Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) là thành viên của Mạng lưới bảo đảm chất lượng khu vực Đông Nam Á (ASEAN University Network Quality Assurance - AUN-QA) từ năm 2018. Với cơ sở vật chất được QS Stars (Anh Quốc) xếp hạng 5/5 sao và kinh nghiệm tổ chức hàng trăm sự kiện hàng năm, TDTU được lựa chọn là nơi tổ chức Hội nghị quốc tế AUN-QA năm 2024.
Sự kiện này được đánh giá là diễn đàn học thuật chuyên nghiệp, bổ ích, nơi các chuyên gia, nhà giáo dục, lãnh đạo các trường đại học trong và ngoài nước gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công tác bảo đảm chất lượng giáo dục đại học, mang đến những thông tin cập nhật và những góc nhìn đa chiều về tương lai của giáo dục đại học. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong khu vực, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội và xu hướng hội nhập quốc tế.
Trải qua 27 năm hình thành và phát triển, Trường Đại học Tôn Đức Thắng là một trường đại học trẻ vẫn luôn kiên định với mục tiêu phát triển thành Đại học nghiên cứu đẳng cấp quốc tế để thực hiện sứ mạng “Giáo dục, nghiên cứu và sáng tạo vì sự phát triển toàn diện của con người và xã hội”. Đến nay, TDTU đã từng bước khẳng định chất lượng đào tạo, uy tín trong học thuật; TDTU được xếp vào Top 200 các đại học hàng đầu Châu Á và là một trong những trường đại học trẻ có thành tích nổi bật trên thế giới theo xếp hạng THE Asia University Rankings và THE Young University Rankings.
Hội nghị quốc tế AUN-QA 2024 dự kiến tiếp đón khách mời là đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Giáo dục Đại học, Khoa học, Nghiên cứu và Đổi mới Thái Lan (MHESI), Giám đốc điều hành AUN, các diễn giả và điều phối viên đến từ các trường đại học, các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực giáo dục từ khắp nơi trên thế giới. Chương trình Hội nghị gồm ba hoạt động chính:
Hội nghị quốc tế AUN-QA (AUN-QA IC): Diễn đàn chính thức để các chuyên gia, nhà giáo dục và đại diện các trường đại học chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về các vấn đề cấp thiết trong lĩnh vực bảo đảm chất lượng giáo dục. Với chủ đề chính là “Innovating ASEAN Higher Education: Embracing AI Integration, Database Utilization and Future-Ready Quality Culture” (Tạm dịch: Đổi mới Giáo dục Đại học khu vực Đông Nam Á: Ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo, Quản lý Dữ liệu và Phát triển Văn hóa Chất lượng Hướng đến Tương lai), Hội nghị quốc tế năm 2024 tập trung vào vai trò quan trọng của trí tuệ nhân tạo, chiến lược dựa trên dữ liệu và văn hóa chất lượng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Hội nghị toàn thể đánh giá viên AUN-QA (AUN-QA AGA): Diễn đàn dành cho các đánh giá viên AUN-QA để chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về các vấn đề chuyên môn và nâng cao năng lực đánh giá chất lượng giáo dục.
Hội nghị lãnh đạo bảo đảm chất lượng các trường đại học trong Mạng lưới AUN-QA (AUN-QA CQO): Diễn đàn dành riêng cho lãnh đạo bảo đảm chất lượng của các trường đại học thành viên AUN-QA để thảo luận, cập nhật và định hướng phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng của AUN-QA.
Hội nghị quốc tế AUN-QA lần đầu tiên được tổ chức năm 2016 tại Indonesia. Đến nay, Hội nghị đã được tổ chức 6 kỳ tại 4 quốc gia (Indonesia, Malaysia, Thailand, Philippines). Năm 2024, Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) vinh dự trở thành trường đại học đầu tiên tại Việt Nam được Mạng lưới các trường Đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network - AUN) lựa chọn đăng cai hội nghị quan trọng này.
“Đây là niềm tự hào cho TDTU và là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu của nhà trường, cũng như của nền giáo dục Việt Nam. Với vai trò đại diện, TDTU mong muốn góp phần thúc đẩy hợp tác khu vực và góp thêm tiếng nói để nâng cao chất lượng giáo dục đại học ASEAN, đưa Việt Nam đến gần hơn với các tiêu chuẩn quốc tế”, đại diện trường TDTU khẳng định.
Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) đã đạt nhiều thành tích trong kiểm định chất lượng quốc tế, đến nay đã có 41 chương trình đào tạo đạt chất lượng theo các bộ tiêu chuẩn quốc tế như AUN-QA, FIBAA và ASIIN. Ngoài ra, TDTU cũng đã đạt chứng nhận kiểm định cấp cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn của Pháp - HCÉRES (giai đoạn 2018 - 2023) và theo tiêu chuẩn châu Âu - FIBAA (giai đoạn 2024 - 2030). |
Tú Uyên