trời đêm, mà hai ngôi sao nhỏ sà xuống đôi mắt.
Với ngôn ngữ hình ảnh, câu chữ trở thành bất lực, dài dòng.
Hình ảnh bé gái rất xinh, phụ mẹ bán đèn hoa đăng. Ảnh: Phạm Cao Phong |
Trong Hội quán người Hoa có bài vị thờ 108 người Trung Quốc. Ít ai ở Hội An biết sự thật cay đắng, phía sau chữ viết kiểu lửng lơ, lướt qua cho nhẹ, theo kiểu"bị nạn trên biển".
Ngày 16/7/1851, tầu tuần duyên 'Bằng Đoàn' thông báo đánh đuổi 3 tầu cướp. Báo cáo nêu rằng hạm trưởng Tôn Thất Thiều, Phạm Xích nêu gương dũng cảm trong trận hải chiến, đánh chìm một tầu, đuổi hai tầu kia ra khỏi lãnh hải, đề nghị được ân thưởng.
Vua Tự Đức nghi có sự không trung thực, sai điều tra, khám phá vụ việc tàn nhẫn. ‘Bằng Đoàn’ biết đấy là tầu buôn nhưng vẫn chặn cướp, sau đó giết toàn bộ thuỷ thủ đoàn để bịt manh mối.
Vua Tự Đức phê: "Phạm Xích và đồng bọn đã tìm cách gian trá để được vinh dự và khen thưởng. Đây là bọn khùng, ham muốn tột độ và tàn bạo và mất hết bản chất nhân đạo! Khi nghĩ đến, Trẫm rùng mình và không làm sao chấp nhận được một sự việc như vậy. Phải tiếp tục điều tra, bắt giam bọn tội phạm, đem xét xử, để chúng chịu tội theo luật pháp của đất nước."
Lang Trung Tôn Thất Thiều, Chưởng vệ Phạm Xích đều kết tội tùng xẻo, vợ con bị đầy vào Nam. Tôn Thất Thiều bị gạch tên khỏi sổ Tôn nhân Hoàng gia. Hiệp quân Dương Cù bị chém tại chỗ, bêu đầu.
Các Hộ sĩ Tôn Thất Giá, Tôn Thất Hành, Tôn Thất Cẩm bị xử chém, xóa tên khỏi Hoàng gia.
Các tội phạm bị tịch biên gia sản và chia lại cho quả phụ, gia quyến người bị hại. Phủ Thừa Thiên có trách nhiệm lập đàn giải oan, làm lễ.
Trên chiếc cầu Nhật Bản cổ với mái vòm gỗ gợi nhớ phim "The Bridges of Madison County" với tài tử Clint Eastwoot và cô đào Meryl Streep, không có cảnh thầy bói mù gieo thẻ trong chiếc mu rùa khô như câu chuyện Bénigne Vachet kể vào năm 80 thế kỷ 17.
Chiếc cầu Nhật Bản cổ với mái vòm gỗ gợi nhớ phim "The Bridges of Madison County". Ảnh:Phạm Cao Phong |
Ở một nơi những câu chuyện thi vị và tràn đầy biến cố chìm nổi từ hơn 3 thế kỷ, tôi cho phép mình tưởng tượng xây một thị trấn nhỏ trong mơ, nó sẽ bước ra như vệ tinh mặt trăng của mặt trời.
Nó sẽ giải tỏa những sạp hàng có khắp mọi nơi của Hội An, những restaurants sẽ quy tụ về trả cho bãi biển vẻ hoang sơ và nét lả lơi, cong cớn của các rặng dừa nước.
Nếu vậy sự thảnh thơi của thành phố, bây giờ gạn lọc từ cuộc sống buôn bán thường trực từ bình minh vượt lên từ biển và kéo dài đến đêm được chiếu sáng bằng những ngọn đèn Led sẽ trọn vẹn hơn?
Những không gian cá nhân biến mất bởi những cánh cửa mở thông thống đón khách mua hàng sẽ tìm lại đúng chức năng sau những cánh cửa vốn được chạm khắc rất đẹp?
Sự thảnh thơi của thành phố, bây giờ gạn lọc từ cuộc sống buôn bán thường trực từ bình minh vượt lên từ biển và kéo dài đến đêm được chiếu sáng bằng những ngọn đèn Led sẽ trọn vẹn hơn? Ảnh: Phạm Cao Phong |
Một mô hình như thành phố cổ nhất Châu Âu Malaga, Tây Ban Nha.
Tôi đã đến Malaga, thích thú vẻ đẹp cổ nguyên vẹn, bình yên trước biến động thời gian. Một thành phố được dựng lên từ thế kỷ thứ Tám trước công nguyên, ánh mắt nhìn về tương lai mà không lãng quên quá khứ.
Buổi sáng, đi dạo bãi biển Cửa Đại, không hiểu tại sao tôi không gặp một cánh chim Hải âu. Khá kỳ lạ với một thành phố biển.
Những con chim thích vẫn thường đùa với sóng, cãi nhau ỏm tỏi, đuổi theo những mành lưới kéo sau những chiếc thuyền đánh cá sặc sỡ, được mang tên 'Chim báo bão' chẳng thấy nằm phơi nắng hay đùa với sóng ở đây.
Ở mảnh đất của con 'Trĩ sao' huyền thoại, cánh trắng Hải âu đi đâu mất rồi? Môi trường sống biến đổi?
Nếu như một chiếc cầu treo với những sợi cáp thép lả lướt như những dây đàn cho chiếc violon của Thần Gió bảo tồn dòng chảy thế chỗ cho kiến trúc đồ sộ trên Cửa Đại, những cánh chim Hải âu sẽ đậu trên những sợi tơ trời ấy như những nốt nhạc đen trắng?
Lúc đó người Hội An chẳng cần phải cầm cự với thiên nhiên mỗi năm lấn tới gần 100 m do sông Thu Bồn đổi dòng?
Những không gian cá nhân biến mất bởi những cánh cửa mở thông thống đón khách mua hàng sẽ tìm lại đúng chức năng sau những cánh cửa vốn được chạm khắc rất đẹp? Ảnh: Phạm Cao Phong |
Tôi đi xem phòng trưng bầy của các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Người Hội An có chất thơ trong máu. Những trận lụt được thu vào ống kính như một nét duyên, một cơ hội khám phá vẻ lãng mạn trong bấn loạn. Tôi chưa với được tầm triết học như thế. Trắc ẩn vẫn còn đâu đó, chưa gột đủ để bước từ một xã hội tiêu thụ sang một xã hội vẫn cam chịu, "sống chung với lũ".
Khi tôi viết xong những dòng này, cơn lụt lớn chưa nhấn chìm Hội An. Tôi nhớ ánh mắt của em bé bán đèn hoa đăng bên bến sông Hoài. Bây giờ bé ra sao, lớn lên bé sẽ làm gì ? Gặp lại cô bé tôi còn chưa kịp biết tên, sẽ là điều thú vị.
Phạm Cao Phong