- Hối lộ nhiều không giúp DN kinh doanh hiệu quả hơn mà thậm chí, xác suất đóng cửa ở những DN này gia tăng. Sau kết quả khảo sát về tham nhũng, thông điệp này được tái khẳng định sáng nay, 21/11 từ cuộc công bố điều tra các DN nhỏ và vừa.
Khá trùng hợp, cuộc điều tra về môi trường kinh doanh năm 2011 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ và Đại học Tổng hợp Copenhagen, Đan Mạch công bố sáng nay, 21/11, cũng có phát hiện tương đồng với kết quả khảo sát về tham nhũng do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới công bố hôm 20/11.
Sau hối lộ, nhiều DN rút chân khỏi thị trường
Ông John Rand, Trường ĐH Copenhagen cho biết, DN Việt Nam hiện nay vẫn phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng về việc phải trả các khoản chi phí không chính thức để được việc.
Năm 2011, số các DN chi trả khoản bôi trơn tăng lên 38%, cao hơn tỷ lệ 34% năm 2009. Và nhìn từ năm 2007 đến nay, số DNNVV đưa hối lộ đã gia tăng. Trong đó, 30% các khoản hối lộ là nhằm đối phó với cơ quan thuế và 26% khoản chi không chính thức trả cho các dịch vụ công. Nhưng xét về quy mô, những DN vừa và nhỏ chi hối lộ cao hơn 10% so với những DN siêu nhỏ.
Vấn đề đặt ra là các động thái bôi trơn trên trước mắt giúp DN được việc, nhưng chưa chắc đã có ích cho DN trong kinh doanh dài hạn. Nhóm nghiên cứu còn nhận định, các DN thường xuyên hối lộ lại không tạo ra nhiều lao động hơn các DN không làm việc này. Đồng thời, các DN chi hối lộ này lại có xác suất đóng cửa, rút khỏi thị trường cao hơn 3% so với những DN không hối lộ.
Kinh doanh chưa chắc đã tốt hơn khi DN hối lộ (ảnh mang tính minh họa) |
Bình luận về kết quả trên, TS Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, bày tỏ, đây là một phát hiện bất ngờ. Những DN làm ăn không bài bản có vẻ sẽ quan tâm nhiều hơn việc hối lộ, phải bỏ ra các khoản chi không chính thức. Ngược lại, những DN làm ăn chân chính vẫn có thể phát triển bình thường. Với phát hiện này, môi trường kinh doanh Việt Nam đã có rất nhiều cải thiện những năm gần đây.
TS Nguyễn Trọng Hiệu, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng nhìn nhận, số liệu minh chứng rằng hối lộ không làm cho DN tồn tại trong dài hạn.
Thà siêu nhỏ mà lãi lớn
Nói về hoạt động tăng trưởng của DNNVV, ông John cho biết, tình hình kinh tế vẫn ngày càng khó khăn khiến cho số các DN mở rộng đầu tư đã giảm sút. Theo kết quả khảo sát, nếu như năm 2009, có 61% DN đã đầu tư mới thì năm 2011, tỷ lệ này giảm chỉ còn 56%. Trong số này, những DN lớn hơn thì có xác suất đầu tư mới lớn hơn.
Nhìn xuyên suốt trong 3 năm qua, hoạt động đầu tư của các DN nhỏ và vừa Việt Nam lại có một đặc thù đáng chú ý khác. Trong gần 2.000 DN được tham vấn ý kiến, chỉ có 444 DN đã không có hoạt động đầu tư mới nào trong 4 năm qua. Cùng đó, có tới 40% DN đầu tư mới còn lớn hơn trong cả 2 năm 2009 và khoảng 42% DN không đầu tư mới ở năm 2009 nhưng đã đầu tư mới ở năm 2011.
"Điều đó có nghĩa, nhiều DN nếu đã đầu tư thì đều cố gắng nâng cấp quy mô hoạt động lớn hơn", ông John phân tích.
Một phát hiện thú vị hơn: vay tín dụng không phải là vấn đề cản trở việc mở rộng đầu tư của các DN nhỏ và vừa. Ở các DN siêu nhỏ, quan điểm kinh doanh rất khác biệt.
Theo ông John, có khoảng 60% DN đã không vay vốn, kể cả là vay ngân hàng hay vay bên ngoài với lý do đơn giản là họ không có nhu cầu. Hầu hết, số này là DN siêu nhỏ. Bởi lẽ, bản thân những DN này không có kế hoạch phát triển mở rộng hơn. Dù là vi mô nhưng DN siêu nhỏ của Việt Nam vẫn có thể có lãi rất tốt.
Với những DN đầu tư mới, hầu hết nguồn vốn đầu tư có được là từ việc giữ lại một phần lợi nhuận hoặc vay ngân hàng, tín dụng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư được hình thành từ khoản lợi nhuận để lại trong năm 2011 chiếm 44%, tăng so với tỷ lệ 35% năm 2009. Vốn đầu tư bằng nguồn vay tín dụng lại giảm xuống, chỉ còn chiếm 47% so thay vì 52% của 2 năm trước.
Phạm Huyền